| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác khắc phục bão số 11 tại miền Trung

Thứ Năm 17/10/2013 , 09:00 (GMT+7)

Chính phủ sẽ giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương khắc phục hậu quả bão số 11, nhanh chóng ổn định đời sống người dân.

Ngày 16/10, Đoàn công tác Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn đã kiểm tra, thị sát tình hình thiệt hại bão số 11 ở các tỉnh miền Trung.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà và chỉ đạo khắc phục hậu quả bão tại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Đà Nẵng).

Sau khi kiểm tra thực tế tại các địa phương, Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng và các Bộ, ngành Trung ương, đánh giá tình hình thiệt hại và phương án khắc phục.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết, bão số 11 làm 4.000 ngôi nhà ở thành phố bị tốc mái, thiệt hại hơn 800 tỷ đồng, hàng ngàn cây xanh bị ngã đổ.

Sau khi bão tan, thành phố đã huy động toàn bộ lực lượng giải phóng đường, khôi phục hệ thống điện, nước. UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định hỗ trợ cho các gia đình trên địa bàn thành phố bị sập, tốc mái và người bị thương.

Theo quyết định, người bị thương nặng phải vào bệnh viện điều trị là 3 triệu đồng/người; hộ có nhà đang ở bị sập, trôi là 10 triệu đồng/hộ; hộ có nhà đang ở bị tốc mái hoàn toàn hỗ trợ tối đa không qua 4 triệu đồng/hộ; hộ có nhà đang ở bị tốc mái một phần hỗ trợ tối đa không quá 1 triệu đồng/hộ. Riêng đối với các hộ chính sách, kể cả con liệt sĩ có nhà đang ở bị sập, trôi hoàn toàn thì mức hỗ trợ là 30 triệu đồng/hộ.

Ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kiến nghị: Đề nghị TƯ hỗ trợ khẩn cấp Đà Nẵng 500 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau bão; đầu tư nâng cấp cải tạo nơi neo đậu tàu thuyền đang quá tải trong điều kiện mưa bão”.


Lực lượng quân đội hỗ trợ người dân dọn vệ sinh sau bão tại TP Đà Nẵng.

Theo báo cáo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, cả tỉnh có 3 người chết, 21 ngàn ngôi nhà bị tốc mái, hơn 34 ngàn ha cây công nghiệp và lâm nghiệp bị đổ ngã, thiệt hại về dân sinh là rất lớn. Tỉnh đã huy động các lực lượng dọn dẹp đường sá; che, lợp lại nhà cửa bị tốc mái, khôi phục hệ thống điện, dọn vệ sinh môi trường...

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 2 người chết do mưa lũ sau bão. Quảng Ngãi không phải là nơi tâm bão đi qua, nhưng cũng có 577 ngôi nhà, 15 trường học, trạm y tế bị tốc mái, huyện đảo Lý Sơn bị thiệt hại nặng nề. Toàn tỉnh có 9 người bị thương, trong đó 5 người bị thương nặng. Thiệt hại ước tính trên 65 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn với gia đình các nạn nhân có người chết, bị thương, nhà cửa bị hư hại.

Trung ương Hội chữ thập đỏ VN hỗ trợ 3 tỉnh chịu thiệt hại nặng

Để kịp thời chia sẻ với những khó khăn của người dân chịu thiệt hại nặng nề do bão số 11 gây ra, chiều 16/10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định trích 1 tỷ đồng, 800 thùng hàng gia đình và 530 bộ dụng cụ sửa nhà để cứu trợ khẩn cấp cho 3 tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Cụ thể: Quảng Nam: 600 triệu đồng, 400 thùng hàng gia đình và 400 bộ dụng cụ sửa nhà; Đà Nẵng: 400 triệu đồng, 200 thùng hàng gia đình và 130 bộ dụng cụ sửa nhà; Quảng Ngãi: 200 thùng hàng gia đình.
Trung ương Hội cũng cử đoàn công tác đi khảo sát, đánh giá tình hình thiệt hại tại những địa phương trên để lên kế hoạch cứu trợ trong giai đoạn tái thiết, phục hồi tiếp theo. Đồng thời cử các đoàn thầy thuốc tình nguyện đến các địa phương để khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con vùng thiên tai. Ngoài ra, cũng chỉ đạo các cấp Hội kịp thời triển khai các hoạt động thăm hỏi, cứu trợ khẩn cấp theo phương châm “4 tại chỗ”, hỗ trợ người dân sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Như Ngọc

Phó Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của người dân cũng như sự quyết liệt trong công tác đối phó với bão số 11, nên đã hạn chế được đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là hạn chế được số người chết, bị thương. Đồng thời, chỉ đạo lãnh đạo các địa phương coi nhiệm vụ ưu tiên hiện nay là chăm lo các gia đình có người bị nạn, động viên bà con nhanh chóng dọn dẹp, xây dựng lại nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại; cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân vùng bão, không để bà con bị đói.

Đồng thời tăng cường thêm lực lượng quân đội xuống giúp đỡ người dân dọn dẹp nhà cửa, trường học để học sinh nhanh chóng đi học trở lại. Sở Y tế cung cấp thuốc khử trùng, đảm bảo vệ sinh nước sạch cho các khu vực ngập lũ.

Chính phủ sẽ giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương khắc phục hậu quả bão số 11, nhanh chóng ổn định đời sống người dân. “Không được để dân đói, dân ốm đau, bệnh tật” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.