| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Nuôi bò lai, hiệu quả lớn

Thứ Năm 20/08/2020 , 09:39 (GMT+7)

Với tổng đàn bò lai đứng đầu tỉnh, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đang tạo nên sức bật từ chăn nuôi để người dân vươn lên thoát nghèo…

Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình cho hay, từ năm 2016 đến nay, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân trên địa bàn chăn nuôi bò lai. Đến nay, tổng đàn bò lai đạt trên 11 ngàn con. Thu nhập từ đàn bò giúp cho bà con vươn lên thoát nghèo và hướng đến làm giàu.

Nuôi bò lai, hướng đi mới cho phát triển chăn nuôi ở huyện miền núi Tuyên Hóa. Ảnh: T. Hải

Nuôi bò lai, hướng đi mới cho phát triển chăn nuôi ở huyện miền núi Tuyên Hóa. Ảnh: T. Hải

Tăng cường hỗ trợ

Để phát huy tiền năng đất đai, đồng cỏ của huyện miền núi, những năm qua huyện Tuyên Hóa có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đàn bò lai để tăng hiệu quả chăn nuôi gia súc. Theo ông Đinh Xuân Thương, huyện đã chỉ đạo các xã điều chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất để khuyến khích nông dân trồng cỏ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân xây dựng trang trại, gia trại, đưa các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào chăn nuôi. “Việc đưa các loại giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào chăn nuôi đã góp phần nâng cao chất lượng đàn bò lai trên địa bàn"- ông Phương nói.

Để người dân từng bước tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, Phòng NN - PTNT huyện đã tổ chức gần 150 lớp tập huấn cho trên 4.000 lượt người về kỹ thuật chăn nuôi bò lai; kỹ thuật trồng cỏ, kỹ thuật ủ rơm, ủ chua, ủ xanh thức ăn cho trâu, bò. Thông qua các lớp tập huấn, nhiều hộ dân đã tận dụng hết các nguồn phụ phẩm nông sản tại chỗ, như: rơm, thân cây ngô, lạc... làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong mùa mưa rét, chủ động trồng ngô thân, lá vụ đông làm thức ăn cho trâu, bò.

Nhằm tạo đà cho phong trào nuôi bò lai trên địa bàn, Tuyên Hóa đã hỗ trợ cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và các hộ chăn nuôi tham quan những mô hình hiệu quả về chăn nuôi bò lai, vỗ béo bò, trồng cỏ tại các doanh nghiệp điển hình như Công ty Sinh thái Cát Ngọc (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh), Công ty TNHH Lê Dũng Linh (xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch) và các tỉnh lân cận.

Qua đó, phong trào hình thành nhóm hộ, THT, HTX chăn nuôi bò lai từng bước phát triển, tạo điều kiện để các hộ nuôi trao đổi thông tin về kỹ thuật, kinh nghiệm, thị trường, liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn huyện đã có 20 THT, 2 HTX chăn nuôi bò lai đang hoạt động hiệu quả.

Đối với từng hộ gia đình đăng ký cải tạo đàn bò, nuôi bò lai, huyện cũng đã hỗ trợ nguồn kinh phí ban đầu để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con. Tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án, từ năm 2016 đến nay, huyện Tuyên Hóa đã hỗ trợ mua bò lai với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng.

Cùng với việc chú trọng các giải pháp về kỹ thuật, nguồn giống, huyện Tuyên Hóa còn đã quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác thú y, phòng, chống đói rét cho vật nuôi. “Chúng tôi cũng đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân xây dựng chuồng trại hợp lý, có hệ thống thu gom, xử lý chất thải nhằm tận dụng tối đa nguồn phân bò để phục vụ sản xuất các loại cây trồng, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi”- ông Phương nói thêm.

Đàn bò lai sẽ cho thu nhập cao cho các gia đình ở vùng miền núi Tuyên Hóa. Ảnh: T. Hải

Đàn bò lai sẽ cho thu nhập cao cho các gia đình ở vùng miền núi Tuyên Hóa. Ảnh: T. Hải

Thoát nghèo và làm giàu

Theo Phòng NN - PTNT Tuyên Hóa, hiện địa phương này có gần 550 ha diện tích trồng cỏ để phát triển chăn nuôi. Tổng đàn bò có trên 16 ngàn con, trong đó 1.100 con bò lai. Nhiều địa phương có đàn bò lai lớn như xã Thạch Hóa, Tiến Hóa, Mai Hóa, Đồng Hóa…

Nhờ những chủ trương tích cực nên trong thời gian trong vòng 5 năm gần đây, tỷ lệ bò lai ở Tuyên Hóa tăng dần. Hàng ngàn hộ chuyển dần từ giống bò địa phương sang nuôi bò lai. Trong số đó, trên 200 hộ có từ 5 con đến hàng chục con.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Nhường ở Đồng Lê (Tuyên Hóa). Gia đình ông có thâm niên nuôi bò hàng chục năm. Tuy nhiên, do nuôi giống bò cóc địa phương thu nhập không được nhiều. Được dự các lớp tập huấn về bò lai và về chính sách cải tạo chất lượng cao nên ông quyết định chuyển hướng nuôi bò lai.

Cách đây khoảng 5 năm, gia đình ông mua hai con bò cái lai Sind về nuôi. Ông còn được Trạm Khuyến nông huyện tư vấn kỹ thuật và phối giống cho bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Sau đó, ông Nhường có 2 con bê lai và xuất bán mỗi con hơn 15 triệu đồng.

Ông Nhường so sánh: “Nếu với bê cóc giống địa phương thì chỉ bán được từ 5 - 6 triệu đồng. Trong khi đó, bê lai mang lại hiệu quả cao gấp vài lần”. Từ cặp bò lai ban đầu, đến nay, đàn bò lai của ông Nhường có gần 20 con. Mỗi năm, chỉ với việc xuất bán bê lai cũng cho gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng.

Từ mô hình của ông Nhường, hàng chục hộ khác cũng học theo, chuyển từ nuôi bò cóc sang bò lai. Bà Hoàng Thị Lan, hàng xóm của gia đình ông Nhường, cách đây hơn hai năm có mua cặp bò giống để nuôi. Đến nay, đàn bò có 4 con. Tháng trước, nhà bà Lan bán một con bò sinh sản được gần 50 triệu đồng.

Bà La bảo: “Trong đàn có hai bò sinh sản đang chửa. Nếu mọi chuyện thuận lợi thì đến cuối năm sẽ có được cặp bê rồi. Khi đó giá bán của cặp bê này cũng được bốn, năm chục triệu đồng đó. Nói chung là nuôi bò lai thì thoát nghèo là điều chắc chắn. Còn muốn làm giàu thì phải đầu tư thêm chuồng trại, đồng cỏ để chủ động thức ăn cho bò”.

Định hướng chăn nuôi tăng trưởng đàn bò là phát huy thế mạnh về tiềm năng của vùng miền núi ở Quảng Bình. Ảnh: T. Hải

Định hướng chăn nuôi tăng trưởng đàn bò là phát huy thế mạnh về tiềm năng của vùng miền núi ở Quảng Bình. Ảnh: T. Hải

Ở xã Đồng Hóa, gia đình ông Nguyễn Đăng Khoa cũng nhờ nuôi bò lai đã thoát nghèo và có thu nhập khá cao, ổn định. Theo ông Khoa, từ năm 2017, khi chuyển hướng nuôi bò lai, ông được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi bò, được tư vấn kỹ thuật về phối giống cũng như cách làm thức ăn.

Đến nay, đàn bò lai của gia đình ông được 10 con. Mỗi năm, đàn bò sinh sản 4 - 5 bê con. Sau thời gian nuôi khoảng 6 tháng có thể xuất bán với giá từ 15 - 20 triệu đồng/con. “Đó là khi cần tiền thì bán chứ nếu không để bê lại nuôi trưởng thành thì bán giá gấp đôi, thu nhập cũng được nhiều tiền hơn và bán lúc nào cũng được”, ông Khoa bộc bạch.

Thời gian tới, huyện Tuyên Hóa sẽ tập trung ưu tiên phát triển các trang trại, THT, HTX chăn nuôi bò lai. Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chúng tôi sẽ triển khai đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và áp dụng quy trình chăn nuôi bền vững, khép kín gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường”.

Tuyên Hóa đang tiến hành quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung tại các xã có lợi thế, như Thạch Hóa, Cao Quảng, Lê Hóa, Kim Hóa... Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi; quy hoạch vùng trồng cỏ, chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém chất lượng sang trồng ngô lấy thân, lá nhằm tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để phát triển chăn nuôi.

Tuyên Hóa đang thử nghiệm mô hình bò 3B tại xã Châu Hóa do Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật. Đây là giống bò mới, có nguồn gốc từ giống bò nhập ngoại có những đặc điểm nổi trội. “Với mô hình bò siêu thịt này, huyện dự kiến sẽ xây dựng kế hoạch nhân rộng ra các xã trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng nguồn giống, phát triển tổng đàn. Phấn đấu đến năm 2025, duy trì và phát triển đàn bò khoảng 17 ngàn con với tỷ lệ bò lai chiếm trên 80% tổng đàn"- ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng NN - PTNT huyện cho hay.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Tạo cú hích cho Đề án 1 triệu ha lúa trong vụ đông xuân 2024-2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều giải pháp, mô hình đồng bộ sẽ được triển khai phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.