| Hotline: 0983.970.780

Phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản chuyển biến tốt [Bài 1]: Dịch bệnh trên tôm giảm 44%

Thứ Năm 23/11/2023 , 09:07 (GMT+7)

Trong 2023, toàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ có 50ha tôm nuôi bị dịch bệnh, giảm 44% so với năm 2022. Các ổ dịch đều được phát hiện kịp thời, xử lý trong diện hẹp.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 đến 2025, tầm nhìn đến 2030, tỉnh Hà Tĩnh xác định, tôm vừa là đối tượng nuôi chủ lực vừa là đối tượng có lợi thế phát triển theo hướng hàng hóa.

Tuy nhiên, muốn đưa nghề nuôi tôm phát triển bền vững, hai yếu tố cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối là dịch bệnh và môi trường.

Trong năm 2023 dịch bệnh trên tôm giảm 44% so với năm 2022. Ảnh: Thanh Nga.

Trong năm 2023 dịch bệnh trên tôm giảm 44% so với năm 2022. Ảnh: Thanh Nga.

Thực tế, đã có những thời điểm người dân các vùng ven biển như huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên đổ xô nuôi tôm trên cát. Nhiều farm đầu tư 3 - 4 tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng nhưng chỉ nuôi thắng lợi được 1 - 2 vụ đầu tiên, sau đó dịch bệnh bủa vây dẫn đến thất bại, ao hồ bỏ hoang.

Nguyên nhân một phần do thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng nhưng cái chính vẫn là người nuôi thiếu chuyên môn, ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh hạn chế.

Chừng 5 năm trở lại đây, công nghệ nuôi tôm ngày phát triển, tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn chuyển từ nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến sang thâm canh, thâm canh công nghệ cao.

Đây là một trong những giải pháp tiên quyết, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nước và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, vi bào tử trùng…

Việc quan trắc nguồn nước các vùng nuôi thường xuyên đã cảnh báo sớm, tạo sự chủ động cho người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm. Ảnh: Thanh Nga.

Việc quan trắc nguồn nước các vùng nuôi thường xuyên đã cảnh báo sớm, tạo sự chủ động cho người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm. Ảnh: Thanh Nga.

Bà Đặng Thị Thu Hoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh thông tin, năm 2023, toàn tỉnh thả nuôi 2.239ha tôm nhưng chỉ 50ha bị nhiễm các bệnh đốm trắng (hơn 41ha); hoại tử gan tụy cấp tính (3,6ha) và vi bào tử trùng (gần 5ha); giảm 44% so với năm 2022.

Các vùng bị bệnh tập trung ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân, thị xã Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh.

“Có nhiều yếu tố tác động đến hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm. Song sự chủ động đầu tư hạ tầng vùng nuôi của người dân và giám sát, cảnh báo, xử lý kịp thời các ổ dịch trong diện hẹp của cơ quan chuyên môn là những giải pháp chính, góp phần giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho người nuôi trồng”, bà Hoàn nói.

Ngày 4/5/2023, dịch bệnh đốm trắng “gọi tên” vùng nuôi tôm của 13 hộ dân thôn Bắc Sơn Hải, Bắc Hải, của xã Kỳ Hải, huyện Kỳ Anh, làm chết 83 vạn con giống trên diện tích gần 9ha.

Ngay sau khi xác định mẫu tôm dương tính với virus gây bệnh độm trắng, Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhanh chóng hướng dẫn tiêu hủy các ao bị bệnh.

Đồng thời, địa phương cũng triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch như: hỗ trợ 1.500kg hóa chất chlorine để bao vây ổ dịch, vệ sinh, khử trùng dụng cụ phục vụ nuôi tôm, xử lý triệt để các loại ký chủ trung gian gây bệnh…

Việc đầu tư chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang thâm canh, thâm canh công nghệ cao không chỉ tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển mà còn hạn chế được các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh. Ảnh: Thanh Nga.

Việc đầu tư chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang thâm canh, thâm canh công nghệ cao không chỉ tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển mà còn hạn chế được các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh. Ảnh: Thanh Nga.

“Nhờ khống chế dịch đốm trắng vụ xuân hè kịp thời, cải tạo ao hồ đảm bảo nên vụ nuôi tôm thu đông mới đây, cả 9/9 ha của người dân xã Kỳ Hải đều giành thắng lợi. Có những hộ thu lãi cả tỷ đồng”, lãnh đạo xã Kỳ Hải cho biết.

Nếu như trước đây, nuôi tôm thâm canh công nghệ cao chỉ áp dụng tại các vùng nuôi trên cát, có điều kiện thuận lợi như huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân... hiện nay, ở những vùng nuôi bằng ao đất, các chủ ao đầm ở xã Mai Phụ, Hộ Độ (huyện Lộc Hà); xã Kỳ Hà, Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh)… cũng đã mạnh dạn áp dụng, triển khai các công nghệ mới.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục thủy sản Hà Tĩnh) cho rằng, việc nâng cấp hạ tầng, đầu tư công nghệ vào nuôi tôm thâm canh, thâm canh công nghệ cao là xu thế. Nó sẽ giải quyết được vấn đề môi trường, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao sản lượng, hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Mặc dù giá tôm khá thấp nhưng năm nay hầu hết người dân vẫn thu lợi nhuận cao từ các ao nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Mặc dù giá tôm khá thấp nhưng năm nay hầu hết người dân vẫn thu lợi nhuận cao từ các ao nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện, đã có nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn Hà Tĩnh đầu tư nuôi tôm thâm canh ao đất bãi triều, nuôi công nghệ cao trên cát, đạt năng suất từ 10 - 15 tấn/ha/vụ trong ao đất và 20 - 30 tấn/ha/vụ trong ao nuôi công nghệ cao trên cát.

Một số khác cải tạo ao hồ bằng việc trải bạt; vỗ bờ - đắp bờ bằng bột đá, sục khí đáy; nuôi trong nhà kín, nhà lưới; nuôi 2 - 3 giai đoạn; xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi tôm thâm canh theo hướng VietGAP... góp phần nâng tổng diện tích nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao, sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết toàn tỉnh đạt 629ha.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.