| Hotline: 0983.970.780

1 giấy phép nuôi biển vướng 6 bộ, ngành

[Bài 6] Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' tháo gỡ điểm nghẽn quy hoạch nuôi biển

Thứ Bảy 30/03/2024 , 16:32 (GMT+7)

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, Quốc hội đã có những giải pháp chung, giao cho Chính phủ những cơ chế đặc thù, tức là cho phép trong khi Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, các tỉnh có thể thực hiện đồng thời những quy hoạch ở cấp thấp hơn để thực hiện nuôi biển.

Thủ tục giao mặt nước biển chưa đơn giản

Ngày 1/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh. Nhân sự kiện này,  PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam, đã chia sẻ về tình hình nuôi biển.

Theo ông Nguyễn Chu Hồi, nuôi trồng thủy sản trên biển hay nuôi biển của nước ta có nhiều thuận lợi. Chúng ta có đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có tiềm năng, có nhu cầu và đối tượng nuôi biển hết sức đa dạng. Nuôi biển đã trở thành một định hướng chiến lược quốc gia. 

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam chia sẻ, nuôi biển là một định hướng chiến lược lâu dài của quốc gia. Ảnh: Hồng Thắm.

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam chia sẻ, nuôi biển là một định hướng chiến lược lâu dài của quốc gia. Ảnh: Hồng Thắm.

Gần đây, một số địa phương ven biển đã có những quy hoạch được phê duyệt, vì thế nuôi biển đang có triển vọng. Nếu phát triển tốt nuôi biển sẽ là một phương thức tốt để giảm sức ép đến nguồn lợi biển khi việc đánh bắt và khai thác thủy sản ở nhiều khu vực đã đạt đến ngưỡng và cần phải có những giải pháp thay thế về lâu dài.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi nhận định, nuôi biển cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Thứ nhất, đối với những vùng cửa sông ven biển, hiện nay mật độ nuôi trồng thủy sản ở mức cao, gây ra áp lực lên môi trường. Bên cạnh đó, ở những khu vực nuôi này cũng đang xảy ra xung đột lợi ích với các ngành, nghề khác.

Bài liên quan

Thứ hai, thức ăn và con giống phục vụ cho nuôi biển còn nhiều hạn chế, bất cập, đôi khi chưa thân thiện với môi trường.

Thứ ba, vấn đề chuỗi cung ứng còn nhiều lo lắng. Bán đi đâu, khối lượng bao nhiêu, quy mô hàng hóa hay nhỏ lẻ… là điều chúng ta cần phải chuẩn bị. Dự báo không phải lúc nào cũng chính xác, điều này khiến nhiều địa phương ven biển lúng túng. Câu hỏi thực tế là tiềm năng dồi dào, nhưng nuôi bao nhiêu là vừa, phụ thuộc vào đầu ra.

Thứ tư, khó khăn về cơ chế, chính sách, vấn đề giao quyền khai thác và sử dụng mặt nước cho nuôi biển đang còn nhiều vướng mắc liên quan đến các quy định; thủ tục chưa đơn giản, chưa thuận lợi để doanh nghiệp và người nuôi có thể tiếp cận được nhanh nhất những giấy phép cần thiết khi họ có nhu cầu.

Bài liên quan

Và “điểm nghẽn” lớn nhất chính là vấn đề về quy hoạch. Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo cho phép các tỉnh thực hiện quy hoạch trong phạm vi 6 hải lý. Tuy nhiên hiện nay việc thực hiện quy hoạch lại đang xung đột với các ngành, nghề khác và phải dựa trên Quy hoạch không gian biển quốc gia được phê duyệt.

Thời gian qua, các tỉnh/ thành phố Trung ương ven biển đã có quy hoạch, thậm chí một số đã được Thủ tướng phê duyệt và công bố nhưng khi đi vào quy hoạch chi tiết cho lĩnh vực nuôi biển vẫn còn không ít vướng mắc phải giải quyết. Có tỉnh phải mất 6 tháng đến 1 năm mới xử lý xong. Chưa có địa phương nào 1 tháng mà tháo gỡ được. Có những vướng mắc liên quan đến mục đích quốc phòng, an ninh; có những xung đột không gian sử dụng cùng một khu vực biển giữa người sử dụng này với người kia… cần phải dàn xếp và điều chỉnh lại quy hoạch.

Bài liên quan

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi cho hay: “Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ phê duyệt đến nay đã 4 năm, nhưng diện tích nuôi biển theo tinh thần của Đề án vẫn chưa được là bao, còn quá khiêm tốn, thậm chí có thể nói là mới bắt đầu”.

Chủ trương phát triển nuôi biển đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn 2045, xem nuôi biển như là một lĩnh vực kinh tế biển mới thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững và có trách nhiệm. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng đây là cơ hội rất lớn.

Bài liên quan

“Nuôi biển sắp tới phải tìm ra những giải pháp cụ thể, căn cơ để đạt được những mục tiêu của Đảng, Nhà nước; nhu cầu của các địa phương, cũng như những yêu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nuôi trồng thủy sản”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Chu Hồi, vấn đề cấp phép khai thác, sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường chứ không phải là Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, riêng thời hạn cho sử dụng biển giữa Luật Thủy sản năm 2017 và một số nghị định có liên quan với Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã có sự khác nhau về thời gian cho thuê. Và quan trọng nữa là vướng ở thủ tục cấp. Mỗi bên có một cách khác nhau. Tôi mong muốn các vướng mắc sẽ sớm được sửa đổi, thống nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và bà con nuôi biển. Muốn như vậy phải cùng ngồi lại với nhau tìm tiếng nói chung, để quyết tâm sửa chữa.

“Hiến kế” gỡ khó

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, Quốc hội đã có những giải pháp chung, giao cho Chính phủ những cơ chế đặc thù, tức là cho phép trong khi Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, các địa phương có thể thực hiện đồng thời những quy hoạch ở cấp thấp hơn, trong đó có mảng nuôi biển để bảo đảm rằng, những quy định trong Luật Quy hoạch năm 2017 không phải là “điểm nghẽn” khiến việc triển khai nuôi biển của các địa phương bị chậm lại. Đây là một chủ trương mang tầm vĩ mô rất quan trọng.

Các địa phương nên chủ động thực hiện quy hoạch cấp tỉnh cho mảng biển bằng cách áp dụng công cụ 'Phân vùng chức năng biển'. Ảnh: Duy Học.

Các địa phương nên chủ động thực hiện quy hoạch cấp tỉnh cho mảng biển bằng cách áp dụng công cụ “Phân vùng chức năng biển”. Ảnh: Duy Học.

Chúng ta rất chú ý đến quy hoạch. Luật Quy hoạch năm 2017 yêu cầu tất cả quy hoạch biển khác phải phụ thuộc vào Quy hoạch không gian biển quốc gia. Tuy nhiên cho đến nay Quy hoạch không gian biển quốc gia vẫn đang trong quá trình thẩm định, chưa thông qua, hy vọng Kỳ họp Quốc hội năm 2024 tới đây có thể được thông qua.

Bài liên quan

Để giải quyết và khắc phục những khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công tác nuôi biển nhằm hiện thực hóa các chủ trương nuôi biển của Đảng, Nhà nước; thực hiện thành công Đán phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Chính phủ đã phê duyệt, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, các địa phương nên chủ động thực hiện quy hoạch cấp tỉnh cho mảng biển bằng cách áp dụng công cụ “Phân vùng chức năng biển” (Marine function zoning - MFZ) để sử dụng biển cụ thể cho các mục đích khác nhau.

Địa phương nào có biển nên có những định hướng không gian biển cho phát triển và bảo tồn, trên cơ sở đó tiến hành phân vùng chức năng biển như nói trên, thực hiện song song trong khi chờ Quy hoạch không gian biển quốc gia được phê duyệt, vì theo Luật Quy hoạch năm 2017 đã quy định, cấp địa phương không phải quy hoạch không gian biển nữa.  

Vấn đề này, như nói trên, Quốc hội cũng đã có chính sách đặc thù và cho phép Chính phủ làm như vậy. Tuy nhiên vì đây là lần đầu tiên thực hiện một quy hoạch phức tạp nên còn nhiều khó khăn, do đó chỉ còn cách vận dụng linh hoạt như trên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi nói: “Vừa qua cũng đã có một số địa phương chủ động áp dụng phân vùng chức năng biển và tiến hành ở quy mô khiêm tốn để đến khi Quy hoạch không gian biển quốc gia ra đời thì điều chỉnh kịp thời. Làm như vậy, đặc biệt ở những vùng biển xa bờ thì mới thu hút và đáp ứng được nhu cầu sẵn sàng đầu tư của doanh nghiệp”.

Giải pháp thứ hai mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi chia sẻ là về chủ trương, chính sách. Ông đề xuất, cho phép tái cơ cấu để sắp xếp lại việc sử dụng không gian vùng cửa sông ven biển và những khu vực biển tiềm ẩn xung đột lớn về lợi ích giữa nuôi thủy sản với các ngành, nghề khác.

Cụ thể, đối với vùng cửa sông ven biển, nơi nào có thể thực hiện được thì cố gắng giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột bằng cách kết hợp “lưỡng dụng” du lịch và nuôi trồng thủy sản. Với nuôi biển xa bờ (trước mắt trong phạm vi 6 hải lý), phải bảo đảm, kiên quyết và chỉ cho phép phát triển nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, sạch bệnh và thân thiện với môi trường.

Thứ ba, cần sớm có những phân vùng chức năng biển như nói trên để phân khu riêng cho nuôi biển ở vùng cửa sông ven biển và vùng biển sát bờ theo lộ trình: giai đoạn đầu tiên là đến 3 hải lý, sau đó nếu có điều kiện thì mở ra đến 6 hải lý. Theo đó, cần kêu gọi và ưu tiên đầu tư từ các doanh nghiệp lớn, có công nghệ cao bởi đầu tư xa bờ nhiều rủi ro, nếu không có tiềm lực tốt (vốn, công nghệ, nhân lực) thì khó mà thực hiện được.

Thứ tư, phải chuẩn bị con giống và thức ăn thích hợp, sạch, vừa đủ để không dư thừa gây ô nhiễm môi trường nuôi, phù hợp với từng đối tượng nuôi và quy mô vùng nuôi/lồng nuôi.

Rong biển, đối tượng nuôi mới. Ảnh: Duy Học.

Rong biển, đối tượng nuôi mới. Ảnh: Duy Học.

Thứ năm, phải đa dạng hóa các đối tượng nuôi, ngoài những đối tượng nuôi truyền thống như tôm, cá, phải đẩy mạnh thêm những đối tượng mới như rong biển, đặc biệt là các loài có thể làm dược liệu để có thể phát triển thành một ngành kinh tế biển mới - ngành dược liệu biển. Chú ý duy trì thảm rong biển, cỏ biển, thực vật ngập mặn, rạn san hô để bảo đảm chức năng thu giữ carbon, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu.

“Chúng ta có ngành dược liệu chung nhưng dược liệu biển thì chưa. Việt Nam là quốc gia ba phần là biển, tiềm năng dược liệu biển lớn. Trong một miền khí hậu nhiệt đới, thuận lợi cho phát triển những đối tượng này để sản xuất ra thực phẩm dinh dưỡng, giảm thiểu xuất khẩu thô, đẩy mạnh chế biến, tạo giá trị gia tăng. Làm được như vậy cũng là một cách để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên”, ông Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Và giải pháp cuối cùng, là phải xây dựng được chuỗi sản xuất - cung ứng ổn định, làm thế nào để không bị đứt đoạn các chuỗi cung ứng khi sản xuất phát triển, khiến hiệu quả kinh tế thiếu bền vững hoặc có thể tác động ngược lại với mong muốn của chúng ta.

Bài học phát triển nuôi biển và du lịch

Theo Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, không phải chỗ nào cũng có thể kết hợp được nuôi trồng thủy sản và du lịch, tuy nhiên nơi nào làm được thì chúng ta nên làm. Nhưng để có du lịch biển - ven biển chất lượng cao thì yêu cầu đầu đầu tiên là phải sạch. Không ai bỏ tiền để đến ngắm xem và trải nghiệm những chỗ nhếch nhác, bẩn thỉu. Có trót bỏ tiền cũng chỉ đến một lần thôi. Thứ hai mô hình này phải là một điểm “check-in” được cho du khách. Thứ ba phải có câu chuyện riêng và có chương trình sáng tạo, hấp dẫn, gắn với nghề cá giải trí…

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi kể, năm 2000, ông có đi thăm thành phố Nantes, nằm ở cửa sông Loire, Pháp, nơi người ta nuôi trồng thủy sản (cá) lồng bè với các phao, bè bằng nhựa bền, chắc, có màu sắc bắt mắt. Du khách đến đây có thể xem cá nuôi thương phẩm, hệ thống xử lý môi trường nuôi… Cuối dãy lồng nuôi là một nhà hàng, phía dưới nuôi cá. Gần nhà hàng có một điểm “check-in” chụp ảnh. Nhiều người sẵn sàng bỏ 10 euro để mua một hộp thức ăn, đứng ngay ô lồng đó, cho cá ăn, cá nhảy lên, nước tung lên, tạo ra một bức ảnh rất nghệ thuật.

“Đây là một câu chuyện thực để thấy rằng, việc phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch phải có chương trình sáng tạo, hấp dẫn. Làm được như vậy sẽ giảm được xung đột, phát triển đa lợi ích, đôi bên cùng có lợi”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi chia sẻ.

Ngày 1/4, Bộ NN-PTNT và tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh”. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chủ trì. Dự kiến, Hội nghị sẽ thu hút khoảng 400 - 450 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Sự kiện được Báo Nông nghiệp Việt Nam phát trực tiếp trên các nền tảng đa phương tiện.

Quý vị có thể tham dự qua zoom. ID: 939 8269 4473. Mật mã: 202404

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất