Ứng dụng công nghệ trong ghi nhật ký khai thác thủy sản
Việc ghi nhật ký đánh bắt là việc làm bắt buộc đối với ngư dân, giúp cho việc truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt dễ dàng hơn. Đây cũng là vấn đề mà Liên minh châu Âu yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải thực hiện để ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Tuy nhiên vì nhiều lý do, tình trạng ngư dân không ghi nhật ký khai thác vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo đó, nhiều nhật ký khai thác không ghi đầy đủ thành phần loài thủy sản trong nhật ký khai thác so với thành phần loài thủy sản khi bốc dỡ thực tế; nhật ký thiếu thông tin; ghi sai lệch vị trí tọa độ trong nhật ký khai thác với vị trí tọa độ trong giám sát hành trình tàu cá…
Để khắc phục tình trạng trên, tại buổi tập huấn tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo cho ngư dân tại thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa), Công ty TNHH Hiệp lực Phát triển Việt đã giới thiệu cho ngư dân giải pháp công nghệ số trong việc ghi nhật ký khai thác thủy sản.
Thiết bị gồm: Bộ xử lý dữ liệu, ăng ten được kết nối với điện thoại thông qua ứng dụng ghi nhật ký khai thác điện tử. Việc ghi nhật ký khai thác thủy sản bằng điện tử giúp các thuyền viên thuận lợi hơn trong việc cập nhật tàu nhập cảng, xuất bến; cập nhật sản lượng khai thác; loài đánh bắt một cách thuận tiện chỉ bằng một lần ấn nút trên màn hình điện thoại… Đặc biệt, nếu tàu cá bị mất kết nối thiết bị hành trình, thiết bị này có thể lưu trữ vị trí cho ngư dân trong thời gian 10 ngày.
“Việc ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử trên phần mềm hệ thống quản lý giúp ngư dân thuận tiện trong quá trình theo dõi, lưu trữ hồ sơ và thuận lợi trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, đảm bảo tính chính xác, minh bạch, góp phần tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu”, đại diện Công ty TNHH Hiệp lực Phát triển Việt cho hay.
Tại buổi hội thảo, đại diện công ty đã mời bà con dùng thử để trải nghiệm các tính năng tiện lợi của thiết bị, đồng thời cam kết về chất lượng cũng như sẵn sàng hỗ trợ việc lắp đặt, cài đặt thiết bị, phần mềm cho bà con.
Tái tạo nguồn lợi thủy sản để phát triển bền vững
Tại buổi tập huấn, đại diện Chi cục Thủy sản Thanh Hóa nhấn mạnh, các hành vi khai thác thủy sản tận diệt (đánh bắt bằng xung điện, kích điện) đều bị phạt nặng, đồng thời khuyến cáo ngư dân chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản, nhất là thời điểm các loài đang sinh sản.
“Việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản rất nguy hiểm, không chỉ có tính hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản, gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường mà còn có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Do đó, pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản”, ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản còn phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân, chủ tàu ký cam kết không vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các quy định về giấy phép khai thác thủy sản theo quy định khi hoạt động...
Cùng với việc tuyên truyền nghiêm cấm các hành vi đánh bắt tận diệt, nâng cao hiệu quả khai thác, nuôi trồng thủy sản, để phát triển ngành thủy sản triển theo hướng bền vững, hằng năm, Sở NN-PTNT Thanh Hóa luôn chú trọng đến công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Trong đó, hoạt động thả cá giống luôn được ngành nông nghiệp duy trì, triển khai thường xuyên, bước đầu mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về nguồn lợi thủy sản.
Thống kê của Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể và một số địa phương tổ chức 4 đợt thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tại thành phố Thanh Hóa, huyện Nga Sơn, Yên Định, Quan Hóa. Tổng lượng con giống được thả xuống hệ thống sông, hồ, khu vực ven biển khoảng 6 tấn, gồm cá giống nước ngọt, cua, tôm…
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Thanh Hóa thông qua hoạt động này, ngành nông nghiệp muốn kêu gọi các tổ chức và cá nhân hoạt động khai thác thủy sản và cộng đồng dân cư cần chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bằng cách tích cực tham gia các hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, tuyên truyền, kêu gọi ngư dân không sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, ngư cụ cấm khai thác để đánh bắt thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sản phẩm thủy sản, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, hằng năm, Sở NN-PTNT Thanh Hóa tổ chức “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản” và xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì sự phát triển bền vững. Trong đó, các hoạt động đều hướng tới việc bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng và vận động các tầng lớp nhân dân cùng hành động chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn vệ sinh môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
Để tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên, các hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh và nâng cao ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương tiếp tục thả các giống cá tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống các thủy vực tự nhiên, hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025 từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.