UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Quyết định về việc ban hành đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn.
Theo đó, đơn giá trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là 121.645 nghìn đồng/ha. Đây là cơ sở để xác định số tiền tổ chức, cá nhân, chủ dự án phải nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Phú Thọ khi không tự trồng rừng thay thế theo quy định và được xem xét điều chỉnh khi có quy định mới của cấp có thẩm quyền hoặc khi có yếu tố giá cả và các yếu tố khác biến động.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ thông tin: Tính đến hết năm 2023 tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 187,777 nghìn ha. Tổng diện tích rừng hơn 169,33 nghìn ha, trong đó rừng phòng hộ còn hơn 32,32 nghìn ha, rừng đặc dụng hơn 16 nghìn ha, rừng sản xuất hơn 120,9 nghìn ha. Trong năm 2023 tỉnh Phú Thọ đã thực hiện 16 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tổng diện tích chuyển đổi là 70,01 ha.
Tổng số tiền thu được từ dịch vụ môi trường rừng năm 2023 là hơn 1,9 tỷ đồng. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng đã thực hiện việc giải ngân, thanh toán cho các chủ rừng tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022 từ nguồn uỷ thác Quỹ Trung ương hơn 313 triệu đồng. Kết quả số tiền trồng rừng thay thế thu năm 2023 là 3,584 tỷ đồng, trong đó chi tiền trồng rừng thay thế chỉ đạt hơn 1,2 tỷ đồng. Nguyên nhân là do thay đổi quy định tại Thông tư 25/2022 của Bộ NN-PTNT.
Theo Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phú Thọ cùng với Tuyên Quang, Yên Bái là những địa phương tập trung phát triển vùng rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến gỗ, giấy. Cụ thể, xây dựng Phú Thọ, Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến gỗ, giấy của vùng và Phú Thọ là một trong những tỉnh tập trung phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến chè, giấy.