| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt hành vi xâm phạm hồ Đại Lải

Thứ Sáu 24/04/2020 , 08:39 (GMT+7)

Thanh tra Tổng cục Thủy lợi vừa kết luận nhiều vi phạm của các doanh nghiệp có hành vi xâm lấn hồ Đại Lải.

Công ty Nhật Hằng là một trong những chủ đầu tư có mặt sớm nhất ở hồ Đại Lải. Ảnh: BK.

Công ty Nhật Hằng là một trong những chủ đầu tư có mặt sớm nhất ở hồ Đại Lải. Ảnh: BK.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, hồ Đại Lải thuộc địa bàn xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 1.348ha diện tích đất nông nghiệp, cung cấp nước thô cho công nghiệp, nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phòng chống lũ lụt cho hạ du và phát triển du lịch…

Trong quá trình thực hiện các dự án ven hồ, các doanh nghiệp đã có nhiều vi phạm gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ Đại Lải, vi phạm Luật Đất đai nhưng thay vì các biện pháp xử lý thì UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành những quyết định có lợi cho những doanh nghiệp này.

Theo tài liệu Báo Nông nghiệp Việt Nam thu thập được, Dự án biệt thự nghỉ dưỡng ven hồ của Công ty Nhật Hằng là một trong những chủ đầu tư có mặt sớm nhất ở hồ Đại Lải.

Trước thời điểm có quy hoạch chung Khu du lịch Đại Lải, vào năm 2003, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định giao diện tích 30,1ha đất tại khu du lịch Đại Lải cho Nhật Hằng thực hiện dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nghỉ ngơi và vui chơi giải trí Trại Thị.

Quyết định ghi rõ cơ cấu đất theo mục đích sử dụng như sau: Giao đất ổn định, lâu dài có thu tiền sử dụng đất để xây dựng nhà ở, biệt thự sinh thái để chuyển nhượng 8,44ha; đất cho thuê 50 năm đối với xây dựng các công trình phục vụ kinh doanh 7,54ha; đất không thu tiền sử dụng đất 14,12ha…

Sau khi được giao 30,1ha ban đầu ngay sát mặt hồ Đại Lải, doanh nghiệp Nhật Hằng đã đổi tên dự án, chuyển đổi thành công ty cổ phần và tiến hành xây dựng hàng loạt biệt thự nghỉ dưỡng...

Cụ thể, trong vòng 2 năm (từ 2015 đến 2017), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã 3 lần ký các quyết định về việc điều chỉnh nội dung giao và cho thuê đất theo Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án biệt thự và vui chơi giải trí Đại Lải.

Bản đồ quy hoạch chia lô của doanh nghiệp Nhật Hằng. Ảnh: LAT.

Bản đồ quy hoạch chia lô của doanh nghiệp Nhật Hằng. Ảnh: LAT.

Cuối năm 2018, nhận được phản ánh của cử tri xã Ngọc Thanh, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã vào cuộc và đăng tải hàng loạt bài viết về các sai phạm ở hồ Đại Lải.

Tuy nhiên lúc đó, nhiều cơ quan chức năng ở Vĩnh Phúc cho rằng, việc xác định diện tích, mốc giới mặt hồ rất khó nên cũng khó xác định hành vi vi phạm. Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, Tổng cục Thủy lợi đã vào cuộc kiểm tra và khẳng định có vi phạm tại các dự án này.

Cụ thể, tại kết luận kiểm tra mới đây do Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tỉnh ký, Tổng cục Thủy lợi kết luận: Việc doanh nghiệp Nhật Hằng tôn nền dự án, theo tài liệu doanh nghiệp này được giao 3.299m2 để khai thác, sử dụng xây dựng bến tàu, chòi câu, đường đi bộ kết hợp biểu diễn nghệ thuật…

Cơ quan kiểm tra phát hiện doanh nghiệp này đã đắp đất, ngăn hồ, tạo thành đường nội bộ dài 190m, rộng 6m, cao trình mặt đường khoảng +21.70m, diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2ha…

Tại hạng mục khu nghỉ dưỡng, theo Quyết định số 2806/QQĐ-UBND ngày 24/10/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích quy hoạch chia lô được giao trong phạm vi các mốc ranh giới đất 272, 273, 274 và 275 để xây dựng biệt thự… Kiểm tra tại hiện trường đoàn kiểm tra phát hiện diện tích đất nói trên có cao trình thấp hơn cao trình mặt nước dâng bình thường.Ngoài ra, cũng theo đoàn kiểm tra Tổng cục Thủy lợi, Công ty Cố phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng chưa có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định.

Cũng trong kết luận kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi, hàng loạt vấn đề bất cập xuất phát từ những quyết định giao đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đối với các dự án ven hồ Đại Lải.

Tại dự án Khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho phép chủ đầu tư tôn nền cao độ thấp nhất +17,65m tại khu vực phía Tây Nam giáp hồ. Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất dự án được giao có một số diện tích ngập hoàn toàn của hồ, tạo dung tích làm việc của hồ.

Tại Dự án Khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc của Công ty TNHH Đạt Tiến, chủ đầu tư đã lấn chiếm hơn 15.000m2 đất mặt hồ bằng việc đóng cọc chắn sóng, kè bê tông, đổ đất lấn chiếm từ khoảng cao trình +19m đến +21,7m…

Từ những sai phạm trên,Tổng cục Thủy lợi đã kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo dừng toàn bộ các hoạt động của các doanh nghiệp đang thi công đào đất, san lấp mặt bằng trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải. Rà soát và có giải pháp xử lý, khắc phục tồn tại, lấn chiếm đất trong phạm vi lòng hồ…

Sau khi có kết quả kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi, thực hiện theo văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND thành phố Phúc Yên đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động sử dụng đất ven hồ Đại Lải tạm dừng toàn bộ các hoạt động thi công. Giao UBND xã ngọc Thanh phối hợp các cơ quan chức năng xử lý các hành vi phạm lòng hồ theo quy định của Luật Đất đai, Luật Thủy lợi.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.