| Hotline: 0983.970.780

Phòng, chống dịch bệnh vật nuôi hiệu quả [Bài 1] Chăn nuôi an toàn sinh học

Thứ Hai 10/04/2023 , 10:51 (GMT+7)

Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiệu quả, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Empty

Người chăn nuôi tỉnh Phú Yên hiện chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc. Ảnh: KS.

Thống nhất số liệu chỉ đạo dịch bệnh

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, toàn tỉnh có khoảng 5.800 con trâu, 166.000 con bò (trong đó có 2.400 con bò sữa) và 144.000 con lợn. Bên cạnh đó, tỉnh có hơn 4,3 triệu con gia cầm với gần 3,4 triệu con là gà.

Hiện Phú Yên có 155 trang trại chăn nuôi, trong đó 9 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 39 trang trại chăn nuôi lợn và 4 trang trại chăn nuôi gà liên kết với các công ty chăn nuôi.

Từ năm 2021, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật được Chi cục chú trọng.

Theo đó, việc báo cáo dịch bệnh động vật đã thực hiện trực tuyến qua hệ thống VAHIS và thống nhất chỉ đạo sử dụng số liệu dịch bệnh trên hệ thống (rất chi tiết, cụ thể) để tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của các cấp chính quyền địa phương, không phát sinh biểu mẫu báo cáo để giảm thiểu áp lực cho lực lượng thú y các cấp.

Cùng với đó, Chi cục đã sử dụng Zalo để trao đổi thông tin theo các nhóm lớn, nhỏ để chỉ đạo nhanh chóng, nắm bắt tình hình dịch bệnh kịp thời và xuyên suốt.

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chăn nuôi, Chi cục khuyến cáo người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Bởi, khi áp dụng hình thức chăn nuôi này sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi, cũng như tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong của cơ sở chăn nuôi đó.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết, để chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, người chăn nuôi cần sự thay đổi hàng loạt về thái độ và hành vi của mình để giảm nguy cơ lây nhiễm trong tất cả các hoạt động liên quan đến vật nuôi. Như xây dựng chuồng trại phải đảm bảo đúng quy cách, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ và khu vực chăn nuôi, thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi bằng các biện pháp thích hợp, cung cấp nguồn thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi, đặc biệt chú trọng công tác tiêm phòng định kỳ.

“Hiện nay, để bà con chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biên pháp an toàn sinh học là rất khó thực hiện. Bởi người chăn nuôi vẫn theo nếp làm việc theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên không tích cực tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Do đó khi bà con bị “khép” vào những quy trình, quy định bắt buộc thì tỏ ra lúng túng”, ông Lâm chia sẻ.

Cũng theo ông Lâm, việc phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, từ xây dựng chuồng trại khép kín đến khu xử lý môi trường,... vì vậy, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có những trại chăn nuôi lớn và một số hộ chăn nuôi vừa là thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học.

Empty

Việc chăn nuôi an toàn sinh học giúp người nuôi an tâm trước dịch bệnh. Ảnh: KS.

Ghi nhận chúng tôi tại hộ gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt, ở thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, hiện áp dụng hình thức chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả.

Chị Nguyệt cho biết, để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, cách đây 5 năm gia đình chị đã chuyển sang hình thức nuôi lợn theo hình thức bán công nghiệp. Cụ thể, gia đình chị đầu tư hệ thống chuồng trại đúng quy cách, cho lợn ăn, uống bằng máng ăn tự động, xử lý chất thải bằng hệ thống hầm biogas. Con giống nuôi được chủ động tại chỗ, có chất lượng, gia đình chị tuân thủ các biện pháp vệ sinh thú y và quản lý cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, đặc biệt thực hiện tiêm phòng vacxin cho đàn lợn đầy đủ.

Theo chị Nguyệt, nhờ chăn nuôi theo hình thức an toàn sinh học nên đàn lợn của gia đình giảm tỷ lệ dịch bệnh. Đặc biệt, trong những năm 2019, nhiều đàn lợn xung quanh bị chết do dính dịch tả lợn Châu Phi nhưng đàn lợn gia đình chị may mắn vượt qua, không bị thiệt hại. Với quy mô nuôi khoảng 15 con lợn nái sinh sản, cùng với duy trì trong chuồng trên 100 con lợn thịt, mỗi năm chị xuất bán hơn 200 con, sản lượng trên 2 tấn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại địa phương đã được kiểm soát tốt. Một số bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, tai xanh, viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi không xảy ra. Tuy nhiên, bệnh lở mồm long móng trên bò xảy ra lẻ tẻ tại xã An Thọ (Tuy An) với 21 con mắc. Ngoài ra, một số ổ dịch nhỏ lẻ, không đáng kể như bệnh tụ huyết trùng trâu, bò, dịch tả vịt, tụ huyết trùng vịt, gumboro…đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn xử lý, góp phần ổn định và phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn.

Empty

Cơ quan Thú y kiểm tra đàn lợn của người dân chăn nuôi. Ảnh: KS.

Phương châm "phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời"

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, để bảo vệ đàn vật nuôi, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023, cũng như thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan rộng.

Bên cạnh đó, Chi cục đẩy mạnh tiêm phòng định kỳ các loại cho đàn vật nuôi, trong đó tổ chức tiêm phòng đại trà đối với vacxin lở mồm long móng, viêm da nổi cục cho đàn trâu bò, bệnh dại chó, mèo và tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi.

Ngoài ra, Chi cục đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là tại các khu vực từng xảy ra dịch bệnh, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các khu giết mổ, mua bán động vật. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra kiểm soát giết mổ, tình hình vệ sinh thú y, công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh cũng như quá cảnh qua địa đàn.

Hướng dẫn các địa phương chủ động khống chế hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi trên tinh thần “thực hiện phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, chống dịch khẩn trương, phát hiện nhanh, chính xác, xử lý triệt để.

Cũng như hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tốt vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao, có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.

Empty

Tiêm vacxin lở mồm long móng trên trâu, bò. Ảnh: KS.

Các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cấp phát các loại tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống các bệnh dại, cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tờ rơi hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch tả loài nhai lại và các quy định sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi phổ biến rộng rãi đến người chăn nuôi.

Tuy nhiên, bên cạnh thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng, người chăn nuôi cần phát huy tính chủ động trong phòng, chống dịch với phương châm “người chăn nuôi là chính, là chủ thể. Đồng thời áp dụng nghiêm những biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là vệ sinh tốt chuồng trại, nơi chăn thả gia súc, gia cầm tập trung. Khi tái nhập đàn con giống được mua tại những cơ sở có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, để chăn nuôi an toàn, hiệu quả, tỉnh Phú Yên đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên theo Quyết định số 1241/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh.

Trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi tại các địa bàn có lợi thế về đất đai, đảm bảo mật độ theo quy định, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đối với từng loại vật nuôi và phương thức nuôi gắn với các khu giết mổ tập trung. Kiểm soát chất lượng đàn giống, đẩy mạnh cải tạo nâng cao tầm vóc đàn gia súc ăn cỏ.

Chuyển dần chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại có quy mô phù hợp, khuyến khích phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, đặc sản, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.