| Hotline: 0983.970.780

Phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng

Thứ Ba 10/05/2016 , 07:10 (GMT+7)

Thời tiết các tỉnh miền Bắc lúc lúa xuân cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng luôn có nắng mưa xen kẽ và ấm nóng. Đây là điều kiện thích hợp để các loài rầy hại lúa phát sinh và gây hại mạnh.

Mặt khác, lúa xuân năm nay bị chậm lại do thời tiết đầu vụ giá rét kéo dài nên rầy nâu và rầy lưng trắng sẽ phát sinh nhiều ở lứa 2 (cuối tháng 4 đầu tháng 5) và cao điểm sẽ là lứa 3 (cuối tháng 5 đầu tháng 6). Lúc này lúa trong giai đoạn ngậm sữa đến chắc xanh (giai đoạn mẫn cảm nhất với các loài rầy).

Theo dự tính dự báo của Viện BVTV, cuối vụ xuân tại các tỉnh miền Bắc, mật độ rầy nâu và rầy lưng trắng sẽ cao hơn 1,5 lần cùng kỳ năm trước. Do đó nông dân cần lưu ý và thực hiện tốt một số biện pháp sau:

+ Thăm đồng kiểm tra thường xuyên để phát hiện ổ rầy: Rầy nâu và rầy lưng trắng có đặc tính gây hại theo từng ổ (rầy có tập tính sống quần tụ) và thường tập trung ở giữa ruộng nhiều hơn. Khi điều tra rầy hại lúa nông dân cần phải lội ra giữa ruộng, vạch gốc lúa để kiểm tra kỹ càng. Lưu ý với các giống nhiễm rầy như nếp các loại, Q5, lúa lai… Thường thì các đám lúa có ổ rầy gây hại sẽ phát triển kém, cây có triệu chứng vàng dần đến lùn lụi do bị rầy chích hút dưới gốc cây. Những chỗ lúa quá rậm rạp um tùm sẽ có nhiều rầy lưu trú hơn các chỗ khác…

+ Sử dụng thuốc khi cần thiết và chọn thuốc thích hợp: Rầy nâu và rầy lưng trắng có tính kháng thuốc rất cao nhất là rầy nâu. Vì thế muốn trừ rầy hiệu quả và ít tốn kém, nông dân cần phun thuốc khi thật cần thiết (phun khi đến ngưỡng gây hại kinh tế từ 2.000 con/m2 trở lên). Không nên phun thuốc trong ruộng khi không có rầy hoặc rầy xuất hiện với mật độ thưa thớt.

Khi mật độ rầy đến ngưỡng phải phun trừ bằng thuốc, cần ưu tiên chọn lựa các loại thuốc đặc trị để diệt trừ hiệu quả như Chess, Newfatoc, Chatot, Butyl, Anproud, Bassan, Pennaty, Esin… Sau khi phun thuốc 3 - 5 ngày cần kiểm tra lại ruộng nếu mật độ rầy còn cao cần phải phun nhắc lại lần 2.

+ Thực hiện tốt các kỹ thuật phun thuốc: Lúa về già không có khả năng vận chuyển các chất từ ngọn đi xuống cho nên, khi bị nhiều rầy ở dưới gốc gây hại, người phun phải vạch gốc lúa theo lối, dùng vòi phun trực tiếp vào các gốc lúa có rầy mới cho hiệu quả.

Để hạn chế lượng thuốc khi phun mà trừ rầy lại có kết quả cao, cần tìm ổ rầy mà diệt. Không nên phun thuốc tràn lan cả ruộng sẽ rất tốn kém và lãng phí (nhìn lá, ngọn lúa để nhận ra ổ rầy).

Giai đoạn lúa chín đỏ đuôi nếu bị rầy gây hại mạnh cần ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học như Oshin, Esin... để phun sẽ an toàn cho lúa gạo sau này.

Những diện tích lúa đã chín được khoảng 80% bị nhiều rầy chích hút, tốt nhất nên chọn biện pháp gặt “chạy rầy” thay bằng phun thuốc. Trước khi phun nên đưa nước vào ruộng ở mức 3 - 4cm để tiêu diệt được nhiều rầy.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.