Rong sụn là một loài rong biển nhiệt đới, có nguồn gốc tự nhiên ở vùng biển châu Á, Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Đây là loài rong biển có giá trị kinh tế cao, có thể chế biến thành các dạng thực phẩm sử dụng trực tiếp từ rong tươi hay rong khô, nhưng giá trị quan trọng nhất của nó là carrageenan.
Rong sụn được nhập về Việt Nam từ Philippines vào năm 1993 và được trồng thử nghiệm tại Nha Trang, sau đó liên tục được di giống ra các tỉnh khác như Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang,...
Ở miền Bắc, giai đoạn 1996-1997, rong sụn cũng được di giống ra trồng thử nghiệm ở Quảng Ninh và Hải Phòng nhưng hiệu quả không cao nên chưa được nhân rộng.
Để có số liệu đầy đủ làm cơ sở xây dựng dự thảo kỹ thuật nuôi trồng thương phẩm cho người dân ven biển phát triển nuôi trồng, tạo ra vùng nguyên liệu rong sụn tại các tỉnh miền Bắc, Viện Nghiên cứu Hải sản đã phối hợp với doanh nghiệp để triển khai thực nghiệm quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm rong sụn tại tỉnh Quảng Ninh.
Địa điểm thực nghiệm nuôi trồng rong sụn tại khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển, đảo Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, 3 điểm thực nghiệm nuôi trồng rong sụn gồm: khu vực ô lồng lưới; khu vực nuôi dây phía trong và khu vực nuôi dây phía ngoài.
Sau 42 ngày trồng thực nghiệm của một đợt nuôi trồng, từ khi xuống giống đến thu hoạch cho thấy rong sụn nuôi trồng tại Vân Đồn có sức sinh trưởng tương đối ổn định. Ngoài khu vực nuôi thực nghiệm khu vực giàn ô lồng nuôi, rong sụn phát triển kém và chết do nhiệt độ nước cao, các khu vực nuôi thử nghiệm khác, rong sinh trưởng và phát triển ổn định.
Dù kết quả thu nhận được từ các mẫu rong sụn nuôi tại Vân Đồn có phần thấp hơn so với các công bố trước đây về hàm lượng, chất lượng rong nuôi tại Nha Trang hay Ninh Thuận. Tuy nhiên, so với tiêu chuẩn Việt Nam về rong thương phẩm thì rong nuôi ở Vân Đồn hoàn toàn đạt chất lượng cho rong nguyên liệu trong sản xuất carrageenan.
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, rong sụn là một trong những loài rong biển đó, do là loài sinh sản dinh dưỡng nên khả năng nuôi trồng dễ thực hiện và ít tốn kém hơn so với những loài khác. Đồng thời có khả năng phát triển rất nhanh, sinh khối tăng gấp đôi trong vòng 15 ngày và có thể nuôi trồng với năng suất cao trên quy mô lớn ở các thủy vực ven biển.
Hiện nay, rong sụn đã được nuôi trồng thương mại ở trên 20 nước vùng cận nhiệt đới cho đến nhiệt đới. Ở Việt Nam, rong sụn được coi là một đối tượng nuôi có hiệu quả cao, tạo việc làm và thu nhập bổ sung đối với người dân ở vùng ven biển. Ngoài ra, việc nuôi trồng rong sụn cũng đóng góp tích cực vào sự cân bằng sinh thái và cải thiện chất lượng nước.
“Rong sụn chứa polysaccharide, có tính tạo đông, kết dính và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong ngành công nghiệp, dược phẩm và thực phẩm. Ngoài ra, rong sụn còn có tiềm năng làm nguyên liệu sản xuất ethanol và phân bón nông nghiệp… Trước đây, nguồn nguyên liệu để chiết suất ra carrageenan chủ yếu là lấy từ nguồn rong biển tự nhiên nhưng nguồn rong biển này, đang có nguy có cạn kiệt do bị khai thác quá mức. Vì vậy, nhu cầu nuôi trồng những loài rong biển này ngày càng trở lên cấp thiết”, ông Đỗ Anh Duy, Phó Trưởng phòng Khoa học, Viện Nghiên cứu Hải sản chia sẻ.
Trên thực tế, nuôi rong sụn có thể thu hồi vốn nhanh bởi chi phí đầu vào thấp, lợi nhuận về đầu ra cao. Chi phí đầu tư ban đầu để nuôi rong sụn là thấp hơn so với nuôi các loài thủy hải sản khác, vụ mùa của rong sụn kéo dài từ 3-5 tháng, có thể sử dụng làm thành phẩm để chế biến ngay sau khi thu hoạch.
Ở những môi trường nước tốt, nhiều phù du, một năm có thể nuôi nhiều vụ khác nhau quanh năm. Trong khi đó đầu ra các sản phẩm về rong lại có giá trị cao, đặc biệt xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài khó tính như Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… với 80% sản lượng, giá thu mua rong biển trên thị trường hiện nay là khoảng 100.000 đồng/kg tươi, 300.000 - 500.000 đồng/kg khô.
Tại Vân Đồn, một trong những người tiên phong trồng rong là ông Nguyễn Sỹ Bính với số lượng giống ban đầu chỉ có 5kg. Đến nay, trung bình 1 ha thu được từ 70 cho đến 100 tấn rong sụn/năm.
Hiện giá trên thị trường khoảng 10.000đ/1kg, với diện tích nuôi hàu lên tới 10 ha, ông Nguyễn Sỹ Bính đang có nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm từ rong sụn. Ông Sỹ đang tiếp tục nhân giống để mở rộng diện tích trồng rong sụn bên cạnh những diện tích nuôi hàu để cải thiện môi trường nước và cung cấp sản lượng rong sụn cho thị trường.
Có thể nói, do những lợi ích của rong sụn đem lại cho người nuôi về giá trị kinh tế và môi trường, người tiêu dùng lợi ích về sức khỏe nên mô hình nuôi rong sụn đang được người dân nhân rộng và ngày càng phổ biến tuy nhiên về kỹ thuật thì chưa có hướng dẫn cụ thể.
Do vậy, khi các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản được thực hiện xong và chuyển giao là một cơ hội tốt cho các hộ khai thác nuôi trồng loài rong này, bởi hiện nay có nhiều công ty về chế biến, thương mại đang khan hiếm nguồn đầu vào, phục vụ cung ứng sản phẩm trong nước và thị trường xuất khẩu.
Rong sụn có thể nuôi trồng ở các loại thủy vực như ao đầm, vịnh, bãi ngang cạn, vùng nước sâu biển hở và các đảo. Có 3 mô hình trồng khá phổ biến hiện nay là trồng rong sụn trên bè trong ô lồng lưới; trồng ở đầm phá nông, vịnh bán hở và trồng trong ao. Mô hình trồng ao là đơn giản, chi phí đầu tư ban đầu ít nhưng năng suất thấp. Mô hình trồng rong sụn trong ô lồng lưới có chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng hạn chế được cá ăn rong và bị gãy do sóng gió lớn, phù hợp cho lưu giữ rong giống trong mùa bất lợi để cung cấp cho vụ trồng tiếp theo. Mô hình trồng ở đầm phá và vịnh bán hở cho năng suất cao, chi phí đầu tư ban đầu vừa phải, nhưng dễ bị cá ăn rong, do đó cần nuôi trồng với quy mô lớn.