| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam phát triển toàn diện nghề nuôi thủy sản

Thứ Bảy 07/12/2019 , 13:48 (GMT+7)

Với nhiều lợi thế để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản nhưng Quảng Nam vẫn chưa tận dụng được triệt để. 

Trước thực tế đó, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân nuôi trồng hiệu quả và bền vững hơn.

Tỉnh Quảng Nam có hơn 900km sông ngòi tự nhiên của 11 tuyến sông, phân bố đều khắp các vùng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, phía đông của tỉnh có đường bờ biển dài trên 125km cùng hệ thống sông Trường Giang chạy song song trên biển đã tạo lợi thế lớn cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản cả nước ngọt và nước lợ.

Tỉnh Quảng Nam có nhiều lợi thế nuôi trồng các loại thủy sản.

Ngoài ra, thêm thuận lợi nữa để Quảng Nam phát triển thủy sản chính là tiềm năng diện tích mặt nước rộng lớn với khoảng hàng chục ngàn hecta hồ chứa, lòng hồ thủy điện. Những năm gần đây, người dân đã bắt đầu tận dụng diện tích này để nuôi cá lồng bè.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, tính đến cuối tháng 10/2019, diện tích thả nuôi thủy sản toàn tỉnh là 7.900ha, sản lượng nuôi trồng đạt 22.700 tấn. Dự kiến đến cuối năm nay, sản lượng sẽ đạt 23.500 tấn, trong đó sản lượng thu hoạch thủy sản nước lợ ước đạt 15.500 tấn (12.000 tấn tôm và 3.500 tấn cua, cá); sản lượng thu hoạch thủy sản nước ngọt ước đạt 8.000 tấn.

Tương lai, Quảng Nam sẽ quy hoạch các vùng nuôi tôm với quy mô rộng lớn, áp dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Hữu Trường, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản – Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, với nước lợ thì trong tỉnh chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng còn thủy sản nước ngọt là nuôi cá lồng bè như cá dìa, cá diêu hồng. Để đảm bảo an toàn cho việc sản xuất, hàng năm, Chi cục đều đưa ra lịch thời vụ và tập huấn hướng dẫn người dân.

Tuy nhiên, do hiện nay, tình trạng nuôi trồng ở Quảng Nam vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra. Riêng trong năm 2019, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì trên địa bàn có khoảng hơn 61ha tôm bị nhiễm các loại bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp.

Với các loại cá lồng bè thì khoảng thời gian mùa hè thời tiết nắng nóng khiến cho một vài lồng xuất hiện cá chết, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất của người dân.

“Bên cạnh đó, công trình hạ tầng vùng nuôi, nhất là vùng triều còn sơ sài, chưa được nâng cấp. Môi trường nước sông có nguy cơ ngày càng ô nhiễm, khó kiểm soát nên việc nuôi trồng thủy sản chỉ thuận lợi đối với những hộ có đầu tư, nâng cấp công trình, có xử lý nguồn nước cấp và thoát.

Đối với nông hộ ít đầu tư hoặc nâng cấp công trình nuôi chưa đảm bảo thì hiện tượng dịch bệnh, nuôi không hiệu quả vẫn còn xảy ra”, đại diện Chi cục Thủy sản cho biết.

Tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra nhiều cơ chế để giúp các hộ dân phát triển nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện.

Nhận định được những thuận lợi và bất cập còn tồn tại trong việc phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương, tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định phê duyệt Phương án sắp xếp nuôi trồng thủy sản vùng Đông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2030. Mục tiêu của tỉnh là hướng đến nuôi trồng quy mô tập trung theo công nghệ cao.

Theo đó, đến năm 2030, hình thành từ 10 – 12 vùng nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp quy mô từ 20 – 100ha/vùng với tổng diện tích 526ha, chủ yếu tại huyện Núi Thành (356ha) và huyện Thăng Bình (150ha).

Đối với khu vực nuôi cá lồng/bè nước lợ/mặn đến năm 2030 tại các vùng cửa sông, ven biển huyện Núi Thành là 1.000 lồng. Ngoài ra, phương án còn quy định vùng bãi triều phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể (nghêu, hàu…) quy mô khoảng 100ha tại các bãi triều xã Tam Hải, Tam Hòa (huyện Núi Thành).

Cùng với đó, việc phát triển nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện cũng là một trong những vấn đề được tỉnh Quảng Nam quan tâm. Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì cần phải có những chính sách để khai thác toàn diện giá trị của lòng hồ thủy điện trong đó có việc nuôi trồng thủy sản.

“Tỉnh cũng đã ban hành cơ chế khuyến khích nuôi trồng thủy sản nước ngọt trong đó có cơ chế hỗ trợ cho địa phương, nhóm hộ thực hiện việc nuôi cá ở lòng hồ. Thứ hai là ban hành cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn trong đó mở rộng thêm đối tượng là HTX”, ông Thanh nói.

Theo đó, vào tháng 10/2019, UBND tỉnh này có quyết định hỗ trợ 19 dự án nuôi cá lồng thương phẩm tại các huyện với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Trong số 19 dự án nói trên có đến 17 dự án được triển khai trên lòng hồ thủy điện với tổng kinh phí hỗ trợ từ 90 – 100 triệu đồng/dự án. Theo quy hoạch, đến năm 2030, số lượng lồng cá nuôi trong các lòng hồ thủy điện đạt 2.800 lồng, sản lượng đạt 3.600 tấn.  

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.