| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam hay cãi!

Thứ Bảy 13/02/2021 , 14:10 (GMT+7)

Dân Quảng Nam khá lợi khẩu nên mang tiếng 'Quảng Nam hay cãi' là vì thế.

Thậm chí có chuyện vui ở Sài Gòn rằng có ông luật sư mở văn phòng, mãi không ai chịu thuê cãi ông bèn thay cái bảng có dòng chữ “Luật sư Nguyễn Văn A - Người Quảng Nam”, thế là thiên hạ đến thuê cãi không kịp.

Quê tôi người dân ít khi trả lời thẳng câu hỏi, họ luôn có lối nói giàu hình tượng hoặc trả lời bằng câu “phản vấn”, người xứ khác mới nghe rất khó chịu. Bà tôi là minh chứng rõ rệt nhất cho tính cách được xem là “đặc sản” của Quảng Nam này. Tôi nhớ có hôm bà đi chợ về, người hàng xóm hỏi:

- Chị Khóa đi chợ về hở?

Bà trả lời ngay:

- Chớ mi thấy có ai đi chơi mà bưng cái mủng ri hông? (cái mủng là cái thúng).

Bữa bà đi tháo nước ruộng về, ông tui đi chơi đờn bên đám về, hỏi bà:

- Bà đi đồng về hở?

Bà “đốp” ngay:

- Ông không thấy tui vác cái cuốc đây à?

Nếu bạn đến xứ Quảng mà hỏi đường lập tức bạn sẽ được trả lời bằng câu hỏi ngược lại. Ví dụ:

- Bác cho con hỏi phải đường này đi Hội An không vậy bác?

- Mi hông đi đường nớ thì mi đi đường mô?

Nếu bạn nghe trả lời như vậy là bạn đi đúng đường rồi, không cần thắc mắc gì thêm.

Ngoài ra quê tôi còn có kiểu “nói gay”, giống như nói móc, nói mỉa của vùng khác.

Nhiều lúc chị Ba gọi điện vào, bận quá tôi chưa kịp trả lời, khi gọi lại chị sẽ nói:

- Làm chức chi to hung mà dẹn (dặn) đến nỗi không nghe máy hở em?

Chữ “dặn” quê tôi tức là “bận rộn”. Nhiều lần tôi về quê tôi rủ chị vào Sài Gòn chơi chị nói: “Làm nông dẹn đén (dặn đắng) em ơi.”

Tôi không phải nhà nghiên cứu về ngôn ngữ nhưng tôi thấy người quê tôi dùng từ rất ngắn gọn, ví dụ thay vì nói “kính biếu” họ chỉ cần nói “kỉnh” “Mẹ biểu cháu kỉnh bác nải chuối ăn lấy thảo” hoặc thay vì nói: “Làm giống như vậy này” thì họ chỉ cần nói: “Làm in ri!”

Sau này về Quảng Nam tôi đã được nghe khá nhiều câu chuyện về đặc trưng tính cách người Quảng. Người Quảng Nam mang đậm dấu ấn của nền “văn hóa khai khẩn”, ăn to nói lớn, hồn nhiên, hài hước và quyết liệt. Một trong những người mang đậm tính cách đó mà tôi biết phải kể đến là ông Nguyễn Sự. Mỗi lần điện thoại cho tôi, ông đều kết thúc bằng câu dặn dò rặt giọng Quảng: “Mi về Quảng Nom nhớ ghé tau chơi nghen”. Cái giọng đặc cứng nhưng chứa chan tình cảm, mỗi lần về thăm quê tôi đều tranh thủ ghé thăm ông.

Góc phố Hội An. Ảnh: Gia Minh.

Góc phố Hội An. Ảnh: Gia Minh.

Hội An quá quen thuộc với tôi từ thuở ấu thơ, những căn nhà cổ nhỏ xíu rêu phong trầm mặc trước thời gian hấp dẫn biết bao du khách, nhưng đối với tôi, sự cuốn hút và hấp dẫn của Hội An nằm ở con người.

Tôi nói với nhạc sĩ Cao Hồng Sơn: “Phong cảnh dù đẹp như bồng lai thì cũng sẽ vô hồn và nhàm chán nếu không có con người”. Nguyễn Sự đã góp phần làm nên linh hồn của Hội An, khi nhắc Hội An người ta nghĩ ngay đến Nguyễn Sự và ngược lại, ông là người khiến tôi càng thêm yêu quý và trân trọng mảnh đất này.

Trong những lần rong ruổi ở Hội An, từ những bà lão ngồi bên gánh hàng rong, anh xe ôm đứng dưới giàn hoa giấy… tôi đã nhặt được những câu chuyện lạ lùng về ông. Nghe kể có năm trời u ám, mưa tầm tã suốt mấy ngày liền, nước từ trên nguồn cuồn cuộn đổ về, con sông Hoài đỏ ngầu không đủ sức đưa kịp nước ra biển khơi. Hội An chìm trong nước, Nguyễn Sự mình trần dầm mưa trèo lên ca nô hò hét chỉ đạo bà con bảo vệ con người, bảo vệ tài sản, bảo vệ phố cổ.

Lúc đó có người dân bị nước lũ cuốn trôi ngay trước mặt một thương lái đang điều khiển chiếc xuồng lớn chở hàng hóa, anh này bỏ mặc người bị nạn để chạy. Nguyễn Sự cho dừng ca nô cứu người và tức tốc đuổi theo gã lái xuồng kia. Trước khuôn mặt rắn như đá của ông, người kia lắp bắp thanh minh:

- Nghề của em không dám chống Hà Bá nên anh có bắt nhốt em em chịu chứ không biết làm sao.

Nguyễn Sự xáng cho anh ta bạt tai rồi nói:

- Tao tát cho mi nhớ cái tội thấy chết mà không cứu chứ bắt mi làm chi. Hà Bá ở mô mi chỉ tau coi?

Bị tát tai mà người này cám ơn rối rít.

Thời kỳ bao cấp, đói nghèo, chiến tranh biên giới khốc liệt. Lúc ấy anh nào được học sư phạm ra trường đi dạy học là may mắn lắm. Nguyễn Sự lúc ấy là thầy giáo giỏi. Trong cuộc họp hội đồng mọi người tranh cãi chuyện đường sữa. Nguyễn Sự đứng phắt dậy và nói: “Anh em người ta chiến đấu chết sống ngoài biên giới, ở đây bay cãi nhau về chuyện nhỏ mọn nớ, chẳng đáng mặt trượng phu. Tao nghỉ dạy đi nghĩa vụ đây”. Nói xong Nguyễn Sự rời trường và đi thẳng ra Ủy ban đăng ký vào quân đội.

Còn nhiều câu chuyện nữa được nghe kể, chẳng biết đâu là thật, đâu là người dân thêu dệt nên, nhưng tôi biết phần lớn các câu chuyện thể hiện rõ tích cách của nền văn hóa khai khẩn, và dù thật hay thêu dệt, đây cũng là cách người dân mảnh đất này thể hiện niềm yêu mến đối với Nguyễn Sự.

Ảnh: Gia Minh.

Ảnh: Gia Minh.

Hồi năm 1986, khi về quê tôi gặp ông già chăn bò đeo cây súng ngắn sề sệ bên hông kiểu mấy chàng cao bồi bên Mỹ. Anh Bảy tôi kể ông đó là Trần Đình Q., thời chiến tranh ông có nhiều thành tích nên được phong danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”. Sau năm 1975, ông được phân công làm Xã đội trưởng. Trong xã có cái chợ mà mấy bà vợ cán bộ cứ chiếm lề đường xây chòi tranh bán hàng, dẹp mãi không được, mỗi lần ông ra chợ bị mấy bà bán hàng ngồi bên trong xỉa xói: “Đồ thứ bợ đít vợ cán bộ”. Ông giận lắm, trong cuộc họp của xã ông tuyên bố: “Mấy ông về nói vợ dẹp mấy cái chòi vô nhà lồng mà bán không tuần sau tôi đốt chợ”.

Tưởng ông nói chơi, ai dè trưa ngày chủ nhật khi chợ tan, ông cầm mồi lửa đốt cháy rụi chợ Phú Đa. Ông bị ra tòa, tòa hỏi:

- Vì sao bị cáo đốt chợ?

 Ông trả lời:

- Ngày xưa tôi đi chiến đấu vì nguyện vọng của nhân dân, nay tôi đốt chợ cũng vì nguyện vọng của nhân dân.

Phiên tòa lưu động xử ông ấy như vỡ chợ vì nhân dân tung hô ông là anh hùng. Xét công trạng trong chiến tranh, ông bị xử án ba năm tù treo, thu hồi tước hiệu, ông đi giữ bò là vậy đó.

- Thế còn cây súng? - tôi hỏi.

-  Cây súng từ hồi chiến tranh ông được Trung ương tặng, xã tới đòi ông bảo: “Trung ương tặng tau, khi mô Trung ương đòi tau mới trả”. Trong khi chờ quyết định thu hồi súng ông cứ đeo đi giữ bò rứa đó, bọn trẻ gọi ông là: “Cao bồi Duy Phú”, ông rất khoái.

Chuyện ngang ngạnh đậm chất Quảng kiểu ông Q. từ xưa đến nay không hiếm ở quê tôi. Tôi cũng chưa thấy người vùng nào có khiếu hài hước thậm chí mang cả giọng nói của xứ mình ra tự giễu như dân Quảng Nam.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất