| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Về miền... cháy nắng

Thứ Năm 08/07/2010 , 17:19 (GMT+7)

Sát trưa, chúng tôi mới về đến được trụ sở UBND xã Quảng Tiến (Quảng Trạch - Quảng Bình). Người dân nơi đây đang bức bối, khổ sở vì nắng hạn...

Sát trưa, chúng tôi mới về đến được trụ sở UBND xã Quảng Tiến (Quảng Trạch - Quảng Bình). Ông Tạ Quang Vĩnh - Bí thư Đảng ủy xã đẩy chiếc quạt đến gần khách, giải thích: “Nắng nôi vầy, anh ngồi gần gió tí cho hạ nhiệt kẻo đến 11 giờ là hết đó...”. Ông Vĩnh chưa dứt câu đã thấy ánh sáng trong phòng đột ngột tụt xuống và cánh quạt uể oải lắc thêm mấy vòng rồi đứng lìm. Cúp điện!

Nỗi khổ cúp điện vẫn chưa sánh được cảnh cháy nước sinh hoạt. Quảng Tiến được xếp vào vùng bán sơn địa, người dân ở đây thường ví là vùng “đồng khô, cỏ cháy”. Hai bên con đường về xã, đám cỏ lau, cỏ lách cháy trắng. Vào những trưa hè nhiệt độ lên đến 40 độ, có khi đá muối trắng phát nổ sinh lửa bén vào cỏ khô và cháy rừng như bỡn. Cách đây mấy năm, tổ chức phi chính phủ ICO về khảo sát và hỗ trợ xây cho Quảng Tiến 75 giếng nước. Hiện nay chỉ còn khoảng một nửa số giếng này còn nước, nhưng cũng chỉ được vài tấc so với đáy nên ai nhanh chân lấy được vào buổi sáng thì được. Khi giếng cạn và người tiếp theo phải chờ đến cả buổi mới có được thùng nước thứ 2.

Ông Tạ Quang Vĩnh: “Hơn 100 ha ruộng đồng Hà Tiến bỏ hoang vì không có nước...”

Cả xã có 4 thôn gồm Văn Hà, Hà Lưu, Hà Tiến, Đồng Tiến thì tất đều lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Căng nhất là 2 thôn Văn Hà và Hà Lưu. Do địa thế nằm hơi cao so với Khe Sâu nên tất tật giếng nước đều trơ đáy. Người dân dùng nước tận dụng móc lên từ lòng khe hoặc đi mua. Thôn có 2 xe công nông đầu ngang (dù đã cấm nhưng ở vùng hẻo này chẳng có ai kiểm tra) được đưa vào “kinh doanh"... nước. Anh Trần Văn Khánh (thôn Hà Lưu) chủ xe công nông cho hay: “Tôi mua lấy tấm bạt ni lon phủ lên thùng xe rồi chạy đến mấy xã còn nước mua. Cứ bơm đầy 1 thùng (chưa tới 2 m3 nước) là trả cho người bán 20 ngàn. Chạy 5-7 cây số đưa về bán lại cho bà con. Nhà nào mua là tôi cắm máy bơm kéo ống xả nước tận bể. Mỗi lần vậy thì lấy 70 ngàn đồng. Trừ tiền dầu, tiền mua nước thì mỗi chuyến lãi 25 ngàn đồng. Có khi chạy cả ngày cũng được 4-5 chuyến, vì nước thì nhà ai cũng cần...”.

Không chỉ nước dùng cho sinh hoạt. Đến Quảng Tiến nước gì cũng bán được. Anh chàng Khánh còn “được” bà con đặt hàng mua nước ao hồ với giá mỗi thùng phuy (100 lít) với giá 20 ngàn đồng. Nước này dùng để phục vụ xây dựng công trình. Tại nhà ông Lê Văn Dũng ngổn ngang vật liệu. Ông người đầy mồ hôi kể lể: “Ngày giờ thì ấn định rồi. Ky cóp mãi mới gần đủ tiền sửa lại căn nhà. Đúng vào lúc hạn hán, nước khô ráo, vậy là phải mua. Nào là nước trộn hồ, nào là nước bảo dưỡng tường... Không lẽ vì thiếu nước mà dừng công trình lại thì biết đến bao giờ mới xong. Tiền công thợ tính ra hết khoảng 5 triệu đồng và tiền mua nước tăng thêm cũng chừng đó nữa. Thật là thiệt đơn, thiệt kép...”.

Chảy vòng vèo ôm lấy chiều dài Quảng Tiến là con Khe Sâu. Mùa mưa lũ, nước Khe Sâu dâng cao đến 4-5 m, chảy ào ào như thác. Bây giờ thì nó như con sông chết bởi không còn một dòng chảy nào cho dù nhỏ nhất. Ở những chỗ con khe uốn khúc thì còn lại vũng nước vàng quạch, nổi váng nhờn nhợt... Nước đó khó dùng được, bà con chọn những chỗ đáy khe có cát đào xuống chờ nước rỉ ra lấy mà dùng hay tắm giặt. Bên “ao” nước giữa đáy Khe Sâu, chị Phạm Thị Lý (thôn Văn Hà) đang cố gạn múc lấy thùng nước mang về nhà. Hôm qua, may có cơn mưa rào đúng vào khúc giữa con khe nên nước được đầy lên chút, nhưng lại đục ngầu. Vừa lấy nước chị vừa than: “Nhà có cháu nhỏ nên tắm nước bẩn là nó lên hết rôm sảy, tội lắm. Có khi hố nước đó tràn đầy bọt xà phòng rồi cũng phải đưa về nhà mà dùng, không lấy mô ra".

Người dân Quảng Tiến tranh thủ lấy nước động ở Khe Sâu dùng cho sinh hoạt

Cách Khe Sâu khoảng 100 mét là nhà cụ Phạm Thị Thảo, 71 tuổi. Cụ đứng bên chiếc giếng to sát sân nhà, nhìn xuống giếng một hồi rồi nói: “Giếng này do cụ ông thuê người đào sâu gần 20 m, được xếp vào to lớn nhất vùng. Vậy mà nó kiệt nước hơn tháng nay rồi. Nhà tôi về đây ở đúng 35 năm chỉ có 2 lần hạn làm khô giếng. Đó là vào hồi năm 2004, giếng cạn nước độ 2 tuần. Còn năm nay thì cạn riết hơn tháng nay rồi không biết khi mô có nước. Mà chắc còn lâu vì khe Sâu cạn rốc lên rứa thì lấy nước mô cho giếng có...”.

Nói về cái cần nhất của người dân Quảng Tiến, Bí thư Vĩnh trả lời ngay không chần chừ: “Nếu có được nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ (khoảng vài chục tỷ đồng) cho làm đập tràn Khe Am thì giải quyết được cái gốc nước tưới, nước sinh hoạt cho toàn bộ người dân. Lúc đó, diện tích lúa sẽ được mở rộng được 150 ha và đưa vào sản xuất 2 vụ; rồi cây tiêu, cây hoa màu khác có nước cũng sẽ phát triển tạo nguồn thu cho người dân. Nói thật, nếu không có đập hồ Khe Am thì tỷ lệ đói nghèo 37% của Quảng Tiến khó mà hạ thấp được...”.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm