Cá mú chết vì sốc độ mặn
Theo UBND xã An Ninh Đông, từ ngày 28/10 đến ngày 31/10, thời tiết trên địa bàn huyện Tuy An xảy ra mưa, mực nước Đầm Ô Loan dâng cao, chảy qua sông Lễ Thịnh ra biển. Trong khi đó tại khu vực cửa sông Lễ Thịnh có nhiều bà con đang thả nuôi cá mú, cá hồng bị ảnh hưởng nguồn nước ngọt làm đàn cá chết với số lượng rất lớn.
Theo thống kế của xã An Ninh Đông, tổng số cá chết ước lên đến 276.750 con của 135 hộ dân thả nuôi trên 810 lồng với 135 bè. Trong đó, 141.750 con cá lớn bị chết có trọng lượng từ 0,7kg đến 1,3 kg; còn lại cá nhỏ có trọng lượng khoảng 150 gram đã được thả nuôi từ 1 đến 3 tháng tuổi.
Trong số hộ nuôi cá bị thiệt hại có gia đình bà Võ Thị Luyến ở thôn Phú Lương. Bà Luyến buồn bã cho biết, gia đình bà có 2 bè nuôi cá với số lượng hơn 17.000 con. Hầu hết cá đã đến trọng lượng xuất bán. Tuy nhiên thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 “vắng” thương lái thu mua nên số cá này gia đình bà đành neo lại lồng tiếp tục chăm sóc, chờ ngày xuất bán. Thế nhưng nào ngờ chỉ trong ngày 2/11 cá nuôi của gia đình đã bị ‘sốc nước ngọt’ chết hàng hoạt, mất trắng.
Sau khi nhận được thông tin cá chết tại vùng nuôi thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông, ngày 3/11, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên tiến hành kiểm tra thực tế tại địa phương. Kết quả cho thấy, môi trường vùng nuôi bị ngọt hóa trong khoảng thời gian tương đối dài. Vì vậy, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cá mú bị chết là do sốc độ mặn bởi môi trường nuôi bị ngọt hóa, chứ cá chết không có dấu hiệu bệnh lý.
Trước tình hình diễn biến môi trường bất lợi, làm tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên cá mú nuôi, cũng như để hạn chế dịch bệnh phát sinh trên cá nuôi trong thời gian tới, Chi cục khuyến cáo người nuôi thu gom toàn bộ xác cá chết mang vào bờ để chôn lấp, không vứt ra môi trường gây ô nhiễm.
Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường vùng nuôi và khi môi trường nuôi trở lại bình thường cần kịp thời cho ăn, tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách tích cực trộn các loại vitamin, khoáng chất, men vi sinh vào thức ăn cho ăn. Cùng với đó kịp thời thu hoạch đối với cá đạt kích cỡ thương phẩm; không thả giống khi môi trường, thời tiết chưa ổn định. Định kỳ vệ sinh lưới lồng, tắm cá, trộn kháng sinh cho cá ăn để phòng bệnh, nhất là bệnh lở loét rất dễ phát sinh sau mùa mưa bão.
Khuyến cáo người nuôi tôm hùm trong mùa mưa bão
Trước đó ngày 24/10 tại phường Xuân Yên, TX Sông Cầu (Phú Yên) cũng đã xảy ra tình trạng tôm hùm chết với số lượng 8.443 con và 12 tạ cá chẽm, mú…Nguyên nhân cá, tôm chết được xác định do sốc nước ngọt.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã bước vào mùa mưa bão, để hạn chế rủi ro sự cố môi trường xảy ra, gây thiệt hại kinh tế người nuôi tôm hùm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người nuôi không thả tôm với mật độ dày. Mà nên sang thưa mật độ nuôi để tránh hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ tại lồng nuôi, cũng như không tăng số lượng lồng nuôi.
Cùng với đó người nuôi nên vệ sinh lồng nuôi để tăng cường quá trình trao đổi nước; thường xuyên quan sát môi trường nước vùng nuôi; kiểm tra tình hình sức khỏe thủy sản nuôi, để phát hiện kịp thời sự cố xảy ra. Khi phát hiện môi trường biến đổi bất thường hoặc thủy sản nuôi xảy ra hiện tượng ngạt, cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp ganh lồng lên gần mặt nước; áp dụng các biện pháp tạo oxy cho thủy sản hô hấp.
Ngoài ra, việc tăng sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung vitamine, khoáng chất… vào thức ăn nhằm hạn chế bệnh phát sinh là rất cần thiết. Cũng như không sử dụng thức ăn bị ươn, thối, quản lý cho ăn tránh dư thừa.
Khi tôm nuôi đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch ngay nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra sự cố do môi trường. Nếu phát hiện tôm hoặc thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường, hộ nuôi báo cáo cho cán bộ thú y xã hoặc cơ quan Thú y nơi gần nhất để có hướng dẫn xử lý kịp thời.