| Hotline: 0983.970.780

Phú Bình đưa cây nếp Thầu Dầu vào sản xuất

Thứ Sáu 24/04/2020 , 10:40 (GMT+7)

Nếp Thầu dầu không chỉ là sản phẩm đặc trưng mà còn là nông sản giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Cánh đồng lúa nếp Thầu Dầu theo hướng hữu cơ do tại xã Úc Kỳ. Ảnh: Kiều Hải.

Cánh đồng lúa nếp Thầu Dầu theo hướng hữu cơ do tại xã Úc Kỳ. Ảnh: Kiều Hải.

Gạo nếp Thầu Dầu là loại gạo có hương thơm nhẹ, ăn có vị đậm dẻo, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể vào năm 2012.

Để đưa đặc sản này đến gần hơn với người tiêu dùng, những năm qua huyện Phú Bình đã nâng cao chất lượng giống và sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Phú Bình (Thái Nguyên) cho biết, Phú Bình thuần nông với tổng diện tích đất trồng lúa hàng năm trên 12.000ha, trong đó diện tích lúa nếp Thầu Dầu khoảng 120ha, được gieo trồng chủ yếu tại các xã Úc Kỳ, Xuân Phương, Nhã Lộng do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp.

Năm 2018, Phòng NN- PTNT huyện Phú Bình đã chọn lọc và phục tráng thành công giống lúa nếp Thầu Dầu thấp cây và cao cây với nhiều ưu điểm vượt trội như khả năng chống chịu sâu bệnh cao hơn; năng suất trung bình của các dòng đạt 47 tạ/ha, cao hơn khoảng 1 - 2 tạ/ha so với giống lúa cũ.

Xã Úc Kỳ là một trong 3 địa phương được chọn làm điểm về xây dựng Dự án Cánh đồng mẫu lớn và cũng là vùng trọng điểm gieo trồng giống nếp Thầu Dầu của huyện với 80ha lúa nếp Thầu Dầu.

Ông Lê Cẩm Long, GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết: Vụ mùa năm 2019, Trung tâm phối hợp với Công ty Quế Lâm Phương Bắc, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình và UBND xã Úc Kỳ triển khai mô hình sản xuất lúa nếp Thầu Dầu theo hướng hữu cơ trên quy mô 14ha ở 5 xóm thuộc xã Úc Kỳ với 143 hộ dân tham gia.

Ông Long nhận xét thêm: Qua mô hình này, những hộ dân tham gia được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV, được tham gia tập huấn kiến thức trồng và chăm sóc cây lúa. Lúa nếp Thầu Dầu thời gian sinh trưởng dài, phù hợp với chân ruộng không trồng cây màu vụ đông. Do đó, việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng và rút ngắn quá trình đẻ nhánh so với phương pháp thông thường.

Trong quá trình chăm sóc để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt cần chú ý đến công đoạn bón phân gồm 1 lần bón lót, 1 lần bón thúc khi cấy từ 10 – 12 ngày kết hợp với làm cỏ sục bùn và bón thúc lần 2 hay còn gọi là bón đón đòng.

Bà Hãn Thị Nghệ, xóm Ngoài 1, xã Úc Kỳ cho hay: “Vụ mùa năm ngoái bà con nhân dân trong vùng được mùa lắm. Lúa tốt đều, nhiều hạt mà lại cứng cây không bị đổ như những vụ trước. Vụ mùa vừa rồi, ngoài hơn 2 sào lúa tẻ, nhà tôi cấy thêm gần 2 sào nếp Thầu Dầu mà cũng thu được tương đối thóc”.

Theo thông tin của bà Nghệ, trung bình mỗi sào lúa thu hơn 2 tạ thóc, với giá bán từ 1,5 đến 1,6 triệu đồng/tạ. Ở đây bà con cấy lúa nếp chủ yếu để bán vì gạo này được giá, còn lại mỗi nhà để dành một ít phòng khi nhà có cỗ hay những dịp lễ tết thì mang ra đồ xôi, làm bánh.

Chị Dương Thị Hảo ở xóm Tân Lập, xã Úc Kỳ chia sẻ: Vì nhận thấy giá trị và năng suất mà lúa nếp Thầu Dầu mang lại nên những năm gần đây bà con nhân dân trong vùng chủ yếu chuyển sang trồng nhiều lúa nếp, còn lúa tẻ chỉ trồng đủ ăn. Vụ vừa rồi nhà chị trồng 4 sào lúa nếp Thầu Dầu với sản lượng trung bình đạt 2,5 tạ thóc/sào.

Theo chị Hảo thì nếp thầu dầu đạt năng suất cao hơn rất nhiều so với các loại nếp thông thường, hơn nữa công chăm sóc lại ít và dễ, không tốn lân, đạm nhiều. Nếu trồng đúng theo quy trình kỹ thuật được triển khai và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học thì bông lúa đều, sai hạt và chất lượng tốt. Đặc biệt đây là loại lúa chịu sâu bệnh tốt hơn những loại lúa nếp khác và hầu như không có sâu bệnh. 

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Phú Bình đã chú trọng hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Cụ thể, huyện đã hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để xã Úc Kỳ thành lập Tổ liên kết lúa nếp Thầu Dầu, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ bà con.

Gạo nếp Thầu Dầu và tương nếp Thầu Dầu đã có mặt tại rất nhiều hội chợ, lễ hội. Ảnh: Kiều Hải.

Gạo nếp Thầu Dầu và tương nếp Thầu Dầu đã có mặt tại rất nhiều hội chợ, lễ hội. Ảnh: Kiều Hải.

Bà Dương Thị Thành - Tổ trưởng Tổ liên kết cho biết: Tổ liên kết hiện có 30 thành viên. Để tăng hiệu quả hoạt động, tổ phân chia thành 3 nhóm sản xuất giống lúa, nhóm thu mua, chế biến và nhóm tiêu thụ sản phẩm. Tổ cũng đứng ra bao tiêu cả sản phẩm của tổ viên và người dân, với giá 25.000 – 30.000/kg.

Ông Dương Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ chia sẻ: Nếp Thầu Dầu là giống lúa thuần cổ truyền chất lượng cao được gieo cấy từ lâu đời trên vùng đất phù sa dọc bờ sông Cầu tại xã Úc Kỳ. Gạo nếp thầu dầu có hương thơm nhẹ, dẻo, vị đậm, là thực phẩm không thể thiếu trong những dịp lễ tết. Ngoài làm bánh, đồ xôi, gạo nếp Thầu Dầu còn được dùng để làm món tương nếp rất ngon là đặc sản nổi tiếng của xã Úc Kỳ.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.