| Hotline: 0983.970.780

Phục tráng trám đen Thanh Chương

Thứ Hai 05/09/2016 , 09:01 (GMT+7)

Những cụ cao niên ở xã Cát Văn (Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, khi lớn lên họ đã thấy những vườn trám đen cao chọc trời. Có những cây ba, bốn người ôm không xuể...

Vùng Cát Ngạn (một số xã thuộc hữu ngạn sông Lam) thời đó trở thành “thủ phủ” của cây trám đen, một trong những đặc sản trứ danh của vùng đất xứ Nghệ. Nhưng vượt qua những ngày đói kém, cái thời mà con người nơi đây sống nhờ vào quả trám thì những vườn trám bị chặt hạ dần.

Cát Văn, nơi được coi là vùng đất sinh ra những cây trám đen ngon nhất hiện chỉ còn ngót nghét 1.000 cây. Một dự án phục tráng giống trám đen bằng phương pháp ghép cây được thực hiện đã mở ra hi vọng trong việc bảo tồn giống trám đen quý hiếm này.

 

Một thời trám mọc thành rừng

Ông Nguyễn Nhật Lệ, sinh năm 1937 là một trong những người hiếm hoi của thế hệ trước chứng kiến những bước thăng trầm của cây trám đen quê ông. Theo trí nhớ của ông Lệ thì cây trám đen xuất hiện trên vùng đất này lâu lắm rồi. Những rừng trám dường như được mọc lên một cách tự nhiên, nhà nhà có thể hái quả đem đi bán nhưng lúc đó chưa được biết đến là một loại cây đặc sản.

09-59-53_1
Ông Lệ kể về những rừng trám trong ký ức

 

“Người dân quê tôi còn gọi cây trám đen là cây mui. Khi tôi sinh ra và lớn lên thì đã nhìn thấy nhiều cây trám đen cổ thụ, cành lá sum suê, quả nhiều vô kể. Ngày ấy, đi đâu cũng có thể được chiêm ngưỡng những cây trám lực lưỡng 3 - 4 người ôm không xuể. Trám mọc thành rừng, bạt ngàn từ đồi núi đến tận bờ sông Lam, kéo dài xuống các xã Hạnh Lâm, Thanh Hòa, Thanh Đức...”.

Hỏi ai đã đưa giống trám này về trồng tại vùng đất Thanh Chương thì ông Lệ gãi đầu: “Có người nói là hội phụ lão, có người bảo rừng mọc tự nhiên… Chỉ biết rằng, những rừng trám sau này được giao cho các hộ gia đình quản lý”.

Trám thường được thu hoạch vào dịp đầu tháng 7 âm lịch hàng năm. Thuở ấy, việc thu hoạch trám diễn trong vài ba tháng ròng rã. Những cây trám cao, người dân không dám trèo lên tận ngọn mà dùng dụng cụ gọi là rọ để hái từng cành cẩn thận. Thường các chủ vườn kết thúc việc hái trám khi mặt trời vừa lên nửa cây sào. Trám được người trong làng gồng gánh trám hàng chục km lên Đô Lương, Anh Sơn để bán về nuôi gia đình. Lúc đó, lúa kém năng suất nên cây trám đen trở thành nguồn thu chính cho người dân trong vùng.

Quả trám có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn nhưng người dân Thanh Chương chủ yếu muối trám để làm thức ăn dự trữ quanh năm. Có những thời điểm đói kém, giáp hạt, quả trám là thức ăn chính qua ngày của nhiều gia đình nghèo.

Cây trám chịu hạn tốt, thích ứng rộng với nhiều loại đất, chất đất. Gỗ trám không được bền chắc như các loại gỗ khác nhưng rừng trám không mấy khi bị gió đánh đổ. Trám có thể trồng cạnh bờ rào, trên đỉnh núi, trong vườn… Có lẽ vì thế, cây trám đen phân bố khắp vùng Cát Ngạn gồm Cát Văn, Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Đức, Hạnh Lâm, Thanh Mỹ… và một số huyện khác như Anh Sơn, Đô Lương, Tân Kỳ… Dù thế, cây trám mọc trên vùng đất một số xã của huyện Thanh Chương thơm ngon hơn hẳn những vùng đất khác.

Thế nhưng, cây cỏ dường như cũng có vận hạn của nó, có lúc thịnh, lúc suy. Cây trám chỉ được nâng niu, trân trọng đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Lúc này, cây chè, sắn, cây keo lên ngôi trở thành những cây trồng cho thu nhập chính. Nhu cầu gỗ cốp pha xây dựng cũng tăng dần lên. Gỗ trám tuy không tốt nhưng người dân cũng tận dụng làm dong, ván, thậm chí làm quan tài cho người đã khuất… Chủ nhân các vườn trám định đoạt số phận những vườn trám bằng tiếng máy cưa lạnh gáy. Những vườn trám ngã rạp, nhà nhiều thì còn dăm bảy cây, nhà ít chỉ để lại vài cây trong vườn…

09-59-53_2
Một cây trám đen trong vườn bà Nguyễn Thị Hồng, xóm 12, xã Cát Văn

 

Có lẽ, buồn nhất là những cụ già. Họ sinh ra, lớn lên đã có cây trám đồng hành. Những năm tháng vui sướng của cuộc đời họ đã gắn liền với cây trám. Nay những thân cây trám vạm vỡ bị đốn hạ, họ như thấy mất mát một thứ gì lớn lao lắm!

 

Quyết tâm phục tráng

Nói đến Cát Văn và cả vùng Cát Ngạn là người ta nghĩ ngay đến cây trám đen, nó như là linh vật của vùng đất này vậy. Những người con quê hương Cát Văn, đến mùa trám chín, trong hành trang đi về các vùng miền của tổ quốc đều không quên mang theo món quà quê đặc biệt. Nhiều gia đình còn đóng gói gửi vào Nam, ra Bắc để làm quà. Cây trám đen trở thành đặc sản của vùng đất khó khăn này.

Nhưng một thực tế là, khoảng chục năm trở lại đây, số lượng cây trám đen trên địa bàn huyện Thanh Chương ngày một giảm. Theo thống kê của UBND xã Cát Văn, trên địa bàn toàn xã hiện chỉ còn khoảng 800 - 1.000 cây trám đen địa phương. Những vườn trám trước đây nay được thay bằng những đồi keo ngút ngàn. Số cây trám còn sót lại, nay thành của quý, của hiếm dường như không thể thay thế được.

Có lẽ, cũng như quy luật của cuộc sống, chỉ khi thực sự mất đi một thứ gì đó lâu nay vốn quen thuộc, người ta mới biết giá trị của nó.

09-59-53_3
Trám đen, đặc sản của người dân Thanh Chương

 

Trước thực tế này, năm 2010 UBND huyện Thanh Chương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau quả Gia Lâm thuộc Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN tạo giống và phát triển cây trám đen ở huyện Thanh Chương” với tổng kinh phí 661 triệu đồng. 

Năm 2010, năm đầu thực hiện dự án Viện Nghiên cứu Rau quả đã tuyển chọn những cây trám ngon của địa phương về nhân giống được 2.000 cây cung cấp cho nhân dân. Bước sang năm 2011, Sở Khoa học - Công nghệ Nghệ An đã giúp Thanh Chương mở vườn ươm nhân giống tại chỗ tại xã Thanh Liên trên địa bàn huyện. Từ đó đã nhân giống được hàng ngàn cây xuất bán, xây dựng được nhiều mô hình trên địa bàn.

Nhân giống bằng phương pháp ghép cây có ưu điểm là nhanh cho thu hoạch quả, thừa hưởng được các đặc tính tốt từ cây mẹ, hệ số nhân giống cao, cây có bộ khung tán thấp nên thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh.

Ông Bùi Gia Hảo, Chủ tịch UBND xã Cát Văn cho biết: “Vừa rồi, UBND huyện Thanh Chương triển khai dự án phục tráng giống tráng đen địa phương. Dự án thực hiện tại một số xã vùng Cát Ngạn. Riêng xã Cát Văn, người dân được hỗ trợ tiền giống khoảng 200 cây trám ghép. Đến nay, số trám sống, phát triển tốt cũng khoảng trên dưới 160 cây và đã bắt đầu cho quả bói, tiềm năng năng suất cao, quả to, đẹp”.

Cây trám đen có đặc điểm là sau khi thành thục, cho quả thì hầu như không phải chăm sóc mà vẫn cho quả đều. Trám đen trên vùng đất này thơm ngon, bùi nên được rất nhiều thực khách ưa chuộng. Không ít nhà hàng, khách sạn coi trám đen là món “độc” để thu hút khách.

Theo người dân địa phương, những cây trám hiện còn đã có thời gian lưu gốc 40 - 70 năm, cao trên dưới 30m. Là loại quả cứng, kể cả khi chín cũng không mềm, trám rơi xuống tận gốc vẫn không bị xây xát. Việc thu hoạch trám ngày nay cũng khá đơn giản. Người dân trải lưới dưới gốc sau đó dùng một dụng cụ gọi là khâu liên ngoặc trám rụng xuống rồi nhặt quả. Dường như cây trám càng già càng cho nhiều quả. Bình quân mỗi cây trám cho khoảng 1 vạn quả, tương đương với 100kg. Với giá bán tận vườn hiện nay là 50 nghìn đồng/kg, tư thương tự thu hái thì chủ vườn thu về 5 triệu đồng/cây/năm.

Quả trám chế biến khá đơn giản. Nếu “om” để ăn ngay thì chỉ cần đun nước vừa đủ nóng, đến độ bỏ tay vào hơi nóng là bỏ quả trám đã rửa sạch vào, đậy vung đưa ra khỏi bếp chừng 30 phút là ăn được. Nếu nước quá nóng, quả trám sẽ săn cứng, không mềm. Hoặc sau khi tách mui và hạt, có thể xào mui trám với sả, ớt cay… ăn rất thơm ngon.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm