Bà Nguyễn Thị Lài (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), xốc bao lúa tươi lên vai để đẩy ngược lên thùng xe công nông. Người trên xe đón lấy rồi xếp lại cho ngay ngắn. Bà Lài nói: “Tranh thủ cả buổi trưa cho xong mẫu ruộng kẻo sợ mưa gió rằm tháng Bảy. Vụ hè thu (HT) ni nắng hạn mà lại được mùa, được giá”.
Vượt qua hạn hán
Cánh đồng giữa xã Hàm Ninh rộng hàng trăm héc ta nhìn ngút tầm mắt. Những vạt ruộng vừa mới gặt để lại vết xích máy gặt như kẻ hàng tăm tắp. Chiếc máy gặt màu đỏ chót phăm phăm lượn giữa vạt ruộng rực lên dưới nắng gắt, kéo một đường lượn ngọt rồi dừng lại sát mé đường. Tiếng ông Minh chủ máy nói át tiếng nổ: “Bốc nhanh lên chớ nắng khét lắm rồi”. Bà Lài cùng một người phụ nữ khác nhanh nhẹn khiêng từng bao lúa tươi để chất lên xe công nông chở về nhà. “Đây là lúa để ăn. Lúa bán thì họ mua tại ruộng luôn chứ khỏi nhọc công”- bà Lài bảo.
Khi lúa đã chất đầy lên xe, bà Lài và mọi người tranh thủ nghỉ tay để uống nước cho vơi đi cái nắng đổ lửa trên đầu. Bà Lài tháo khẩu trang để ráo mồ hôi trên mặt rồi bảo: “Lúa năm ni tưởng mất vì nắng hạn. Rứa mà lại được. Nhà tui có mẫu ruộng (0,5 ha), làm giống PC6. Hôm nay gặt, mỗi sào cũng được chục bao thóc”. Hỏi mỗi bao có trọng lượng bao nhiêu? Bà Lài nghe mọi người định lượng xong mới trả lời: “Thì vào non 30 ký”. Như vậy là mỗi sào (500m2) được gần 30 tạ thóc. Tính ra, mỗi ha đạt năng suất gần 60 tạ.
Cánh đồng rộng gần 300 ha của thôn Hoành Vinh, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh cơ bản đã thu hoạch xong. Ông Võ Doãn Dực, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoành Vinh nói như khoe: “Vụ này hạn hán mà lại được ăn. Lúa tốt, chắc hạt và ít sâu bệnh. Cuối vụ, chuột cũng không có nhiều nên đỡ thất bát”.
Theo ông Dực, bình quân năng suất vụ HT này được 55 tạ/ha. So với năm ngoái thì cũng ngang nhau. “Năng suất vụ HT như vậy là được xếp vào hạng được mùa. Cũng có nhiều gia đình canh tác tốt đạt trên 60 tạ/ha”- ông Dực nói thêm.
Giá lúa lên từng ngày
Theo ông Võ Doãn Dực, vụ HT này bà con nông dân được nhiều thuận lợi. “Thứ nhất là năng suất cao. Lúc thu hoạch thì trời nắng nóng, làm lụng vất vả nhưng bù lại là phơi phóng thuận tiện. Lợi thứ hai là giá lúa đang nhích lên từng ngày. Nhà gặt sau bán được thêm vài giá so với nhà gặt hôm trước’- ông Dực bộc bạch.
Nông dân Võ Doãn Tâm (xã An Ninh) cũng vừa thu hoạch xong 3 mẫu ruộng (1,5 ha), sản lượng được khoảng 8 tấn thóc. Ông Tâm nói như tiếc: “Hôm trước gặt hai mẫu ruộng được hơn 5 tấn lúa. Nhà bán cho thương lái tại ruộng với giá tám mươi (8 triệu đồng/tấn). Hôm nay gặt nốt ruộng còn lại, lúa cơ bản là để lại ăn thì giá bán đã lên chín mươi rồi”.
Theo tính toán của nhiều nông dân, năm nay làm vụ HT lãi khá. Ông Võ Doãn Tâm tính cụ thể: “Cứ trung bình chi phí cho một héc ta lúa từ khâu giống, phân bón, bảo vệ thực vật, các khâu dịch vụ làm đất, gặt… khoảng 15 triệu đồng. Nếu bán lúa giá tám mươi và năng suất 5 tấn thì được 40 triệu đồng. Nông dân bỏ túi khoảng 35 triệu đồng/ha. Nếu giá vào thời điểm cao hơn thì lãi nữa”.
Theo Sở NN-PTNT Quảng Bình, vụ HT năm nay, Quảng Bình gieo cấy trên 14.500 ha, đạt 101,3% kế hoạch. Các địa phương có diện tích lúa HT cao, gồm: huyện Quảng Trạch (3.400 ha), Quảng Ninh (3.335 ha), Bố Trạch (2.244 ha), Ba Đồn (2.100 ha)... Các giống lúa được đưa vào sản xuất chủ yếu là giống ngắn ngày như HN6, HT1, nếp SVN1, DV108, PC6…
Đến cuối tháng 8, toàn tỉnh có trên 123.000 ha lúa thu hoạch xong, đạt trên 90% diện tích gieo cấy. Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, năng suất bình quân vụ HT ước đạt 50,2 tạ/ha, cao hơn 7,5 tạ/ha so với cùng kỳ. Sở tích cực chỉ đạo các địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Số diện tích lúa còn lại dự kiến sẽ thu hoạch xong trước 5/9. Địa phương nào thu hoạch xong tranh thủ thực hiện khâu làm đất để chuẩn bị tốt cho vụ đông xuân tới.