| Hotline: 0983.970.780

Đại sứ Na Uy: 'Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển nuôi biển bền vững'

Chủ Nhật 31/03/2024 , 10:06 (GMT+7)

'Để phát triển thành công ngành công nghiệp nuôi biển, Việt Nam cần có một chiến lược đúng đắn, một quy hoạch kỹ càng dựa trên sự hiểu biết về các hệ sinh thái biển...'.

Đó là chia sẻ của Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken về một trong những giải giúp Việt Nam phát triển bền vững ngành công nghiệp nuôi biển. Đồng thời, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Hilde Solbakken cũng đã “bật mí” những bí quyết đưa lĩnh vực nuôi biển của Na Uy lừng danh toàn cầu.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken cho rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển nuôi biển bền vững. Ảnh: HT.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken cho rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển nuôi biển bền vững. Ảnh: HT.

Nuổi biển là hướng đi tất yếu

Thưa Đại sứ, bà đánh giá như thế nào về tiềm năng và thách thức trong việc phát triển nuôi biển của Việt Nam hiện nay?

Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển nuôi biển bền vững. Đầu tiên là Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2021, tiếp đó là Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Đề án 1664). Mục tiêu là giảm cường độ khai thác tài nguyên biển và phát triển nuôi biển ở các địa phương phù hợp.

Bài liên quan

Đề án 1664 cũng định hướng phát triển nuôi biển xa bờ trên quy mô công nghiệp. Là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới, việc Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16  tỷ USD vào năm 2030 và đến năm 2045 là điều rất đáng hoan nghênh.

Trong bối cảnh này, nuổi biển là hướng đi tất yếu. Khi mà dân số thế giới cũng như nhu cầu lương thực vẫn tăng đều, thì nuôi biển giúp đáp ứng nhu cầu hải sản gia tăng, giảm áp lực khai thác nguồn lợi biển, giúp cân bằng giữa sử dụng và gìn giữ tài nguyên biển, phát triển ngành công nghiệp nuôi biển bền vững.

Việt Nam có tiềm năng nuôi biển to lớn với hơn 3.200 km đường bờ biển, đồng nghĩa với vô vàn cơ hội. Trong khi đó, các loài nuôi cũng có nhiều lựa chọn đa dạng như cá, tôm, động vật có vỏ, rong biển.... nhờ hệ sinh thái biển và sinh học đa dạng ở các vùng biển Việt Nam.

Nuôi trồng thủy sản ở Na Uy, đặc biệt là nuôi cá hồi, có thể được coi là câu chuyện thành công về nuôi biển bền vững đáng nói nhất thế giới. Ảnh: NSC.

Nuôi trồng thủy sản ở Na Uy, đặc biệt là nuôi cá hồi, có thể được coi là câu chuyện thành công về nuôi biển bền vững đáng nói nhất thế giới. Ảnh: NSC.

Tầm quan trọng của nuôi trồng thủy sản bền vững trong đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được Chính phủ Việt Nam ghi nhận. Vì thế, nhiều chính sách và sáng kiến đã được đưa ra để phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một ngành công nghiệp có quy mô, trong đó bao gồm đầu tư cho cơ sở hạ tầng, thực hiện các chương trình nghiên cứu và phát triển, xây dựng khung thể chế, chú trọng hơn tới đào tạo nhân lực có tay nghề cao, ứng dụng công nghệ hiện đại và thực hành bền vững.

Tuy nhiên, quy mô các trại nuôi biển ở Việt Nam vẫn còn nhỏ, bố trí quá gần bờ với mật độ dày đặc. Điều này đã gây ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ở các vùng Duyên hải, đồng thời xung đột với các hoạt động kinh tế khác như du lịch hoặc phát triển năng lượng tái tạo. Trong khi đó năng suất nuôi trồng còn khiêm tốn do chưa có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao và thói quen sử dụng kháng sinh phổ biến để điều trị bệnh.

Việt Nam cần nhiều tiền, cần công nghệ và hỗ trợ về mặt kỹ thuật để nâng cao năng suất và tính bền vững của hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Cần xây dựng một khung thể chế thỏa đáng

Na Uy là hình mẫu về phát triển nuôi biển công nghiệp, nhất là đối với ngành cá hồi, theo bà, yếu tố nào đã đưa Na Uy đạt được những thành tựu lớn như ngày hôm nay?

Ở Việt Nam, khi tôi nói “Tôi đến từ Na Uy”, mọi người lập tức nói “Cá hồi Na Uy”. Quả thực, cá hồi Na Uy đã trở thành biểu tượng của đất nước Na Uy tại Việt Nam và trên toàn thế giới. Nó không chỉ ngon, bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe mà còn không có kháng sinh và không biến đổi gen.

Nuôi trồng thủy sản ở Na Uy, đặc biệt là nuôi cá hồi, có thể được coi là câu chuyện thành công về nuôi biển bền vững đáng nói nhất thế giới. Trong thập kỷ 70, Na Uy chuyển từ đánh bắt cá hồi tự nhiên sang nuôi cá hồi. Kể từ đó, Na Uy là quốc gia đầu tiên nuôi và thương mại hóa thành công cá hồi Đại Tây Dương.

Chúng tôi có được thành công này là nhờ nhiều lý do, trong đó phải kể tới một số yếu tố rất quan trọng.

Thứ nhất, điều kiện tự nhiên của Na Uy với những vịnh hẹp nguyên sơ và vùng biển lạnh khiến cá hồi Na Uy có độ tươi ngon và chất lượng vượt trội. Bên cạnh đó, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các thực hành bền vững trong hoạt động nuôi cá hồi. Ngành công nghiệp này tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về mật độ con giống, thành phần thức ăn, quản lý chất thải và sử dụng kháng sinh.

Chúng tôi có các biện pháp kiểm soát toàn bộ các khâu trong chuỗi cung ứng từ sản xuất giống, tới cá con, trang trại nuôi thương phẩm và cơ sở chế biến. Điều này cho phép đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hiệu quả và giảm thiểu tác động đến môi trường. Để làm điều này, các giải pháp công nghệ có ý nghĩa then chốt.

Một yếu tố nữa phải kể đến đó là cơ chế hợp tác tuyệt vời giữa Chính phủ, ngành công nghiệp và giới học thuật, cùng với đó là sự hỗ trợ tài chính đáng kể để hỗ trợ và tạo đà cho các hoạt động nuôi trồng bền vững hơn.

Vì cá hồi là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Na Uy nên ngành này được Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực nuôi trồng thông qua các chương trình đào tạo và thực tập nghề do Chính phủ và ngành cùng tài trợ. Trên cơ sở đó, các cơ sở và tổ chức nghiên cứu chuyên ngành phối hợp với các trại nuôi và ngành công nghiệp. Tất cả cùng làm việc với nhau vì một tầm nhìn chung cho tương lai.

Xây dựng một ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản bền vững, thành công về mặt thương mại và có chất lượng không phải là chuyện một sớm một chiều. Để đối phó với những thách thức mới như tác động của biến đổi khí hậu, ngành công nghiệp, Chính phủ và các đơn vị nghiên cứu của Na Uy cũng phải hợp tác chặt chẽ để cập nhật thường xuyên liên tục cho nhau về các thực hành tốt nhất.

Bà có thể chia sẻ thêm những kinh nghiệm của Na Uy trong việc phát triển nuôi biển để Việt Nam có thể học hỏi và ứng dụng?

Theo tôi, cần xây dựng một khung thể chế thỏa đáng, trong đó bao gồm một quy hoạch không gian biển phù hợp. Na Uy quản lý đại dương theo cách tiếp cận tích hợp rất hiệu quả, xác định rõ ràng vùng biển nào dành cho nuôi trồng thủy sản, khu vực nào để phát triển du lịch, dầu khí, hàng hải và hoạt động phát triển năng lượng tái tạo như gió ngoài khơi. Điều này đảm bảo sự phát triển hài hòa của mọi ngành kinh tế biển.

Chú trọng tới tính bền vững ngay từ đầu, dù đó là điều kiện tự nhiên để xác định vị trí trại nuôi hoặc là các phương pháp thực hành nuôi biển tốt đảm bảo sức khỏe cá nuôi.

Đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới để thúc đẩy áp dụng công nghệ nuôi hiện đại và bền vững, nâng cao năng suất nuôi và giải quyết các thách thức của ngành.

Na Uy quản lý đại dương theo cách tiếp cận tích hợp rất hiệu quả, xác định rõ ràng vùng biển nào dành cho nuôi trồng thủy sản, khu vực nào để phát triển du lịch, dầu khí, hàng hải và hoạt động phát triển năng lượng tái tạo như gió ngoài khơi. Ảnh: NSC.

Na Uy quản lý đại dương theo cách tiếp cận tích hợp rất hiệu quả, xác định rõ ràng vùng biển nào dành cho nuôi trồng thủy sản, khu vực nào để phát triển du lịch, dầu khí, hàng hải và hoạt động phát triển năng lượng tái tạo như gió ngoài khơi. Ảnh: NSC.

Tăng cường hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa các bên liên quan, trong đó có các nhà sản xuất, các đơn vị nghiên cứu và cơ quan Chính phủ.

Xây dựng một thương hiệu mạnh như “Seafood from Norway - Hải sản từ Na Uy” và các chiến lược định vị thị trường hiệu quả.

Đây là điều chúng tôi đã và đang tiếp tục làm đối với toàn bộ các mặt hàng hải sản xuất khẩu của Na Uy. Nhờ đó, năm 2023, Na Uy đã xuất khẩu 1,2 triệu tấn cá hồi, tương đương 122,5 tỷ krone Na Uy, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản của Na Uy. Con số này tương đương với 22 triệu bữa ăn cá hồi Na Uy mỗi ngày.

Xây dựng một quy hoạch không gian biển dài hạn và toàn diện là cần thiết

Theo bà, Việt Nam cần có những giải pháp gì để đưa ngành nuôi biển trở thành một “ngôi sao sáng” trên toàn cầu trong lĩnh vực này? Và Việt Nam liệu có thể làm được những điều đó?

Để phát triển thành công ngành công nghiệp nuôi biển, Việt Nam cần có một chiến lược đúng đắn, một quy hoạch được xây dựng kỹ càng dựa trên sự hiểu biết về các hệ sinh thái biển và các phương pháp nuôi trồng thủy sản tiên tiến, tuân thủ các quy định về môi trường.

Với chiến lược đã được thông qua, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn đầu phát triển ngành công nghiệp nuôi biển. Vì vậy, việc xây dựng một quy hoạch không gian biển dài hạn và toàn diện là cần thiết và kịp thời. Việc xem xét các yếu tố như chất lượng nước, nhiệt độ, các mô hình hiện tại, độ sâu, khả năng tiếp cận và khoảng cách tới thị trường, cộng với sự cần thiết phải phát triển các ngành công nghiệp biển khác với tác động ít nhất đến tài nguyên biển sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển ngành công nghiệp nuôi biển bền vững.

Việt Nam đã có một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ. Nhưng để cạnh tranh, điều quan trọng là phải nâng cao giá trị và chất lượng mặt hàng xuất khẩu, trong đó yếu tố bền vững là then chốt.

Có thể bắt đầu bằng một số dự án thí điểm bằng 1 hoặc 2 loài, tính toán kỹ về xu hướng thị trường và môi trường địa phương. Sau đó, áp dụng các thực hành nuôi trồng bền vững trong toàn chuỗi sản xuất, xem xét các yếu tố chất lượng giống, tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ chuyển hóa thức ăn, khả năng kháng bệnh, tác động sinh thái, khâu thu hoạch, vận chuyển và chế biến. Từ những dự án thí điểm này ta sẽ rút ra những bài học để cải tiến hoặc tiếp tục nhân rộng.

Những bước đi nhỏ sẽ dẫn đến thành công lớn. Với tiềm lực to lớn và ý chí chính trị mạnh mẽ, tôi tin Việt Nam có thể hiện thực hóa được những mục tiêu mình hướng tới.

Đâu sẽ là cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực nuôi biển thời gian tới, thưa bà?

Hơn 4 thập kỷ hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản là nền tảng vững chắc để chúng ta tiếp tục hợp tác trong ngành nuôi biển.

Hiện hai nước chúng ta đang bắt đầu triển khai Ý định thư hợp tác được ký năm 2021 giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy về tăng cường và phát triển hợp tác trong ngành nuôi trồng thủy sản biển.

Theo bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, để nuôi biển Việt Nam phát triển, việc xây dựng một quy hoạch không gian biển dài hạn và toàn diện là cần thiết và kịp thời. Ảnh: Duy Học.

Theo bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, để nuôi biển Việt Nam phát triển, việc xây dựng một quy hoạch không gian biển dài hạn và toàn diện là cần thiết và kịp thời. Ảnh: Duy Học.

Việt Nam đang bắt đầu xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia. Na Uy đang cùng với Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình này thông qua chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm của chúng tôi trong xây dựng và áp dụng Quy hoạch không gian biển quốc gia.

Để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 và phát thải ròng bằng "0" năm 2050, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ bản là thông qua quá trình chuyển đổi năng lượng thành công cũng như khai mở tiềm năng của nền kinh tế xanh. Do đó, Việt Nam cần xây dựng năng lực quản lý đại dương bền vững, có cơ sở khoa học, trong đó Quy hoạch không gian biển quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Na Uy và Việt Nam đều quan tâm tới mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và công bằng trong bối cảnh những thách thức toàn cầu đang gia tăng, ví dụ như biến đổi khí hậu... Công nghệ và đổi mới sáng tạo có ý nghĩa then chốt. Đó là các yếu tố góp phần đảm bảo thành công cũng như mở ra các cơ hội mới để công ty của chúng ta hợp tác với nhau.

Với các giải pháp công nghệ tiên tiến, cơ chế tài chính linh hoạt, sự kết nối và chuyên môn sâu rộng trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành nuôi trồng thủy sản, nhiều công ty Na Uy đã và đang đóng góp rất lớn vào ngành nuôi trồng và chế biến thủy hải sản ở Việt Nam, trong đó có những tên tuổi như: Scale AQ, Skretting, Pharmaq, Selstad, GenoMar, TerraMarine, MMC First Process... Tôi tin rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều công ty Na Uy nữa đến và ở lại thị trường Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Ngày 1/4, Bộ NN-PTNT và tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì. Dự kiến, Hội nghị sẽ thu hút khoảng 400 - 450 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Sự kiện được Báo Nông nghiệp Việt Nam phát trực tiếp trên các nền tảng đa phương tiện.

Quý vị có thể tham dự qua zoom. ID: 939 8269 4473. Mật mã: 202404

(Thực hiện)

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm