| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam: Nhiều mô hình nuôi dúi

Thứ Tư 01/04/2020 , 10:19 (GMT+7)

Những năm qua, con dúi đã giúp cho nhiều hộ gia đình ở Quảng Nam có được nguồn thu nhập ổn định, lãi hàng trăm triệu mỗi năm.

Dúi là động vật dễ nuôi, ít dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: L.K.

Dúi là động vật dễ nuôi, ít dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: L.K.

Đây là loại động vật dễ nuôi, ít dịch bệnh lại cho hiệu quả kinh tế cao. Có thể kể đến như mô hình nuôi dúi của anh Bùi Thanh Lương (33 tuổi, trú thôn An Mỹ, xã Bình An, huyện Thăng Bình).

Anh Lương biết đến con dúi từ năm 2016 và quyết định mua 10 con giống về nuôi thử. Thời gian đầu kinh nghiệm không có, dúi mua về đa phần là dúi săn được, bị thương nên sức khỏe không đảm bảo khiến dúi chết dần.

Không từ bỏ, sau đó, anh Lương lại tiếp tục lặn lội đến những người nuôi dúi thành công ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm và tiếp tục mua lại 15 cặp giống về nuôi.

Kinh nghiệm học hỏi được từ những lần đi thực tế đã giúp cho anh Lương có những thành công bước đầu.

Từ 15 cặp giống ban đầu, anh đã nhân đàn lên rất nhanh. Đến nay, trại nuôi của anh đã có đến hơn 200 con các loại, trong đó có 100 con dúi mẹ, 30 con dúi đực phục vụ sinh sản và các dúi nhiều tháng tuổi để bán giống và thương phẩm.

Anh Lương cho biết, việc nuôi dúi không quá khó khăn, chỉ cần chú ý một vài chi tiết là có thể thành công vì loài này có sức đề kháng tốt, ít nhiễm dịch bệnh.

“Thức ăn của dúi phải sạch sẽ, bỏ phần hư hỏng để chúng ăn không bị đau bụng. Không gian nuôi không cần rộng, chỉ cần ghép gạch men 0,5m2 thành ô vuông là đủ.

Loài này ngoài tự nhiên sống ở hang, hoạt động vào ban đêm nên chuồng trại cần ít ánh sáng, nhiệt độ thích hợp từ 25-30 độ, trường hợp nóng phải có biện pháp giảm nhiệt”, anh Lương chia sẻ.

Cũng theo anh Lương, khi đã đảm bảo được các yếu tố đó thì dúi sẽ phát triển và sinh sản nhanh. Trung bình mỗi năm, 1 con dúi mẹ sẽ đẻ được 3 lứa, mỗi lứa từ 1-4 con. Dúi nuôi khoảng từ 5-6 tháng là có thể xuất bán. Dúi trưởng thành có trọng lượng gần 2kg, giá thị trường vài trăm ngàn đồng/kg.

Từ những thành công ở các mô hình nuôi dúi ở các địa phương cũng như hiệu quả mà con vật này mang lại, tại huyện Đại Lộc, nhiều hộ gia đình đã quyết định thành lập Tổ hợp tác (THT) nuôi dúi gồm 8 thành viên với đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề khác nhau.

Anh Huỳnh Thế Toàn (Phó bí thư Huyện đoàn Đại Lộc – thành viên của THT) cho biết, việc thành lập THT nhằm mục đích để liên kết các hộ nuôi dúi để hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp con giống và đầu ra sản phẩm. Hiện nay, tổng đàn dúi của THT nuôi dúi Đại Lộc đang có khoảng 1.000 con.

Các thành viên trong tổ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm nên đã mang lại hiệu quả tích cực. Những sản phẩm dúi từ THT Đại Lộc đều được tiêu thụ hết, thậm chí không đủ nguồn cung cho thị trường.

“Dúi rất dễ nuôi, chỉ cần bỏ ra thời gian khoảng 1 giờ đi tìm tre, mía, cỏ voi là đủ cho dúi ăn cả tuần. Nuôi dúi ít tốn công chăm sóc, nếu bận chỉ cần bỏ thức ăn đủ trong ngày vào buổi sáng.

Như tôi đang có 30 dúi mẹ. Tính ra mỗi năm đẻ 3 lứa trung bình được 7 con, vậy tôi có 210 con. Mỗi năm trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu”, anh Toàn chia sẻ.

Để phát huy hiệu quả từ con dúi, nhiều người dân ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã thành lập Tổ hợp tác nuôi dúi để giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Ảnh: L.K.

Để phát huy hiệu quả từ con dúi, nhiều người dân ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) đã thành lập Tổ hợp tác nuôi dúi để giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Ảnh: L.K.

Cũng theo anh Toàn, với giá trị kinh tế mà con dúi mang lại cùng với đầu ra đang ổn định của con vật này, THT đang hướng đến nhân rộng mô hình, kêu gọi nhiều nhiều người dân trên địa bàn cùng tham gia để thành lập chuỗi cung ứng sản phẩm lúc khách hành cần số lượng lớn.

“Việc phát triển nuôi dúi sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều người nhàn rỗi có thêm thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống.

Thời gian đến, Huyện đoàn sẽ có hướng hỗ trợ người nuôi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi dúi được hiệu quả hơn”, anh Toàn nói.

Xem thêm
Chuyển giao nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y

ĐBSCL Kết quả nghiên cứu khoa học là cơ sở khuyến cáo vào thực tế sản xuất để bà con nông dân ứng phó kịp thời hiệu quả khi có dịch bệnh xảy ra.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...