| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống thiên tai trên biển là nhiệm vụ quan trọng

Thứ Năm 15/12/2022 , 11:41 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Là thành phố ven biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, Hải Phòng đang tích cực đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai.

Hải Phòng là thành phố ven biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các yếu tố bão, lũ, triều cường, mưa lớn, gây ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, công tác phòng chống thiên tai được thành phố biển ưu tiên hàng đầu.

Trung bình hàng năm Hải Phòng chịu ảnh hưởng của 3 đến 5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có từ 1 đến 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp. Ảnh: Đinh Mười.

Trung bình hàng năm Hải Phòng chịu ảnh hưởng của 3 đến 5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, trong đó có từ 1 đến 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp. Ảnh: Đinh Mười.

Hiện nay, TP Hải Phòng có 15 cảng và khu neo đậu tránh trú bão. Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, địa phương hiện có 1.173 chiếc tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên và khoảng 2000 tàu dưới 6m với khoảng 10.000 lao động.

Cùng với đó là hàng nghìn tàu cá của các địa phương khác như Thái Bình, Nam Định, Nghệ An… thường xuyên hoạt động thủy sản tại các ngư trường trong Vịnh Bắc Bộ và vào các khu vực như Cát Bà, Vịnh Lan Hạ, Trân Châu, Ngọc Hải, Mắt rồng, Quan chánh, Đông Xuân…để neo đậu tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới.

Ông Nguyễn Hồng Sinh, Trưởng phòng Dự báo, Đài khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc cho biết, những năm gần đây, các cơn bão trên vịnh Bắc Bộ có hướng đi phức tạp, khó lường. Ngoài bão, áp thấp nhiệt đới cũng gây ra hiện tượng giông lốc, sét, mua đá, gió giật ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp.

"Thời gian qua, những bản tin dự báo của chúng tôi thực hiện khá sát với thực tế thiên tai trên biển. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục có những dự báo, cảnh báo sát sao hơn nữa. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với trung tâm dự báo quốc gia, sử dụng những phần mềm dự báo tiên tiến của các trung tâm lớn trên thế giới để đưa ra những bản tin dự báo chuẩn xác hơn", ông Sinh nhấn mạnh.

Theo ông Sinh, hiện nay công tác dự báo thời tiết, thiên tai trên vịnh Bắc Bộ có nhiều khó khăn hơn so với trên đất liền. Nếu như trên đất liền, đơn vị có số liệu từ các trạm khí tượng gửi về thường xuyên thì dự báo trên biển sẽ khó khăn hơn, trạm khí thượng rất ít, trên vịnh Bắc Bộ mới chỉ có 1 trạm ở Bạch Long Vỹ.

Nhận thức được nguy cơ và tác động của thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, TP Hải Phòng đã và đang tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ứng phó thiên tai và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Đơn cử như tại Đồ Sơn, mỗi cơn bão lớn đi qua, địa phương này đều phải huy động nhân lực vật lực ứng phó 24/24, phải di chuyển hơn 1.000 dân và thông báo kịp thời cho khoảng 27 chòi canh ngao, 172 phương tiện khai thác thủy sản của địa phương, 4 phương tiện dịch vụ thủy sản, 16 phương tiện du lịch chở khách.

Để chủ động ứng phó, trước mỗi cơn bão, công tác kiểm đếm tàu thuyền, các chòi nuôi ngao đã được lực lượng chức năng do Đồn Biên phòng Đồ Sơn chủ trì, phối hợp với UBND các phường tổ chức thực hiện xong trước ít nhất 1 ngày.

Công tác phòng chống thiên tai trên biển đã và đang được Hải Phòng quan tâm, chú trọng. Ảnh: Đinh Mười.

Công tác phòng chống thiên tai trên biển đã và đang được Hải Phòng quan tâm, chú trọng. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đỗ Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 1, chia sẻ, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, đơn vị có ký quy chế phối hợp với tất cả lực lượng như cảnh sát biển, biên phòng, cảng vụ hàng hải, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các tỉnh, thành phố cũng như các lực lượng khác có phương tiện để tìm kiếm cứu nạn.

"Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi có những phần mềm khai thác để huy động tất cả những lực lượng hoạt động trên tuyến biển, khu vực biển để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn. Với sự biến đổi khí hậu như hiện nay, để lực lượng tìm kiếm cứu nạn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, cần được trang bị những con tàu lớn hơn, có thời gian hoạt động trên biển dài hơn, đồng thời trang bị cho tàu những trang thiết bị hiện đại hơn, tốt hơn để sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu", ông Hiển chia sẻ.

Trên thực tế, những năm gần đây, do việc chỉ đạo rất sát sao trong việc cảnh báo, hướng dẫn tàu thuyền cho bà con khi khai thác trên biển trong mùa mưa bão rất tốt nên hầu như không có vụ việc tàu bè bị chìm đắm khi đang hoạt động trên biển, chỉ có những tàu chìm, đắm chủ yếu là tại nơi tránh trú bão.

Để ứng phó với chục cơn bão mỗi năm, Hải Phòng cũng cần tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi tổ chức thông báo, cảnh báo, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão và kịp thời tham mưu chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Luôn chủ động, chống tư tưởng chủ quan, đơn giản, coi thường các cơn bão, lụt, các đợt gió mùa đông bắc, giông, lốc... Đặc biệt, hết sức chú ý công tác phòng chống thiên tai để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện thuỷ sản, cơ sở sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt phương châm “Phòng là chính” và thực hiện tốt “Bốn tại chỗ”.

Ngoài việc tổ chức thống kê số lượng tàu thuyền, thuyền viên, lồng bè nuôi trồng thủy sản cần tăng cường quản lý đăng ký, đăng kiểm tàu cá cũng như kiểm tra chặt chẽ tình trạng kỹ thuật, trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc của tàu thuyền hoạt động trên biển khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục củng cố lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bổ sung trang bị phương tiện cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ đồng thời tăng cường sự phối hợp với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Bên cạnh đó, TP Hải Phòng mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ hơn nữa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành Trung ương tiếp tục đầu tư nâng cấp công trình đê điều bằng nguồn vốn Trung ương, vốn vay WB, ADB.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đông Nam bộ hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ

Đây là một trong những phương hướng phát triển về nông, lâm nghiệp, thủy sản được đặt ra trong Phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.