| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam nơm nớp lo cúm gia cầm bùng phát

Thứ Ba 28/08/2012 , 10:01 (GMT+7)

Không dừng lại ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, những ngày gần đây vi rút cúm A/H5N1 tiếp tục tái bùng phát tại Quảng Ngãi...

Không dừng lại ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, những ngày gần đây vi rút cúm A/H5N1 tiếp tục tái bùng phát tại Quảng Ngãi khiến hàng nghìn con gia cầm bị nhiễm bệnh chết, phải tiêu hủy khẩn cấp. Trước tình hình trên, ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi trên địa bàn Quảng Nam đang phập phồng lo mầm bệnh lây lan ra diện rộng.

Chậm đăng ký mua vắc xin

Ông Nguyễn Văn Hòa – Trưởng trạm Thú y huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) cho biết, tính đến giữa tháng 8/2012, tổng đàn gia cầm của huyện khoảng 300 nghìn con, trong đó có gần 75 nghìn con vịt, còn lại đa phần là gà được nuôi theo phương thức nhỏ lẻ.

Theo ông Hòa, đợt 1 năm 2012 toàn huyện tổ chức tiêm 100 nghìn liều vắc xin phòng dịch cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm. Tuy nhiên, lượng vắc xin vừa nêu chủ yếu được tiêm cho đàn thủy cầm trên địa bàn 14 xã, thị trấn và một trang trại gà có quy mô hơn 7 nghìn con ở xã Duy Tân.

Ông Hòa nói: “Trong đợt bao vây, khống chế dịch cúm gia cầm hồi giữa tháng 2 năm nay, Duy Xuyên chỉ được phân bổ 100 nghìn liều vắc xin H5N1 chủng Re-5. Theo chỉ đạo của Chính phủ và ngành liên quan thì phải tập trung tiêm toàn bộ lượng vắc xin ấy cho những đàn vịt và một số trang trại gà có quy mô lớn. Vì vậy, không dưới 200 nghìn con gà nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ đều không được tiêm phòng. Bây giờ, vi rút cúm A/H5N1 đã tái bùng phát và đang gây hại nghiêm trọng tại nhiều tỉnh lân cận khiến chúng tôi thực sự lo lắng".

Theo ông Hòa sự lây lan của loại dịch bệnh nguy hiểm này là không có vùng cấm, trong khi đó muốn giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại thì yêu cầu mang tính bắt buộc là tỷ lệ đàn gia cầm được tiêm vắc xin phòng dịch phải đạt tối thiểu 80%. Đằng này, hơn 90% số gà hiện có ở Duy Xuyên lại không được tiêm phòng.

Ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Nam thông tin, trong đợt dịch xảy ra từ ngày 6/2 đến 5/3/2012 tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Đại Lộc có tổng cộng 14.050 con gà và vịt bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy bắt buộc. Để nhanh chóng khống chế sự lây lan của virút gây bệnh, lực lượng thú y toàn tỉnh đã tổ chức tiêm 500 nghìn liều vắc xin cúm A/H5N1 chủng Re-5 cho những đàn gia cầm ở các vùng có nguy cơ cao tái bùng phát dịch.

Tuy nhiên, theo ngành chuyên môn, đến nay những đàn gia cầm được tiêm phòng bao vây ấy đã không còn khả năng miễn dịch. Bởi, hiệu ứng của loại vắc xin này chỉ có tác dụng trong vòng 3 tháng.

Ông Nam lo lắng: “Hiện nay virút cúm A/H5N1 rất khó kiểm soát vì nó đang tồn lưu trong môi trường, nhất là trên đàn thủy cầm sống. Mới đây, qua khâu giám sát việc lưu hành virút cúm này cho thấy tỷ lệ bình quân chung của Quảng Nam là gần 10%. Những ngày qua, tại nhiều nơi trên địa bàn cả nước đã tái bùng phát dịch cúm gia cầm, thời gian tới nếu chính quyền các địa phương và người chăn nuôi không quyết liệt triển khai những biện pháp phòng bệnh tích cực thì chắc chắn đàn gà, vịt của Quảng Nam sẽ bị virút cúm A/H5N1 tấn công”.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, tính đến giờ này toàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 4,5 triệu con gia cầm các loại. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành thú y Quảng Nam đã rất nhiều lần yêu cầu các cơ quan liên quan ở 18 huyện, thành phố khẩn trương đề nghị người chăn nuôi đăng ký cụ thể lượng vắc xin, nhanh chóng tổng hợp và báo cáo cho Chi cục Thú y để sớm đặt mua về cung ứng nhằm kịp thời triển khai công tác tiêm phòng.


Phải duy trì thường xuyên khâu phun tiêu độc để kìm hãm 
nguy cơ tái bùng phát dịch CGC

“Để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, ngay từ bây giờ phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ra vào địa phận Quảng Nam. Đồng thời, yêu cầu bắt buộc hiện nay là phải duy trì thường xuyên khâu vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng trên phạm vi rộng”, ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Nam.

Thế nhưng, cho tới thời điểm này mới chỉ có huyện Điện Bàn đăng ký mua 13 nghìn liều, còn các địa phương khác thì chưa thấy... rục rịch. Ông Nam nói: “Đợt này, Quảng Nam không nằm trong diện được Chính phủ hỗ trợ vắc xin, vì vậy muốn tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình thì bắt buộc người chăn nuôi phải bỏ tiền ra mua. Bây giờ, hầu hết các địa phương đều chưa đăng ký nhu cầu, do đó chúng tôi không thể nhập vắc xin về dự trữ. Bởi, lỡ nhập về mà các địa phương không nhận, vắc xin hết hạn sử dụng thì biết lấy tiền đâu trả cho đơn vị cung ứng”.

Những giải pháp tình thế

Hì hục mang bình thuốc nặng trịch xịt tới xịt lui chuồng gà thịt gần 100 con của mình, bà Nguyễn Thị Trang – một người dân ở xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nói: “Bầy gà ni chẳng có lấy một con được tiêm phòng vắc xin. Khoảng 3 tuần nữa thôi là đồng loạt xuất chuồng, thế nhưng mấy ngày nay xem ti vi thấy nhiều nơi xuất hiện dịch cúm gia cầm, vợ chồng tui như ngồi trên đống lửa. Chừ phải lo mua hóa chất về phun tiêu độc thường xuyên chứ nếu con virút cúm A/H5N1 xuất hiện khiến đàn gà chết hết thì biết lấy tiền đâu nộp học phí cho tụi nhỏ”.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Trưởng trạm Thú y Duy Xuyên cho biết, để kìm hãm nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm, những ngày qua đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng tăng cường khâu giám sát, kiểm dịch tại các chợ buôn bán gà, vịt sống. Đồng thời, chi viện khẩn cấp cho chính quyền các địa phương hơn 300 lít hóa chất Benkocid để nhanh chóng triển khai vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng tại những ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ cao bị vi rút cúm A/H5N1 tấn công.

Theo ông Hòa, ngoài 28 chiếc máy bơm có động cơ do ngành thú y hỗ trợ cho 14 xã, thị trấn thì hiện nay nhiều nơi trên địa bàn huyện cũng đã trích ngân sách mua thêm một số máy phun nữa để phục vụ cho công tác này. Chẳng hạn như, xã Duy Phước vừa bỏ ra một số tiền không nhỏ mua 8 máy bơm động cơ về cấp cho 8 thôn.

Ông Nguyễn Thành Nam cho rằng, trong khi công tác tiêm phòng còn lắm bất cập thì giải pháp tình thế lúc này là ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải siết chặt hơn nữa khâu kiểm dịch tại những điểm buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm.

Theo ông Nam, nhất thiết các cơ quan hữu trách phải phân công trách nhiệm cụ thể cho từng người, tăng cường giám sát dịch đến tận hộ chăn nuôi. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người chăn nuôi nhận thức rõ tính chất nguy hại của vi rút cúm A/H5N1 và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.