| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM: Giải pháp tháo gỡ vốn vay

Thứ Năm 16/12/2010 , 10:04 (GMT+7)

Việc xây dựng NTM vẫn còn nhiều trăn trở: Bắt đầu từ đâu, bằng cách nào trong khi câu chuyện thiếu vốn, khát vốn là trở ngại lâu nay.

Phát triển nông nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa, xây dựng NTM tại nhiều địa phương ở ĐBSCL vẫn còn nhiều trăn trở, băn khoăn: Bắt đầu từ đâu, bằng cách nào trong khi câu chuyện thiếu vốn, khát vốn là trở ngại lâu nay.

Đa số chủ doanh nghiệp (DN), chủ trang trại, nông dân miền Tây thường ưu tư, vì muốn làm bất cứ nghề gì cũng cần phải có vốn. Vốn là đầu câu chuyện, là điều kiện tiên quyết. Với nghề nông muốn trồng cây gì, nuôi con gì… đều phải cậy tới ngân hàng (NH). Gần đây theo Nghị định 41/CP thì vốn cho vay sẽ tăng lên nhiều hơn hạn mức cho vay trước đây. Dù vậy trong mấy tháng qua, giám đốc một DN tại Cần Thơ có làm ăn trực tiếp và đại diện cho hàng trăm hộ nông dân, cho biết vốn vay vừa được tháo gỡ đang trôi chảy với mức vay dự kiến đầu tư cho nông hộ lên tới hơn 40 tỉ đồng.

Vậy mà mới vừa giải ngân được chừng 20 tỉ đồng thì phía NH thông báo tạm ngưng, chừng nào cho vay tiếp thì báo sau. DN chỉ biết ngồi chờ. Mặt khác, phần lớn các NH thường tập trung ở các thành phố. Một số NH thương mại mở phòng giao dịch tới cấp quận, huyện. Song với đối tượng vay là nông dân, đầu tư sản xuất nông nghiệp qui mô nhỏ gia đình, với đặc thù rủi ro cao nên phần lớn các NH thương mại chú trọng tới khách hàng lớn là các DN, chủ trang trại và ít quan tâm tới đối tượng vay nhỏ lẻ.

Thiếu vốn, cần vốn để sản xuất phát triển nông nghiệp, điều này ai cũng thấy. Thế nhưng muốn cho đồng vốn sinh lợi, hiệu quả, các chuyên gia kinh tế nhìn thực trạng sản xuất nông nghiệp ở nước ta tỏ ra băn khoăn, vì còn nhiều điều đáng lo. Vì vậy đó cũng là lý do khiến cho dòng vốn chảy về đầu tư phát triển NN-NT chưa nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, phân tích: “Là một nước nông nghiệp có nhiều loại nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, điều, tiêu, cà phê… nhưng tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã khiến nông dân chặt cây nọ trồng cây kia, gây bất ổn trong sản xuất, đời sống. Nhiều quan điểm cho rằng nguyên nhân lớn nhất do thiếu qui hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, để kéo dài việc sản xuất manh mún; sự bất cập của mô hình sản xuất kinh tế nhỏ lẻ. Các qui hoạch trong nông nghiệp chủ yếu mang tính nuôi con gì, trồng cây gì... Nhưng sản phẩm cây, con đó bán ở đâu, số lượng bao nhiêu, giá thế nào lại do thị trường quyết định. Tình trạng nêu trên đẩy người nông dân phải chịu rủi ro kép: do hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh; do từ thị trường như biến động tỷ giá hối đoái, mất cân đối cung - cầu...".

+ Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Diệp Kỉnh Tần:

Trong nhiều năm qua mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản nước ta không ngừng tăng lên và hiện đạt mức 17,9 tỉ USD/năm, nhưng sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán; năng suất, chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, năng lực sản xuất yếu. Đời sống vật chất vùng nông thôn còn thấp; tỉ lệ xã đạt tiêu chí NTM còn rất thấp.

+ Theo NHNN, đến 30/10/2010 nợ cho vay NN-NT là 358.000 tỉ đồng, tăng 10,5 lần so với cuối năm 1998. Cơ cấu tín dụng trong NN-NT tiếp tục được cải thiện theo hướng tăng dần tỷ trọng vốn trung và dài hạn và đạt 42,2% tổng dư nợ cho vay, nợ xấu được kiểm soát ở mức hợp lý. Tín dụng theo chính sách của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho vay với 18 chương trình, dư nợ đến ngày 30/10/2010 là 87.192 tỉ đồng, với 6,7 triệu lượt hộ góp phần giúp gần 2 triệu hộ thoát nghèo.

Theo TS Trần Du Lịch, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua chính sách tín dụng, dự trữ; phải tiến hành nghiên cứu xây dựng các cụm nông nghiệp; vai trò của các DN thương mại thông qua việc thực hiện mua - bán các hợp đồng tương lai; vai trò của hiệp hội sản xuất nông sản, trong đó nổi bật là vai trò của liên minh các HTX dịch vụ nông nghiệp.

Tại hội thảo “Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức tại TP Cần Thơ vào đầu tháng 12/2010 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói: Hầu như gia đình nào ở đô thị cũng có ông bà, cha mẹ, họ hàng bà con của mình còn đang ở miền quê. Đầu tư phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM là chúng ta hướng về với tất cả tinh thần và trách nhiệm xã hội. Vừa qua, các chủ trương chính sách về phát triển NN-NT đã được các cơ quan Nhà nước triển khai đồng bộ. Tuy nhiên thực tế diễn ra trong cuộc sống khi triển khai các giải pháp thực hiện còn hạn chế. Năm 2011 sẽ thực thi chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN-NT và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Ông Giàu hứa: NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai đồng bộ các chính sách đã được qui định trong Nghị định 41/CP của Chính phủ, nâng mức tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực NN-NT cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của nền kinh tế. NHNN sẽ linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đầu tư vào NN-NT, đặc biệt là vấn đề nguồn vốn vay đối với NN-NT. Thực tế hiện nay một số NH thương mại đã cam kết thực thi mạnh mẽ.

Theo ông Giàu vốn vay trung hạn, dài hạn sắp tới sẽ tăng dần, hợp lý hơn cho nông nghiệp và xây dựng phát triển nông thôn. Đặc biệt về vay vốn cho hộ nông dân và DN nhỏ đơn giản hóa thủ tục, nhưng đảm bảo cơ sở pháp lý.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.