| Hotline: 0983.970.780

Quả bầu, giọt nước với người Tây Nguyên: [Bài 1] Bến nước thiêng

Thứ Năm 01/08/2019 , 13:15 (GMT+7)

Người Tây Nguyên tự ngàn đời gần như ít làm lúa nước, ít trồng những loại cây cần nước tưới. Họ chỉ trồng lúa cạn trên nương trên rẫy, họ chỉ gieo những loại cây không cần tưới nước để sau đó, giao cho... Yang (trời/thần linh) "chăm sóc" bằng nắng sớm mưa chiều, bằng ngọn gió đêm mát lạnh hay bằng giọt sương mai tinh khiết.

Nhưng với người Tây Nguyên- bên cạnh lửa thì nước là vô cùng quan trọng, là không thể nào thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Chẳng vậy mà không ít tộc người ở Tây Nguyên còn có cả Vua Nước, Vua Lửa!

21-nuoc-giot-ty-nguyen-huy-tinh165025986
Giọt nước Tây Nguyên. Ảnh: Huy Tịnh.

Năm 2001, tôi là công chức thuộc tỉnh Gia Lai, được phân công tăng cường về xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê). Đoàn chúng tôi lúc ấy gồm bảy người. Một hôm, trưởng đoàn công tác của chúng tôi bảo: "Hôm nay cả đoàn ra dọn vệ sinh giọt nước của làng".  Tôi và một chị cùng đoàn (người dân tộc J'rai) phản đối kịch liệt, và không đi làm hôm ấy. Những người còn lại theo trưởng đoàn mang cuốc xẻng, rổ rá ra bến nước.

Bến nước của làng là một cái ao nhỏ rộng khoảng mười mét vuông. Những dòng nước nhỏ từ trong khe đá, từ tận đẩu tận đâu trong sâu thẳm đại ngàn róc rách chảy ra, "rót" vào cái ao nhỏ ấy. Phía cuối ao, đồng bào đắp một "con đê", từ thân của "con đê" ấy, những ống tre đã được đục thông mắt lấy nước từ cái ao, chảy xuống những phiến đá bằng phẳng phía dưới, để tắm, để lấy nước cho vào quả bầu khô mang về nhà nấu cơm, làm nước uống... Đó là cái bến nước thiêng của làng.

giot-nuoc-lng-luklui-ik-chu-ph-gi-li-photo-huy-tinh165026475
Ảnh: Huy Tịnh.

Bến nước không chỉ là nơi lấy nước sinh hoạt, tắm táp, mà còn là nơi hẹn hò, tình tự của trai làng gái bản. Bến nước còn là một trong những nơi thiêng liêng nhất của làng. Chẳng vậy mà gần như tất cả những lễ hội của làng, đều được diễn ra bên cạnh bến nước.

Với người Tây Nguyên, khi lập một làng mới phải hội đủ nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng bậc nhất, đó là phải ở ngay bên cạnh một nguồn nước trong lành.

Nước và lửa là hai thứ không thể thiếu với người Tây Nguyên: Nước dùng để sinh hoạt. Nước dùng để cúng thần linh. Nước dùng để cho vào những ghè rượu thần thánh làm cho khản đặc những giọng khan của người già, làm cho lơi lả những đôi chân trần của trai làng gái bản... Còn lửa không chỉ để nấu nồi cơm hay nướng con gà, mà còn là một thứ vũ khí mạnh mẽ nhất để chống lại thú dữ, để làm cho con người ta tự tin hơn trước cái u minh của đại ngàn huyền bí...

Chẳng vậy mà con trai lớn lên, trước khi có vợ, phải biết vót cây chông nhọn bẫy con heo rừng, phải biết phóng mũi lao trúng đích vào con thú dữ, phải biết vót nan đan cái gùi để cho phụ nữ để trong đó những quả bầu khô đựng nước đi nương đi rẫy... Con gái lớn lên, trước khi đi bắt chồng, phải biết giã gạo thật sạch mà không mẻ một hạt nào, phải biết dệt tấm vải đẹp cho chính mình và cho người thương, và phải biết cõng nước từ suối xa về không rơi một giọt...

Quay trở lại cái việc làm ngu xuẩn của đoàn công tác chúng tôi cách đây mười tám năm: Dọn vệ sinh giọt nước của đồng bào J'rai!

giot-nuoc-lng-mo-rong-ngol-ik-chu-ph-gi-li-photo-huy-tinh165026671
Giọt nước làng Mơ rông Ngol Iaka Chưpah (Gia Lai). Ảnh: Huy Tịnh.

Cái ao nhỏ khoảng mười mét vuông chứa nước cho cả làng dùng. Quanh bờ ao là phủ kín cỏ xanh, cỏ vươn ra ngoài mặt mặt nước ao xa cả mét. Hết những "cánh tay cỏ" là đến lớp rong rêu phủ kín mặt ao. Sống với người Tây Nguyên đã lâu, tôi hiểu: Ở những bến nước thiêng liêng của mỗi làng, cỏ và rong rêu là cái "màng lọc" từ thiên nhiên mà không có bất cứ một cái máy lọc nước hiện đại nào có thể thay thế được. Cái "màng lọc" ấy giúp cho nước trong ao luôn trong xanh bởi không bị bờ ao lở lói khiến nước đục; nó còn giúp cho nước trong ao luôn mát lạnh dưới cái nắng như đổ lửa của sáu tháng mùa khô...

Và, cái "màng lọc" thiên nhiên ấy, bỗng chốc bị năm con người ta với cuốc xẻng, rổ rá dọn sạch. Bờ ao trơ trụi đất đỏ làm nước trong ao vẩn đục. Mặt ao không còn một mảng rong rêu nào, nước trong ao mất đi cái mát lạnh, cái ngọt ngào đến tận tâm can mà mẹ thiên nhiên đã hào phóng ban tặng...

Quá trưa, cả đoàn ra về. Ai cũng mệt và đói, nhưng trông gương mặt mỗi người đều rất hồ hởi bởi đã... "giúp dân làng làm sạch nguồn nước sinh hoạt". Cuối chiều, dân làng đi làm về. Cả làng bỗng... chưng hửng trước cái bến nước- cái nơi linh thiêng của làng bỗng chốc đã được "dọn dẹp sạch sẽ".

Phong tục của đồng bào là buổi chiều đi làm về, chưa vội về làng mà ghé vào bến nước trước, để tắm, để trò chuyện, để bảo ban chia sẻ với nhau trong công việc nương rẫy, và để những cô gái lấy đầy những bầu nước mát lành cho vào gùi cõng về nhà... Còn bây giờ, cái giọt nước ấy đã không còn nữa!

Rất may là ngay bên cạnh đó, còn có một nguồn nước khác nữa: Ở đây, nước cũng từ trong những khe đá nhỏ, từ tận đẩu tận đâu trong sâu thẳm đại ngàn róc rách chảy ra, "rót" vào một cái ao nhỏ chưa đến mười mét vuông. Dân làng sang cái ao này, lặng lẽ tắm rửa, các cô gái lặng lẽ lấy nước vào bầu, cho vào gùi và lặng lẽ cõng về làng.

bu-dung-nuoc-photo-huy-tinh165026267
Bầu đựng nước. Ảnh: Huy Tịnh.

Tối, những cái nhìn lặng lẽ cứ dồn về phía cả đoàn công tác chúng tôi. Tôi biết, đoàn công tác đã phạm phải một sai lầm khó lòng tha thứ. Với người Tây Nguyên, khi đụng chạm đến giọt nước của làng mà chưa được Hội đồng già làng đồng ý, là vi phạm nghiêm trọng đến luật tục của cộng đồng làng.

Và - với người Tây Nguyên - họ sống rất phóng khoáng và hào sảng như ngọn gió trên thảo nguyên bao la, họ sẵn sàng tha thứ khi ai đó đã biết nhận lỗi...

Hôm sau, cả làng không đi làm. Một lễ cúng giản đơn nhưng rất đỗi nghiêm trang được diễn ra - ngay bên cạnh cái nguồn nước chưa được dùng đến - ngay bên cạnh cái giọt nước mà đoàn công tác chúng tôi đã... "dọn vệ sinh giúp dân làng".

Ngay sau lễ cúng, dưới sự hướng dẫn của vị già làng minh triết, của những người già lớn tuổi và rất đỗi hiền minh trong làng, những trai làng bắt đầu làm cái giọt nước mới: "Con đê" nhỏ được đắp lên phía cuối cái ao; những cây tre đã được thông mắt, ngay ngắn sắp hàng giữa thân đê, phía cuối mỗi cây tre, già làng dùng cái dao sắc tỷ mẩn gọt, tách bỏ một nửa trên của cây tre, nửa dưới còn lại dài độ gần nửa mét đã được gọt nhọn khoảng một gang tay. Từ đây, những dòng nước trong ngần, mát lạnh chảy xuống phiến đá phía dưới.

giot-nuoc-nguoi-jri-duc-co-photo-huy-tinh165027144
Ảnh: Huy Tịnh.

Chiều, xong việc. Những cô gái J'rai lại lấy từ trong gùi ra những quả bầu khô đen nhánh, nhẹ nhàng và nâng niu hứng những giọt nước từ đầu nhọn của cây tre, cho vào gùi cõng về làng. Đêm đó, cả làng tập trung trước sân nhà rông. Mùi gà nướng thơm lựng, mùi rượu cần quyến rũ đến... khó cưỡng. Chúng tôi cũng được mời. Tiếng cười nói râm ran.  Những cái nhìn trìu mến của dân làng đã lại dành cho chúng tôi. Tôi biết, chúng tôi đã được dân làng tha thứ...

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.