| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nghề nuôi nghêu: Khai thác kết hợp tái tạo nguồn lợi tự nhiên

Thứ Hai 23/09/2024 , 20:12 (GMT+7)

Để duy trì và được tái chứng nhận MSC, Bến Tre xác định phải xây dựng nghề nuôi nghêu ổn định, bền vững, theo hướng khai thác kết hợp tái tạo nguồn lợi tự nhiên.

Tỉnh Bến Tre đang triển khai các đề tài nghiên cứu, đánh giá toàn diện sự phù hợp của các bãi nghêu. Ảnh: Kim Anh.

Tỉnh Bến Tre đang triển khai các đề tài nghiên cứu, đánh giá toàn diện sự phù hợp của các bãi nghêu. Ảnh: Kim Anh.

Để duy trì và được tái chứng nhận MSC trong những năm tới, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, xác định phải xây dựng nghề nuôi nghêu ổn định, bền vững, hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho xã viên, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh còn đưa ra các định hướng giúp các HTX xây dựng phương án khai thác, bảo vệ phù hợp, theo hướng vừa khai thác, vừa tái tạo nguồn lợi tự nhiên.

Vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre đã thành lập Ban Chỉ đạo để hỗ trợ phát triển ngành hàng nghêu trên địa bàn tỉnh. Thành phần bao gồm lãnh đạo sở, Hội thủy sản, Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng, lãnh đạo các huyện, xã và HTX nuôi nghêu.

Với sự phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn, ngành nông nghiệp sẽ theo dõi sự phát triển của nghêu giống, nghêu bố mẹ; tình hình bãi triều ở khu vực nuôi nghêu. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nắng nóng, độ mặn cao…, ngành sẽ kịp thời có các giải pháp hỗ trợ cũng như phòng chống dịch bệnh trên nghêu.

Đồng thời, Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cũng phối hợp với các sở ngành trong tỉnh, triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu, để có cơ sở dữ liệu khoa học, đánh giá toàn diện sự phù hợp của các bãi nghêu, trước bối cảnh sân nghêu càng di chuyển ra xa do bồi lấn.

Thường xuyên tăng cường công tác quan trắc môi trường, để có những cảnh báo sớm về tình hình dịch bệnh trên nghêu. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn định kỳ thu mẫu, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với con nghêu để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Mặt khác, hỗ trợ các HTX cập nhật thông tin về dữ liệu sân nghêu, bãi nghêu, đảm bảo theo các nguyên tắc của tiêu chuẩn MSC.

Nghêu hiện là một trong những sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Kim Anh.

Nghêu hiện là một trong những sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Kim Anh.

Ngành nông nghiệp cũng thường xuyên triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực. Vừa qua, Sở NN-PTNT Bến Tre đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh xây dựng bộ máy các HTX hoạt động đủ sức, đủ mạnh, minh bạch và rõ ràng.

“Khi có vấn đề phát sinh Sở NN-PTNT tỉnh và địa phương sẽ kịp thời giải quyết để tránh tình trạng xã viên không hài lòng. Công tác quản lý không tốt, sẽ dẫn đến sân nghêu, bãi nghêu bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, bày tỏ.

Việc các vùng nuôi nghêu ở ĐBSCL được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế như: ASC, MSC là điều kiện tốt để quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, cần phải gắn với việc quy hoạch vùng nuôi với định hướng phát triển theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng được điều kiện của các tiêu chuẩn đưa ra.

Với tình hình tiêu thụ nghêu hiện nay cũng như tiềm năng phát triển đang trên đà rất tốt đối với con nghêu, tỉnh Bến Tre nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đã thực hiện một số công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống hoặc lưu giữ con bố mẹ, để tạo ra nguồn giống tốt nhất phục vụ sinh sản và đáp ứng nhu cầu về phát triển nuôi thương phẩm.

Hiện nay, ý thức sản xuất của xã viên tại các HTX nghêu ở tỉnh Bến Tre đã có chuyển biến rõ nét, vừa khai thác kết hợp tái tạo nguồn lợi tự nhiên. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, ý thức sản xuất của xã viên tại các HTX nghêu ở tỉnh Bến Tre đã có chuyển biến rõ nét, vừa khai thác kết hợp tái tạo nguồn lợi tự nhiên. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng quan tâm nghiên cứu, ứng dụng sâu, công nghệ sinh học (gen) trong quá trình phát triển nghêu giống bố mẹ hay phát triển công nghệ thông tin để quan trắc, cảnh báo môi trường.

Từ đó tạo ra giải pháp tổng thể, căn cơ về nguồn con giống chất lượng cung cấp cho người dân sản xuất, nhất là giống nghêu bố mẹ; chất lượng sản phẩm đồng đều, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.