| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống thiên tai, không để nước đến chân mới nhảy!

Thứ Ba 23/05/2017 , 07:30 (GMT+7)

Theo dự báo, trong năm 2017 Bình Định sẽ phải đối mặt với những diễn biến thời tiết rất bất thường.

Đáng quan ngại là hiện tượng El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào nửa cuối của năm dẫn tới nhiều đợt nắng nóng, không khí lạnh, bão và áp thấp nhiệt đới. Ngay từ bây giờ, Bình Định đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống để giảm thiểu thiệt hại mức thấp nhất.

09-30-45_1
Bình Định nỗ lực khắc phục sa bồi những diện tích SX lúa do mưa lũ năm 2016 gây ra

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định, thời tiết nắng nóng sẽ bắt đầu xuất hiện cục bộ trên địa bàn tỉnh này từ tháng 4, sau đó mở rộng dần. Đến tháng 7 và tháng 8 thì có gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, nắng nóng sẽ “tăng tốc”, nhiều đợt nắng nóng gay gắt sẽ xảy ra và kéo dài.

Từ nay đến hết tháng 8, các hiện tượng như dông, sét, lốc sẽ xuất hiện gia tăng về tần suất trên phạm vi toàn tỉnh. Bên cạnh đó, lượng mưa trong mùa mưa năm 2017 có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 30%, các đợt mưa lớn trên diện rộng xảy ra chủ yếu trong tháng 10 và 11, đỉnh lũ cao nhất trên các sông ở mức báo động II, III, có nơi trên báo động III.

Theo nhận định của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bình Định, dự báo nói trên là có cơ sở, khi mới đầu năm 2017 mà trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn. Trên biển thì không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới cũng cũng liên tục xảy ra làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân, thời tiết bất thường trên biển đã nhấn chìm 2 tàu cá của ngư dân.

Điều mà Bình Định lo ngại nhất trong mùa mưa năm nay là trên địa bàn tỉnh này hiện vẫn còn hơn 20.000 hộ dân ở 110 xã, phường của 11 huyện, TX, TP còn nằm trong vùng nguy hiểm. Trong khi đó, công tác di dời dân vùng thiên tai đến các khu tái định cư tại các địa phương nhằm đảm bảo an toàn cho người dân được thực hiện chưa rốt ráo. Ngoài ra, còn hơn 20 hồ chứa nước nhỏ do địa phương quản lý đang hư hỏng, xuống cấp cùng nhiều đoạn đê sông, đê biển bị hư hỏng trong các đợt mưa lũ trong năm 2016 mới chỉ được khắc phục tạm, có thể bị vỡ, đứt khi xảy ra mưa lũ lớn.

Một nỗi lo khác của Bình Định hiện nay là còn tồn tại nhiều tàu cá của ngư dân chưa đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Theo Sở NN-PTNT Bình Định, tỉnh này hiện có hàng ngàn tàu vỏ gỗ công suất nhỏ, đã qua sử dụng nhiều năm, máy móc thiết bị thiếu và lạc hậu, khả năng hoạt động và chống chịu sóng gió yếu. Bên cạnh đó các bến, bãi neo đậu tàu thuyền chưa được đầu tư đúng mức; lực lượng, phương tiện TKCN còn hạn chế nên chưa thể phát huy công tác hỗ trợ tốt nhất.

Để đối phó với tình hình trên, theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, ngành nông nghiệp tỉnh này đã sớm phối hợp với các địa phương quản lý, điều tiết nguồn nước hợp lý để đề phòng hạn hán, nước biển xâm nhập mặn. Xây dựng phương án cụ thể về cấp nước sinh hoạt trong điều kiện khô hạn cho các vùng thiếu nước. Kiểm tra, sửa chữa, khôi phục hoạt động của các công trình cấp nước tập trung và nâng tối đa công suất các công trình cấp nước đang hoạt động, để hạn chế số lượng hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng.

09-30-45_2
Lực lượng cứu hộ túc trực tại những điểm mưa lũ xung yếu ở Bình Định sẵn sàng cứu hộ người dân vùng lũ

Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương, xây dựng phương án PCTT-TKCN trong mùa mưa bão. Duy trì hoạt động của hệ thống đo mưa, hệ thống cảnh báo lũ sớm dựa vào cộng đồng trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh; đồng thời thiết lập vận hành 45 trạm đo mưa nhân dân, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống và đề xuất giải pháp phòng, chống.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương nhanh chóng tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm công tác PCTT-TKCN năm 2016, trên cơ sở đó đề ra giải pháp thực hiện PCTT-TKCN năm 2017 hoàn thiện hơn. Đài khí tượng Thủy văn của tỉnh cần nâng cao năng lực dự báo, nhằm phục vụ công tác PCTT-TKCN. Thành viên Ban chỉ đạo PCTT-TKCN của tỉnh, các đơn vị và địa phương tiến hành kiểm tra, đánh giá thực trạng tất cả các hồ chứa nước, hệ thống đê sông, đê biển; các công trình ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ, địa phương nào phát hiện vi phạm thì xử lý ngay.

Đối với các hồ chứa nước đã được nâng cấp, phải vận hành an toàn, tính toán việc tích, xả nước hợp lý để vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa đảm bảo đủ nước phục vụ SX và sinh hoạt cho nhân dân.

+ Giám đốc Công an tỉnh Bình Định Nguyễn Bá Nhiên cho biết, "đơn vị đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch về phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2017, trong đó chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát các hồ đập, vùng thường bị ngập nước, các đoạn đường thường bị nước ngập và chảy xiết; bổ sung 5 phụ lục trong phương án PCTT phù hợp với điều kiện thực tế”.

+ “Để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại trong bối cảnh thời tiết diễn biến bất thường có thể dẫn tới thiên tai, các địa phương cần đặc biệt lưu ý việc di dời dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn tại các khu tái định cư, đến trường học, trụ sở UBND xã và các khu vực an toàn trước khi mưa bão xảy ra. Mặt khác phải chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ, sẵn sàng nhận lệnh. Chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc y tế nhằm ổn định đời sống nhân dân sau khi mưa bão xảy ra. Phòng chống thiên thai không để nước tới chân mới nhảy!”, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhấn mạnh.

 

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.