| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi biển xa bờ?

Thứ Hai 01/04/2024 , 05:38 (GMT+7)

Doanh nghiệp nuôi biển xa bờ hiện nay còn rất ít, bởi đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm ‘sóng gió’ ở trình độ cao.

Đối với phát triển công nghiệp nuôi biển xa bờ, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, sẽ phát triển mạnh nuôi các đối tượng có lợi thế cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ lớn trên vùng biển xa bờ. Ảnh: Duy Học.

Đối với phát triển công nghiệp nuôi biển xa bờ, Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, sẽ phát triển mạnh nuôi các đối tượng có lợi thế cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ lớn trên vùng biển xa bờ. Ảnh: Duy Học.

Quá tải nuôi biển gần bờ

Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (hay còn gọi là nuôi biển) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8-2 tỷ USD.

Bài liên quan

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.

Về phát triển nuôi biển gần bờ, ưu tiên phát triển nuôi, trồng các đối tượng có thị trường tiêu thụ và lợi thế cạnh tranh: Nhóm cá biển; nhóm giáp xác; nhóm nhuyễn thể; nhóm rong, tảo biển; sinh vật cảnh và các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế khác.

Áp dụng phương thức nuôi công nghiệp, ưu tiên phát triển các mô hình nuôi đa loài phù hợp với từng vùng sinh thái, sức tải môi trường, gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi và đồng quản lý ở vùng bãi triều, đầm phá, rừng ngập mặn ven biển.

Đối với phát triển công nghiệp nuôi biển xa bờ, Đề án xác định sẽ phát triển mạnh nuôi các đối tượng có lợi thế cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ lớn trên vùng biển xa bờ; nhóm cá biển có giá trị kinh tế cao, nhóm nhuyễn thể và các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế khác.

Nuôi công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng hệ thống lồng, bè có kết cấu và vật liệu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết (sóng to, gió lớn, bão).

Hình thành các vùng nuôi biển xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, đối với những vùng cửa sông ven biển, hiện nay mật độ nuôi trồng thủy sản ở mức cao, gây ra áp lực lên môi trường. Bên cạnh đó, ở những khu vực nuôi này cũng đang xảy ra xung đột lợi ích với các ngành, nghề khác.

Còn theo TS. Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: “Chúng ta phải nhìn theo 2 vùng nuôi biển, đó là nuôi gần bờ và xa bờ. Đối với nuôi biển gần bờ, hiện tại đã phát triển gần hết, kéo theo đó là dịch bệnh và ô nhiễm môi trường khiến người nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn. Nhiều khi chuẩn bị đến lúc thu hoạch lại bị thất thu”.

Tạo thuận lợi về chính sách để thu hút doanh nghiệp nuôi biển xa bờ

TS. Phạm Anh Tuấn cho hay, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản biển tại thị trường nội địa ngày càng gia tăng khi mức thu nhập của người dân cải thiện. Bên cạnh đó, sự gia tăng không chỉ đối với nhu cầu làm thực phẩm, mà còn là để cung cấp nguyên liệu phục vụ cho các nhà hàng hay ngành dược phẩm và mỹ phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng ta phát triển nuôi biển”.

Đối với thị trường thế giới, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam Gabor Fluit chia sẻ, theo dự đoán của các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản biển của thế giới trong các năm tới sẽ tăng mạnh vì hai lý do. Thứ nhất, khai thác thủy sản đang ở mức gần như tối đa. Thứ hai, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nuôi biển vì tương đối ngon và tốt cho sức khỏe.

“Việt Nam có khí hậu tốt, vùng biển rộng lớn, nhiệt độ nước phù hợp cho phát triển nuôi biển. Do đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để có thể tham gia thị trường lớn với lĩnh vực này. Hiện nay có thể vẫn còn nhỏ lẻ nhưng trong tương lai khả năng sẽ tăng rất mạnh. Cùng với chính sách của Chính phủ Việt Nam muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển, tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội để tăng thị phần đầu tư vào lĩnh vực này”, Chủ tịch EuroCham nói thêm.

Nhiều chuyên gia nhận định, khi nuôi biển gần bờ đang quá tải, việc phát triển ngành công nghiệp nuôi biển xa bờ là cần thiết. Ảnh: Duy Học.

Nhiều chuyên gia nhận định, khi nuôi biển gần bờ đang quá tải, việc phát triển ngành công nghiệp nuôi biển xa bờ là cần thiết. Ảnh: Duy Học.

Đồng quan điểm, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, nuôi biển là hướng đi tất yếu. Khi mà dân số thế giới cũng như nhu cầu lương thực vẫn tăng đều, thì nuôi biển giúp đáp ứng nhu cầu hải sản gia tăng, giảm áp lực khai thác nguồn lợi biển, giúp cân bằng giữa sử dụng và gìn giữ tài nguyên biển, phát triển ngành công nghiệp nuôi biển bền vững”.

Nhiều chuyên gia nhận định, khi nuôi biển gần bờ đang quá tải, việc phát triển ngành công nghiệp nuôi biển xa bờ là cần thiết. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng vì doanh nghiệp chưa mấy mặn mà do các cơ chế, chính sách chưa thuận lợi.

TS. Phạm Anh Tuấn nói: “Đối với nuôi biển xa bờ, rõ ràng nhìn thấy tiềm năng, nhưng không phải ai cũng có thể phát triển được, vì nuôi xa bờ đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ cao và nguồn nhân lực đảm bảo”.

Theo đó, TS. Phạm Anh Tuấn cho rằng: “Với nuôi xa bờ, cần có chính sách để khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển, để họ đầu tư công nghệ, giải quyết những bất cập về con giống, thức ăn…”.

Còn theo ông Gabor Fluit, hiện nay khó khăn nhất đối với các đơn vị muốn tham gia đầu tư nuôi biển, đó là rủi ro về thời tiết, bão, mưa gió, dịch bệnh… bởi vốn đầu tư cho nuôi biển không thể nhỏ được vì phải làm chuyên nghiệp.

“Việt Nam cần phải có một quy hoạch tổng thể để xác định được khu vực nào phù hợp nuôi biển, khi đó nhiều doanh nghiệp mới có thể tham gia đầu tư lớn, vì đây là lĩnh vực mới nên các công ty tham gia phải thấy yên tâm về tương lai của 20 hoặc 30 năm tới”, Chủ tịch EuroCham đề xuất.

Ngày 1/4, Bộ NN-PTNT và tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì. Dự kiến, Hội nghị sẽ thu hút khoảng 400 - 450 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Sự kiện được Báo Nông nghiệp Việt Nam phát trực tiếp trên các nền tảng đa phương tiện.

Quý vị có thể tham dự qua zoom. ID: 939 8269 4473. Mật mã: 202404

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.