* Chứng nhận lợn âm tính với virus không phải là “giấy bảo hành”!
Trao đổi với NNVN về việc tái đàn lợn trong bối cảnh DTLCP đang có chiều hướng tạm lắng, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng bộ môn Vi rút (Viện Thú y) ủng hộ quan điểm cần phải cẩn trọng.
Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng. |
Theo đó, nguyên tắc hàng đầu trong thời điểm hiện nay vẫn phải là các cơ sở chăn nuôi phải có tiềm lực, đảm bảo các điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) mới nên tái đàn, đặc biệt là nguồn giống phải xuất phát từ cơ sở uy tín, được kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh.
Hiện nay, một trong những yêu cầu để được phép vận chuyển lợn ra ngoại tỉnh (trong đó có lợn giống), đó là lợn phải được xét nghiệm âm tính với virus DTLCP. Tuy nhiên thời gian qua, đã ghi nhận những trường hợp gây tranh cãi, đó là lợn giống xét nghiệm âm tính với virus DTLCP, nhưng khi chuyển tới cơ sở chăn nuôi mới thì vẫn bị bệnh DTLCP. Về mặt khoa học, ông có thể lý giải về vấn đề này?
Ngoài những khả năng lợn bị nhiễm virus DTLCP trong quá trình vận chuyển hoặc sau khi đến nuôi ở cơ sở chăn nuôi mới, phải khẳng định là việc xét nghiệm một trại lợn âm tính với virus DTLCP là chưa đủ cơ sở để nói rằng đàn lợn đó an toàn và chưa bị nhiễm virus DTLCP.
Về mặt khoa học, chúng ta chỉ có thể chứng nhận một con vật có virus, chứ rất khó để chứng minh chúng không có virus. Trong y tế cũng như thú y, người ta thường chỉ cấp chứng nhận “đã tiêm chủng” bệnh A, B, C nào đó; hoặc chứng nhận huyết thanh âm tính (hoặc dương tính) với một loại virus nào đó, chứ không bao giờ cấp chứng nhận người A nào đó không mang virus gây bệnh A, B, C. Bởi không ai có thể xác minh rằng một con vật hay một con người là không mang một loại virus nào đó.
Khác với virus cúm gia cầm rất mạnh, khi xâm nhập là lập tức gây bệnh và khiến gia cầm bị chết rất nhanh, bệnh do virus DTLCP có thời gian ủ bệnh lên tới 4-19 ngày. Virus DTLCP xâm nhập, lưu trú và nhân lên trước tiên ở cổ (A-bi-đan). Sau đó mới xâm nhập vào máu. Khi con lợn phát bệnh, triệu chứng đầu tiên là sốt, đó là lúc virus DTLCP đã đi vào máu. Nghĩa là trong thời gian ủ bệnh, con lợn chưa có các triệu chứng phát bệnh, nhưng chúng đã mang virus, và virus có thể chưa đi vào máu.
Trong khi đó hiện nay, việc xét nghiệm virus DTLCP để cấp giấy chứng nhận lợn âm tính với virus DTLCP lại là xét nghiệm mẫu máu. Vì thế, một kết quả âm tính với virus DTLCP bằng xét nghiệm máu không thể xem là “giấy bảo hành” cho đàn lợn nào đó chưa bị nhiễm virus DTLCP.
Điều này cũng giống như ở người, bệnh do virus HIV có thời gian ủ bệnh lên tới 10 năm, và để chắc chắn một người nào đó đã bị nhiễm virus HIV hay không, thì phải trả qua thời kỳ “cửa sổ” từ 3-6 tháng.
Trong thời kỳ “cửa sổ”, một người nào đó có thể đã nhiễm virus HIV, nhưng phải tới khi hết giai đoạn “cửa sổ”, người ta mới có thể kết luận là huyết thanh âm tính hay dương tính với virus HIV.
Hiện nay, DTLCP đang có dấu hiệu tạm lắng. Ông có thể nhận định về diễn biến của dịch thời gian tới?
DTLCP sẽ giảm dần cường độ là điều tất yếu. Một là mật độ đàn lợn hiện nay đã giảm một phần do ảnh hưởng của dịch, hai là việc triển khai phòng chống của người chăn nuôi đã được siết chặt sau thời gian dịch diễn ra.
Tuy nhiên về mặt lí thuyết, bất kể dịch bệnh nào, dù là dịch bệnh trên người hay động vật, đều có quy luật diễn biến theo mô hình đồ thị của “chuyển động quả lắc đơn”, nghĩa là sau giai đoạn đầu bùng phát ồ ạt, sẽ dần dần tiến tới giảm dần, nếu không thanh toán được triệt để thì sẽ trở thành dịch địa phương.
Bên cạnh đó, ngay trong vùng dịch, không phải tất cả đều bị tiêu diệt, mà vẫn có những tỉ lệ sống sót nhất định qua dịch mà đôi khi khoa học chưa thể giải thích được.
Virus DTLCP là một thực thể sống, và ký sinh trên lợn. Vì thế về mặt sinh tồn tự nhiên, không có một sinh vật nào lại tiêu diệt hoàn toàn vật chủ mà chúng ký sinh, bởi nếu tiêu diệt hoàn toàn vật chủ, thì chúng sống ở đâu!? Dịch tả lợn cổ điển bùng phát từ năm 1885, dĩ nhiên sau này đã có vacxin phòng bệnh, nhưng chúng cũng đều diễn biến theo mô hình “chuyển động quả lắc đơn” và giảm dần dần.
Ông nói quy luật của tất cả các loại dịch bệnh sẽ đều giảm dần, nhưng không có nghĩa là để tự nó giảm theo quy luật tự nhiên, mà phải tiến tới thanh toán dịch bệnh, tránh để dịch thành “dịch địa phương”. Vì sao vậy?
Dịch địa phương là khái niệm để chỉ về trạng thái của một dịch bệnh không còn gây chết hàng loạt cho vật nuôi nữa, nhưng chúng vẫn tồn tại dai dẳng, và hàng năm vẫn đều đặn gây bệnh với một tỉ lệ nhỏ nhất định nào đó.
Những đàn lợn sống sót qua DTLCP là rất có ý nghĩa cho nghiên cứu, nhất là nghiên cứu SX vacxin DTLCP. |
Thí nghiệm Thế giới cũng đã có một thí nghiệm có thể gọi là thành công, đó là lấy mẫu virus DTLCP tại Latvia mà người ta cho rằng virus này là nhược độc để SX vacxin, và thử nghiệm tiêm cho lợn khỏe, sau đó tiến hành công cường độc, thì cho thấy lợn không bị chết. Tuy nhiên, điều gì đã khiến lợn công cường độc không bị chết, cơ sở khoa học về nguyên nhân tại sao lợn không bị chết thì vẫn chưa có câu trả lời. Hiện nay, so với các dịch bệnh khác, các nghiên cứu về DTLCP trên thế giới nhìn chung vẫn còn rất ít. Vì vậy, việc nghiên cứu về DTLCP nói chung, cũng như vacxin DTLCP là điều mà Việt Nam cần hết sức ủng hộ và tiếp tục triển khai. |
Ví dụ dịch tả lợn cổ điển hiện nay đã trở thành dịch địa phương, bởi kể cả có vacxin phải tiêm phòng rất tốn kém, nhưng hàng năm nó vẫn gây bệnh ở một tỉ lệ nhỏ nhất định.
Trên thế giới, không nước nào muốn dịch trở thành dịch địa phương, mà luôn phải thanh toán dịch triệt để.
Bởi để dịch thành dịch địa phương thì mọi nỗ lực thanh toán dịch bệnh sẽ trở nên vô nghĩa, và chúng ta không còn chống được nữa, cho dù có vacxin và tiêm phòng rất tốn kém.
Để dịch thành dịch địa phương thì việc hướng tới XK sản phẩm chăn nuôi cũng sẽ không thể, vì không nước nào chấp nhận NK sản phẩm chăn nuôi mang mầm bệnh cả.
Như ông có đề cập, thực tế hiện nay có rất nhiều đàn lợn sống sót được rất kỳ diệu ngay trong “tâm” dịch. Về mặt khoa học, chúng có ý nghĩa thế nào, nhất là trong nghiên cứu SX vacxin DTLCP hiện nay?
Trước tiên, cần phải phân tích những yếu tố có thể khiến một số đàn lợn sống sót được qua dịch. Một là có thể chúng chưa bị nhiễm virus DTLCP. Hai là có thể chúng đã bị nhiễm virus DTLCP, nhưng mức độ nhiễm virus chưa đủ để gây bệnh.
Khả năng thứ ba, không loại trừ lợn đã bị virus tấn công nhưng vì những yếu tố nào đó chúng không bị chết. Với khả năng thứ ba này, vấn đề là chúng ta phải chứng minh và trả lời được câu hỏi vì sao chúng không bị chết?
Đây cũng là điều không hề đơn giản, trong đó, không loại trừ khả năng con lợn có thể đã bị một chủng virus DTLCP nhược độc nào đó tấn công và sinh ra kháng thể, kháng thể này có khả năng bảo hộ chống lại được virus DTLCP độc lực cao?
Vì thế trước mắt, những đàn lợn, cá thể lợn đang sống sót qua dịch là nguồn vật liệu rất có ý nghĩa để phục vụ nghiên cứu, nhất là nghiên cứu SX vacxin.
Đơn giản nhất, là chúng ta có thể thử tiến hành công cường độc đối với những đàn lợn sống sót qua dịch, xem chúng có bị chết hay không? Nếu chúng không bị chết thì cũng có thể mở ra rất nhiều hướng cho nghiên cứu tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Nghiên cứu cho thấy trong 1ml máu lợn bị bệnh DTLCP, có tới 109 virus DTLCP, cho thấy virus nhân lên một số lượng ghê gớm. Về mặt nguyên tắc, trong quá trình virus nhân lên với lượng khủng khiếp đó, bao giờ cũng sẽ có những xác suất sai sót. Vì thế, hoàn toàn có thể có những virus bị lỗi nhất định, hay nói nôm na là “đui què mẻ sứt”. Trong đó, không loại trừ khả năng sẽ có những virus nhược độc sinh ra tự nhiên trong quá trình sinh sôi của virus, giúp con vật sinh ra kháng thể và giúp bảo hộ được với virus DTLCP độc lực cao. Ở một khía cạnh khác, cũng không loại trừ có thể có rất nhiều loại virus khác có đồng tính kháng nguyên với virus DTLCP. Ví dụ virus gây bệnh sài chó và bệnh tả trâu bò là 2 virus hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có tính kháng nguyên giống nhau. Người ta có thể dùng vacxin phòng bệnh tả lợn trâu bò để tiêm phòng cả cho bệnh sài chó. Đó là điều rất kỳ diệu. Vì thế, chúng ta cũng chưa thể biết liệu virus DTLCP có tính kháng nguyên trùng với virus nào trong tự nhiên hay không? Tất cả khả năng đều có thể xảy ra. (TS Nguyễn Tiến Dũng) |