Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, căn cứ theo Quyết định số 688/2019 của Bộ NN-PTNT, hồ Đại Lải có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn 1.384ha đất nông nghiệp, có nhiệm vụ cấp nước thô cho công nghiệp, phòng chống lũ lụt cho hơn 5.000ha đất nông nghiệp thuộc hai huyện Kim Anh, Bình Xuyên (nay là thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc và khu vực Sóc Sơn và Mê Linh của Hà Nội).
Tuy nhiên, kể từ khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc có chủ trương phát triển du lịch ở Đại Lải, lòng hồ này liên tục chịu sự tác động, xâm lấn, chia chác từ phía các doanh nghiệp. Bằng chứng là với diện tích hơn 577ha lòng hồ ban đầu, hiện Đại Lải chỉ còn khoảng xấp xỉ 300ha. Điều đáng nói là chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã có những dấu hiệu tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm.
Rõ ràng nhất là tại dự án Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải do Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam làm chủ đầu tư.
Hồ sơ liên quan vụ việc thể hiện, ngày 5/1/2017, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký Quyết định 41/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải cho Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam với diện tích gần 157ha. Một quyết định được cho là vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy lợi và trở thành cơ sở giúp Công ty TNHH Đải Lải Việt Nam bức tử hồ Đại Lải.
Cụ thể, theo quyết định do ông Vũ Chí Giang ký, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cho phép Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đổ đất san lấp cốt nền thấp nhất là 17,65m ở khu vực tiếp giáp lòng hồ Đại Lải. Từ quyết định này, Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam đã thực hiện các hành vi san lấp hồ Đại Lải với lý do: Văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đồng ý cho lấp và việc san lấp nằm trong giới hạn cho phép.
Trong quá trình kiểm tra, một số cơ quan chuyên môn đã phát hiện việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép doanh nghiệp san lấp ở mức cốt nền này là sai quy định.
Đơn cử như Kết luận kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi khẳng định: Tại dự án Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép chủ đầu tư tôn nền cao độ thấp nhất +17,65m tại khu vực phía Tây Nam giáp hồ. Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất dự án được giao có một số diện tích ngập hoàn toàn của hồ, tạo dung tích làm việc của hồ...
Theo ông Nguyễn Đắc Long, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT), phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập (+23m) trở xuống phía lòng hồ. “Theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2012 của Bộ NN-PTNT ban hành quy chuẩn quốc gia thì vùng ngập thường xuyên của hồ chứa nước Đại Lải là vùng mặt đất của lòng hồ nằm từ cao trình mực nước dâng bình thường (+21.50m) trở xuống. Vùng bán ngập của hồ được tính từ cao trình mực nước dâng bình thường (21.50m) đến cao trình mực nước lũ kiểm tra (+22.50m)”, ông Long nói.
Không hiểu, khi đặt bút ký vào Quyết định 41 ông Vũ Chí Giang có biết quy định này hay không, chỉ biết, từ Quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hồ Đại Lải đã bị Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam xâm phạm nghiêm trọng. Doanh nghiệp này đã thực hiện “dời non lấp bể” khi bạt hẳn cả một quả đồi bên cạnh để lấy đất đá san lấp khu vực lòng hồ.
Bi hài ở chỗ, sau khi có chỉ đạo làm rõ từ Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chuyên môn vào cuộc kiểm tra, ông Vũ Chí Giang lại ký tiếp một văn bản khác của UBND tỉnh Vĩnh Phúc để đính chính Quyết định 41. Xin được nhắc lại, quãng thời gian giữa hai văn bản này là gần 4 năm và thực tế diện tích bị doanh nghiệp san lấp trái phép từ quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc là rất nghiêm trọng.
Giữa tháng 7/2020, sau khi có thông tin phản ánh Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam và một số doanh nghiệp có hành vi xâm lấn hồ Đại Lải, Thủ tướng đã chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra làm rõ, các cơ quan như Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, Bộ Công an cũng đã cử đoàn công tác kiểm tra hiện trạng và những hành vi vi phạm ở hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Chỉ đến lúc này, ông Vũ Chí Giang mới ký Quyết định số 1959 vào ngày 5/8/2020 về việc đính chính Quyết định số 41 ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Quyết định 1959 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu: Đính chính thông số thiết kế cao độ san nền trong Quyết định 41/QĐ-UBND ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên như sau: Nội dung đã ghi tại Điều 1, Khoản 5, Điểm 5.4, mục thứ nhất: Thiết kế san nền thấp nhất 17,65m tại khu vực phía Tây, giáp hồ Đại Lải. Nay đính chính thành: Thiết kế san nền thấp nhất 21,50 m tại khu vực phía Tây, giáp hồ Đại Lải.
Lý do được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra để giải thích sai sót trên như sau: Trong hồ sơ quy hoạch đã duyệt tại Quyết định 41 có duy nhất một điểm khống chế tại khu đất ở có ký hiệu OBT57 thể hiện cao độ san nền thấp nhất +17,65m. Trong các văn bản, quy hoạch trước đó đã xác định vị trí này có cao độ thấp nhất là +21m, tuy nhiên, “do sơ suất trong quá trình thẩm định và soạn thảo văn bản nên cơ quan thẩm định đã trình vị trí này có cốt san nền 17,65m”, văn bản do ông Vũ Chí Giang ký khẳng định.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Chí Giang khẳng định, quan điểm sẽ chỉ đạo thanh, kiểm tra kỹ càng và có kết luận cuối cùng trên tinh thần minh bạch, đúng pháp luật.
Liên quan đến các hành vi đang diễn ra ở hồ Đại Lải, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đến nay Tổng cục Thủy lợi đã 3 lần kiểm tra và có các văn bản chỉ đạo yêu cầu thực hiện nghiêm túc. Bộ NN-PTNT, Bộ Công an cũng đang phối hợp để điều tra, thanh tra, kiểm tra.
Liên quan đến thông tin doanh nghiệp bức tử hồ Đại Lải, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh. Đoàn kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai có nhiệm vụ: Kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại hai dự án sân golf về kiểm thực việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nghĩa vụ tài chính và kiểm tra việc đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời gian kiểm tra trong 15 ngày và sẽ thông báo cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc để thống nhất chỉ đạo, triển khai.