| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ngãi: Bệnh đạo ôn diễn biến phức tạp trên lúa xuân

Thứ Hai 03/04/2023 , 07:05 (GMT+7)

Thời tiết ấm, lạnh xen kẽ, nhiều sương mù nên bệnh đạo ôn trên lúa đông xuân tại Quảng Ngãi bùng phát. Hiện tỉnh này đã có hơn 750ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn.

Vụ đông xuân 2022 – 2023, toàn tỉnh Quảng Ngãi gieo sạ gần 38.000ha lúa. Trong đó, trên 6.500ha lúa trà sớm đã chín và thu hoạch, gần 28.000ha chính vụ đang trong giai đoạn trổ đều - vào sữa; hơn 3.300ha đang vào thời kỳ làm đòng. Đối với trà chính vụ và trà muộn, thời gian qua, người dân đang tích cực chăm sóc, theo dõi đồng ruộng bởi đây là lúc cây lúa mẫn cảm cao, dễ chịu tác động của các yếu tố bên ngoài, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Empty

Gia đình ông Hồ Thanh Xuân (trú xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) có 3 sào lúa xuất hiện bệnh đạo ôn. Ảnh: L.K.

Cũng như các tỉnh ở khu vực miền Trung, vụ đông xuân ở Quảng Ngãi là vụ lúa được nông dân đặt nhiều kỳ vọng. Thế nhưng khoảng nửa tháng trở lại đây, thời tiết trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệnh nhiệt độ. Ban ngày nắng ấm, đêm và sáng sớm trời lạnh, kết hợp với sương mù đã tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại nặng. Đến nay, bệnh này đã xuất hiện trên nhiều diện tích ở hầu hết các huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi khiến người trồng lúa vô cùng lo lắng.

Ông Hồ Thanh Xuân (trú thôn 3, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức) cho biết, vụ đông xuân năm nay, gia đình ông sản xuất 5 sào lúa (sào 500m2). Cách đây 5 ngày, ông ra thăm đồng thì phát hiện một số đám ruộng có biểu hiện của bệnh đạo ôn khi trên lá lúa nổi dày đặc các chấm đem, một số vùng chuyển sang màu vàng, gié lúa bị khô.

“Hiện khoảng 3 sào lúa nhà tôi đã bị nhiễm. Nhiều vụ vừa qua, lúa nhà tôi cũng như bà con vùng này ít bị nhiễm đạo ôn lắm nhưng năm nay thời tiết sương mù nhiều khiến các đám ruộng dễ phát sinh bệnh đạo ôn. Tới đây, tôi phải mua thuốc về phun phòng trừ, nếu không chắc chắn sẽ bị lép hạt, khô bông, năng suất giảm. Công sức, tiền bạc đầu tư cho vụ này dễ mất trắng”, ông Xuân chia sẻ.

Thấy những ruộng lúa xung quanh đã nhiễm bệnh đạo ôn, ngày nào ông Nguyễn Trung Thành (trú thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) cũng thấp thỏm không yên. Hầu như ngày nào ông Thành cũng ra ruộng lúa của mình để kiểm tra, theo dõi. Ông Thành chia sẻ: “Hiện nay trời đang có sương muối, nếu bón phân không cân đối, thừa đạm thì chắc chắn bệnh đạo ôn sẽ phát triển và lây lan mạnh. Do đó, tôi phải theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện, phun thuốc phòng trừ chứ để bệnh nặng sẽ xử lý không kịp”.

Empty

Trên lá lúa xuất hiện các chấm đen, một số gié lúa đã bị khô. Ảnh: L.K.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, bệnh đạo ôn lá gây hại phổ biến trên trà lúa giai đoạn đòng - trổ với tổng diện tích nhiễm là 750,5ha. Trong đó, nhiễm nhẹ 538ha, nhiễm trung bình 171,5ha, nặng 41ha. Tỷ lệ phổ biến từ 5 - 10%, nơi cao từ 25 - 30% và phân bố ở hầu hết các huyện/thị xã đồng bằng và TP Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn cổ bông cũng phát sinh gây hại cục bộ trên trà lúa giai đoạn trổ đều - chắc xanh với tổng diện tích nhiễm 87,2ha. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 72,7ha; nhiễm trung bình 12,5ha và nhiễm nặng 2ha. Tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 3 - 8%, nơi cao từ 10 - 20%, phân bố ở huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Sơn Tây và thị xã Đức Phổ.

Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua kiểm tra nhiều địa phương, bệnh đạo ôn đã xâm nhập vào cổ lá, nếu không chủ động phòng trừ tốt thì bệnh sẽ ảnh hưởng đến cổ bông, gây thiệt hại lớn về năng suất, chất lượng lúa.

“Do đó, đối với bệnh đạo ôn cổ bông, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương và bà con nông dân cần chủ động phòng trừ trên những ruộng lúa đã có vết bệnh đạo ôn lá hoặc những ruộng lúa khi lúa trổ lá còn màu xanh tốt.

Bà con có thể sử dụng một trong các loại thuốc để phun phòng bệnh này như Fuji-one 40EC, Filia 525SC, BeamTMPlus 360SC, Map Unique 750WP… và một số loại thuốc khác đã có chỉ định trừ bệnh đạo ôn. Nên phun làm 2 lần, lần thứ nhất khi lúa bắt đầu trổ và lần thứ 2 sau khi phun lần thứ nhất từ 5 đến 7 ngày”, ông Vĩnh nói.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.