| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng hiệu quả, bền vững

Thứ Hai 28/02/2022 , 16:08 (GMT+7)

QUẢNG NINH Quảng Ninh có nhiều lợi thế quan trọng để phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, để nâng cao hiệu quả của kinh tế biển.

Ngành thủy sản đạt kết quả tích cực

Quảng Ninh có trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú, nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đây là lợi thế quan trọng để tỉnh Quảng Ninh phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.

Tổng sản lượng khai thác năm 2021 đạt 149.890 tấn (tăng 3,75% so với cùng kỳ, đạt 102,66% so với kế hoạch). Trong đó, sản lượng khai thác đạt 75.279 tấn (tăng 9,1% so với kế hoạch), sản lượng nuôi trồng đạt 74.611 tấn (đạt 96,9% so với kế hoạch). Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt 21.300 ha, tăng 0,84% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch. Theo giá hiện hành giá trị sản xuất đạt 13.009,59 tỷ đồng, chiếm 52,5% giá trị của toàn ngành; giải quyết việc làm cho 55 ngàn lao động ngành thuỷ sản.

Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 đạt 149.890 tấn. Ảnh: Nguyễn Thành

Tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2021 đạt 149.890 tấn. Ảnh: Nguyễn Thành

Tỉnh Quảng Ninh hướng đến tăng nuôi trồng thủy sản, giảm khai thác thủy sản. Cụ thể, tập trung khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ. Đặc biệt, tăng nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao, giảm nuôi tự nhiên, quảng canh. Cùng với đó, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương, đơn vị điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển mạnh các sản phẩm nuôi chủ lực tôm, nhuyễn thể.

Năm 2019, sau 2 năm khởi công, Tập đoàn Việt - Úc đã có mẻ tôm giống đầu tiên sản xuất tại xã Tân Bình (huyện Đầm Hà), từ đó, bài toán về thiếu giống tôm nuôi đã có lời giải. Tính riêng năm 2020, 24 trại giống của Việt - Úc sản xuất gần 1 tỷ con giống, trong đó 70% được cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã tạo tiền đề khiến con tôm trong cơ cấu đối tượng nuôi thủy sản Quảng Ninh được nâng tầm. 

Có thể nói, các chính sách thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có định hướng vào lĩnh vực thủy sản đã phát huy hiệu quả, từ đó trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp lớn phát triển. Với sự tăng trưởng nhanh, ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để tiếp tục phát triển bứt phá. 

Hướng đến phát triển bền vững

Dự báo đến năm 2025 tổng giá trị sản xuất thủy sản sẽ tăng trưởng gấp khoảng 1,5 lần so với năm 2020, chiếm từ 55-60% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, Quảng Ninh cũng nâng cao năng lực chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, phát huy tiềm năng để trở thành ngành kinh tế quan trọng trong tương lai.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành thủy sản của Quảng Ninh cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Có thể kể đến như vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang tác động trực tiếp đến nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có lợi thế sẽ bị thu hẹp do xung đột về không gian phát triển với hoạt động công nghiệp, đô thị hoá và du lịch.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 74.611 tấn, trong đó có 16.900 tấn tôm. Ảnh: Nguyễn Thành

Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 74.611 tấn, trong đó có 16.900 tấn tôm. Ảnh: Nguyễn Thành

Mặt khác, tình trạng nuôi thủy sản ngoài, trái quy hoạch, nuôi tự phát trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn ra. Việc tổ chức sản xuất thủy sản còn nhỏ lẻ, quy mô theo hộ gia đình, chưa có tính liên kết... Đặc biệt, thời gian qua ngành thủy sản cũng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 khiến cho việc tiêu thụ các sản phẩm bị ách tắc, gián đoạn, thậm chí làm đứt gãy hoạt động sản xuất.

Để khắc phục những hạn chế đó, chiến lược phát triển thủy sản của Quảng Ninh có sự chuyển biến rõ nét. Cụ thể, từ sơ chế, chế biến thiếu chuẩn, dưới chuẩn sang đạt chuẩn, trên chuẩn; từ cách thức nuôi gần bờ, lợi dụng eo ngách sang vươn ra biển lớn, xa bờ, ở những vùng biển hở, mở.

Tập trung nuôi theo hướng công nghiệp giàu hàm lượng khoa học công nghệ với ứng dụng vật liệu nuôi, thiết bị nuôi, quy trình nuôi, nguyên liệu đầu vào tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế. Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích hình thành các cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Ông Đồ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh quy hoạch, tạo quỹ đất, mặt nước ổn định để tiếp tục thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh hoặc xây dựng các cơ sở ương dưỡng giống theo chuỗi liên kết đảm bảo con giống rõ nguồn gốc, thích nghi được với điều kiện môi trường nuôi.

Đồng thời, siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu...

Song song với đó, Quảng Ninh đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường biển với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường biển, thu gom, xử lý rác thải dọc các bờ biển, bãi tắm ven biển; quản lý chặt tài nguyên biển và hải đảo; xử lý nghiêm mọi hoạt động, hành vi thiếu trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường biển, xâm phạm tới tài nguyên thiên nhiên.

Tính riêng 3 năm gần đây, toàn tỉnh Quảng Ninh đã thả trên 11 triệu con giống tôm, cua, cá về môi trường tự nhiên, qua đó góp phần tái tạo, duy trì các loại giống đang có nguy cơ cạn kiệt.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.