| Hotline: 0983.970.780

Phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu

Thứ Ba 19/12/2023 , 09:00 (GMT+7)

Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh Bến Tre đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi và đưa vào vận hành, mang lại hiệu quả cao.

Cống Cầu Đình ngăn mặn trữ ngọt cho các vườn cây ăn trái, cây giống xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Kiều Nhi.

Cống Cầu Đình ngăn mặn trữ ngọt cho các vườn cây ăn trái, cây giống xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Kiều Nhi.

Vừa là thủy lợi, vừa là giao thông

Theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre, đến nay toàn tỉnh có 1.592 tuyến kênh các loại với chiều dài gần 2.600km; 1.687 cống ngăn mặn có. Bên cạnh đó, hồ chứa nước ngọt Ba Tri dung tích trên 800.000m3... Các công trình hoạt động hiệu quả và đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Còn theo Sở NN-PTNT, thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về thủy lợi và phòng, chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, 6 tháng đầu năm 2023 diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động trên địa bàn 139 xã đạt tỷ lệ trên 83%.

Tại huyện nông thôn mới Chợ Lách, qua 2 cuộc xâm nhập mặn khốc liệt (mùa khô 2015-2016 và 2019-2020) địa phương này chịu tổn thất nặng nề, nhất là những hộ sản xuất kinh doanh cây giống và trồng cây ăn trái mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm…

Ông Phạm Văn Hòn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, công tác xây dựng hệ thống đê bao thủy lợi gắn với phát triển giao thông đã được tăng cường. Đến nay địa bàn huyện đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp khoảng 364km đê bao, nạo vét kênh, mương nội đồng với hơn 80km.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động ở huyện Chợ Lách là 10.890 ha (đạt trên 92%). Ảnh: Kiều Nhi.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động ở huyện Chợ Lách là 10.890 ha (đạt trên 92%). Ảnh: Kiều Nhi.

Còn theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, trên địa bàn huyện có 30 cống lớn đường kính trên 1,2m và hơn 1.000 cống nhỏ để ngăn mặn, phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp. Nhờ vậy, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động là 10.890ha (đạt trên 92%).

Tuy nhiên, hệ thống đê bao chủ yếu là đê tạm, qui mô cục bộ khu vực nhỏ tầm 50-200ha, kết cấu thân đê đất đắp, các đập, các cống đa số là cống tạm, công tác ứng phó lũ là cơ bản.

Ông Nguyễn Văn Hải, nông dân trồng 01ha sầu riêng tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách cho biết, hệ thống đê bao của địa phương được khép kín. Khoảng 2 năm nay còn được đầu tư thêm 1 cống Cầu Đình để ngăn mặn. Qua đó, nếu nước mặn chỉ tấn công tới vàm Chợ Lách thì bà con ở đây rất yên tâm vì khi đóng cống nguồn nước được lấy về từ kênh Phú Phụng (xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách) vẫn đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

“Xã Sơn Định là xã nông thôn mới nâng cao hồi năm ngoái, được đầu tư hệ thống đê bao khép kín và 1 cống ngăn mặn. Trên các tuyến đê bao còn được đổ bê tông, nhựa, giao thông rất thuận tiện. Khi mùa mặn tới, bà con ở đây vét mương trữ nước, mấy cống đầu nguồn người ta đậy lại”, nông dân này cho biết.

Phát huy hiệu quả các công trình

Khi được đầu tư các công trình thủy lợi, ngoài việc duy tu sửa chữa của đơn vị vận hành, bà con nhân dân địa phương còn tích cực phối hợp trông nom, bảo quản bên cạnh đó khơi thông dòng chảy các kênh rạch góp phần đưa hiệu quả hoạt động của các công trình lên cao nhất.

Người dân ấp Thanh Trung, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách chặt lục bình khơi thông dòng chảy, phát huy hiệu quả của hệ thống thủy lợi khép kín. Ảnh: Kiều Nhi.

Người dân ấp Thanh Trung, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách chặt lục bình khơi thông dòng chảy, phát huy hiệu quả của hệ thống thủy lợi khép kín. Ảnh: Kiều Nhi.

Tại xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, địa phương đã khép kín đê bao nhiều năm nên có tình trạng lục bình sinh sôi gây cản trở dòng chảy, gây khó khăn về nguồn nước trong mùa khô.

Ông Trịnh Văn Dĩ, Phó Bí thư Chi bộ ấp Thanh Trung chia sẻ: Trên địa bàn ấp có tuyến sông Rạch Mít thông qua ấp dài khoảng 3 km thường xuyên bị ô nhiễm, nước không chảy được do lục bình, cỏ mọc đầy sông. Chi bộ quyết tâm khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường, giúp nhân dân có nước tưới trong mùa hạn mặn sắp tới bằng cách làm nắp cống ngăn mặn đã hư hỏng trước đó. Cùng với đó, mua máy móc về phá lục bình, khơi thông dòng chảy. Sau đó, phân công đảng viên phụ trách ở 15 tổ nhân nhân tự quản tiến hành họp dân, bàn cho dân biết rồi đi đến thống nhất để thực hiện.

Sau hơn 3 tháng, cả 2 công trình, phần việc hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau khoảng 10 ngày vận hành máy chặt lục bình, cỏ dại tuyến sông Rạch Mít đã được dọn dẹp sạch, tạo dòng chảy như ban đầu. Người dân rất vui mừng vì dòng sông không còn ô nhiễm nên có thể sử dụng trong sinh hoạt, tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp.

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri có dung tích 800 nghìn m3 trữ nước ngọt cho người dân Ba Tri vào khô. Ảnh: Kiều Nhi.

Hồ chứa nước ngọt Ba Tri có dung tích 800 nghìn m3 trữ nước ngọt cho người dân Ba Tri vào khô. Ảnh: Kiều Nhi.

Ông Nguyễn Văn Chênh, trồng mai vàng kiểng ở địa phương cho biết: “Người dân ở địa phương chuyên trồng mai vàng, cây kiểng để bán trong dịp Tết mấy năm nay đau đầu chuyện nước tưới vì bị ô nhiễm. Vì vậy, khi họp tổ nhân dân tự quản ai cũng đồng tình ủng hộ, đóng góp để cùng chính quyền địa phương làm. Bây giờ có cống ngăn mặn, nước sông không bị ô nhiễm nên người dân rất an tâm trong sản xuất”.

Hướng đến thủy lợi đa mục tiêu

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn có Dự án Quản lý nước Bến Tre với tổng mức đầu tư trên 6.191 tỷ đồng do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 9 (Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư.

Dự án này được triển khai để cung cấp nước ngọt cho trên 207 nghìn hộ dân. Đồng thời, ngăn triều cường và ứng phó với nước biển dâng; kiểm soát mặn tưới tiêu cho trên 204 nghìn ha diện tích đất thuộc 9 huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre; chủ động lấy nước, tiêu nước, lấy phù sa, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản cho khoảng 110 nghìn ha đất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi.

Theo đó, công trình xây dựng 8 cống ngăn triều, trong đó một số cống được kết hợp xây dựng với âu thuyền cho tàu bè lưu thông và xây cầu cho xe qua lại. Xây dựng một trạm bơm nước có công suất 72 nghìn m3/giờ. Lắp đặt 56 trạm quan trắc và đo mực nước và độ mặn nước tự động. Hiện đã đưa vào vận hành cống Tân Phú và cống Bến Rớ (huyện Châu Thành).

Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre khảo sát công trình cống Tân Phú, huyện Châu Thành. Ảnh: Kiều Nhi.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre khảo sát công trình cống Tân Phú, huyện Châu Thành. Ảnh: Kiều Nhi.

Về lâu dài, Quyết định 1399 phê duyệt quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/11/2023 đã nêu rõ phương án phát triển mạng lưới thủy lợi.

Theo đó, phát triển mạng lưới thủy lợi, cấp nước, thoát nước đa mục tiêu, kết hợp phòng, chống thiên tai, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và cải tạo môi trường sinh thái, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Giai đoạn đến năm 2030, xây dựng hoàn thiện toàn bộ các đê đa mục tiêu (kết hợp giao thông, cống kiểm soát mặn) còn thiếu dưới đê sông Mỹ Tho, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, phân tách riêng biệt vùng Bắc Bến Tre và Nam Bến Tre, tập trung phát triển công trình thủy lợi cho các tiểu vùng.

Tiểu vùng Bắc Bến Tre: Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đê và cống dưới đê bao toàn bộ vùng ngọt thành một vùng bao kín để kiểm soát mặn trữ ngọt phục vụ sản xuất. Vùng bao gồm 3 khu thủy lợi: Khu thủy lợi Thượng nguồn Ba Lai, Khu thủy lợi Giồng Trôm - Ba Tri và Khu thủy lợi Bình Đại.

Tiểu vùng Nam Bến Tre: Đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đê bao Khu thủy lợi Tây Chợ Lách, Khu thủy lợi Chợ Lách - Mỏ Cày Bắc và Khu thủy lợi Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú.

Hệ thống thủy lợi đáp ứng phòng chống thiên tai góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2023, số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Bến Tre là 96 xã, 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu đạt và vượt Kế hoạch năm 2023.

Xem thêm
Giá tiêu hôm nay 3/5/2024: Trong nước tăng mạnh

Giá tiêu hôm nay 3/5/2024 ở trong nước đồng loạt tăng mạnh 1.500 đồng. Qua đó đưa giá hồ tiêu nội địa giao dịch lên quanh ngưỡng 99.000 - 100.000 đ/kg.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.