Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2018, kinh tế toàn cầu có sự phục hồi tăng trưởng, khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới là Đông Á và khu vực Thái Bình Dương. Giá trị thương mại đồ nội thất toàn cầu dự kiến sẽ tăng 3,5%, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm khoảng 6% thị phần thương mại đồ gỗ thế giới, nên sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.
Chế biến gỗ xuất khẩu |
Trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu mới đây, người đứng đầu Chính phủ đã “đặt hàng” mục tiêu trong 10 năm tới, ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế.
Mục tiêu cho ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đến năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12 đến 13 tỷ USD; đến năm 2025 phấn đấu đạt 18 đến 20 tỷ USD. Trước mắt, năm 2018 phấn đấu đạt 9 tỷ USD.
Để triển khai những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp thì Tổng cục đã chủ động xây dựng các các chương trình hành động, nội dung, lộ trình thực hiện và một số nhiệm vụ cần ưu tiên.
Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đó là hoàn thiện, trình Chính phủ, Bộ NN-PTNT ban hành 4 Nghị định, 7 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp 2017, trong đó chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong khai thác, chế biến và thương mại lâm sản.
Hai là: Đẩy mạnh đàm phán các hiệp định song phương về lâm nghiệp; thúc đẩy ký chính thức hiệp định VPA/FLEGT vào tháng 10/2018 và phê chuẩn hiệp định vào tháng 12/2018; tập trung ưu tiên xúc tiến thương mại đối với các thị trường tiềm năng như: Úc, Nga, Canada, Ấn độ, Châu Phi và Nam Mỹ.
Ba là: Đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng thông qua tuyên truyền hướng dẫn các chủ rừng thực hiện trồng rừng thâm canh, sử dụng các loại giống cây trồng có chất lượng tốt, có năng suất cao để trồng rừng gỗ lớn, không khai thác rừng non, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
Đối với vấn đề phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ, ngành lâm nghiệp cũng đang trú trọng việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung gắn với phát triển sản xuất và chế biến gỗ tại một số vùng trọng điểm như Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Nam Trung Bộ.
Đặc biệt, giống cây trồng là một nhiệm vụ cần ưu tiên. Theo ông Nguyễn Quốc Trị, cần quan tâm đến công tác nghiên cứu giống cây trồng lâm nghiệp, các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng để tăng năng suất, chất lượng của rừng trồng. Chuyển đổi phương thức sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh, kết hợp trồng rừng gỗ nhỏ và gỗ lớn để nâng cao chất lượng và tỷ trọng nguyên liệu gỗ trong nước đáp ứng cho ngành chế biến gỗ.
Bên cạnh đó, ngành cũng cần triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 300 ngàn ha rừng có chứng chỉ quản lý bền vững, và đến năm 2025 sẽ đạt 1 triệu ha.
Rừng nguyên liệu Tuyên Quang |
Đối với vấn đề nguồn nhân lực cho cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Trị cũng cho biết, thời gian qua Tổng cục Lâm nghiệp và ĐH Lâm nghiệp đã lý kết quy chế hợp tác, phát triển, trong đó có nội dung về nguồn nhân lực.
Cụ thể, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ cùng phối hợp với ĐH Lâm nghiệp xác định nhu cầu, chất lượng chất lượng cử nhân, kỹ sư, công nhân lành nghề của ngành Lâm nghiệp nói chung và lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản nói riêng, từ đó ĐH Lâm nghiệp định hướng xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, triển khai nâng cao chất lượng đào tạo.
Tổng cục Lâm nghiệp cũng đề nghị ĐH Lâm nghiệp tập trung đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ có khả năng thích ứng ngay với nền sản xuất chế biến gỗ công nghệ cao, tiên tiến thông qua việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo tiên tiến, liên kết với các trường đại học tại các nước có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển như Đức, Italia, Canada...
Theo số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản chính 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt đạt 6,757 tỷ USD (tương đương 75,07% kế hoạch năm), tăng khoảng 15,91% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23,17% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 9 tháng ước đạt 5,08 tỷ USD; riêng giá trị xuất siêu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,74 tỷ USD. Ước tính xuất khẩu lâm sản cả năm đạt 9 tỷ USD. |