Thống kê của Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cả nước hiện có trên 2.200 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ, cung cấp khoảng 153 tỷ con/năm. Các địa phương sản xuất tôm giống trọng điểm là Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, chiếm khoảng 93% tổng số cơ sở sản xuất trên cả nước.
Thời gian qua, việc quản lý chất lượng tôm giống luôn là vấn đề được các địa phương và cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT quan tâm. Cơ bản Việt Nam đã chủ động được nguồn tôm sú bố mẹ trong nước và bắt đầu xuất khẩu. Nguồn giống tôm thẻ chân trắng nhập khẩu và sản xuất trong nước đáp ứng được nhu cầu thả nuôi của người dân.
Tuy nhiên, thời gian qua, một số doanh nghiệp ngành tôm ĐBSCL đánh giá chất lượng con giống hiện giảm rất thấp. 100% con giống tại các trại giống bị nhiễm một số dịch bệnh, với mật độ nhiễm ngày càng tăng. Các trang trại lớn khi thả tôm giống tỷ lệ hao hụt rất nhiều.
Số liệu từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho thấy, trong năm 2023, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại lên đến trên 22.600ha. Ngoài những yếu tố về môi trường, dịch bệnh, GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh, Khoa Bệnh học thủy sản, Trường Thủy sản (Đại học Cần Thơ) xác định, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại còn xuất phát từ chất lượng tôm giống.
“Mổ xẻ” vấn đề, chuyên gia hàng đầu về bệnh học thủy sản ở ĐBSCL cho rằng, hiện nay có rất nhiều lời giới thiệu về tôm giống khỏe mạnh, sạch bệnh. Tuy nhiên, người nuôi cần hiểu đúng là “không phải tôm giống không nhiễm bất cứ bệnh gì. Mà chỉ là không nhiễm một vài loại bệnh nào đó hoặc không mắc phải những bệnh nguy hiểm.
Hiện nay, đa phần khi con giống xuất ra khỏi trại nuôi, chỉ được kiểm tra, xét nghiệm những loại bệnh nghiêm trọng hoặc những mầm bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới hay Cục Thú y.
Trong khi đó, phần lớn các địa phương vùng ĐBSCL phải nhập tôm giống từ các tỉnh miền Trung, Nam Trung bộ. Phương pháp được lựa chọn vận chuyển chủ yếu là đưa ấu trùng, rồi ương lên thành hậu ấu trùng, sau khi về đến các trại nuôi, tiếp tục phát triển lên thành con giống, thời gian khoảng sau 1 tháng.
Nếu xét riêng ở khía cạnh vận chuyển tôm giống từ vùng này sang vùng khác đã làm giảm phần nào chất lượng tôm giống. Bởi trong quá trình này, con tôm có thể bị “sốc”, môi trường vận chuyển xấu đi, là cơ hội để các mầm bệnh bùng phát.
Điều này dẫn đến, có những mầm bệnh khi xét nghiệm ở miền ngoài cho kết quả âm tính hoặc khả năng không phát hiện ra. Nhưng sau quá trình vận chuyển, về đến vùng ĐBSCL, tái xét nghiệm lại cho ra kết quả dương tính.
GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh cho biết thêm, mặc dù các đơn vị có kiểm soát quá trình vận chuyển, tuy nhiên chỉ ở số lượng nhất định, đại diện một số lô nào đó.
“Việc xét nghiệm để sàng lọc ra những lô tôm giống kém chất lượng rất khó đối với cơ quan chức năng. Đối với con tôm, không thể nào đem tất cả mang đi xét nghiệm, nên nhiều khi xét nghiệm bị 'sảy'. Đây là khó khăn tồn tại rất lâu, từ thời điểm miền Nam mới bắt đầu nuôi tôm”, chuyên gia xác định việc vận chuyển tôm giống từ vùng này sang vùng kia đang gây ra hạn chế trong khâu chọn giống hiện nay.
Bên cạnh đó, trước thực trạng mềm bệnh trong tôm giống rất đa dạng, điều kiện ao nuôi liên quan trực tiếp đến vấn đề phát sinh dịch bệnh. Bởi đôi khi, con giống chất lượng, mà không được quản lý tốt cũng gây ảnh hưởng, thiệt hại cho vụ nuôi ngay từ đầu.
Ngoài ra, ĐBSCL với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, nếu nguồn nước không được quản lý tốt, nguy cơ bùng phát dịch bệnh ra toàn vùng rất cao.