| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Bệnh đạo ôn rình rập bùng phát

Thứ Ba 28/03/2023 , 11:17 (GMT+7)

Trời mưa ẩm, âm u kéo dài, sương mù nhiều, độ ẩm cao... khiến nguy cơ cao bệnh đạo ôn trên lúa xuân bùng phát. Tại Nghệ An, đã có gần 450ha bị nhiễm bệnh.

Bệnh đạo ôn "đến hẹn" lại phát sinh

Hiện lúa xuân ở Nghệ An đang trong giai đoạn kết thúc đẻ nhánh, diện tích gieo cấy sớm bắt đầu vào giai đoạn đứng cái làm đòng. Thời gian qua, diễn biến thời tiết phức tạp, mưa ẩm, trời âm u kéo dài, sương mù nhiều, ẩm độ không khí cao khiến nấm bệnh đạo ôn có cơ hội phát sinh, phát triển và đã gây hại gần 450ha lúa xuân với tỉ lệ nhiễm bệnh 10 - 15%, cá biệt có nơi cao hơn.

Bệnh đạo ôn lá đã và đang phát sinh cục bộ tại một số địa phương tại Nghệ An.

Bệnh đạo ôn lá đã và đang phát sinh cục bộ tại một số địa phương tại Nghệ An. Ảnh: Phú Hương.

Tại huyện Hưng Nguyên, trên diện tích lúa được gieo cấy sớm ở các xã Hưng Lợi, Hưng Châu, Hưng Phú, Hưng Phúc…, bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại trên diện tích 130ha lúa xuân. Bà Nguyễn Thị Liên ở xã Hưng Lợi gieo cấy 4 sào lúa, hiện tại lúa đã vào giai đoạn đứng cái làm đòng. Ngày nào bà cũng ra đồng vừa thăm ruộng, vừa chăm sóc lúa nên ruộng lúa nhà bà rất tốt. Tuy nhiên những ngày gần đây, bà phát hiện cả 4 sào ruộng nhà bà ít nhiều đều bị nhiễm bệnh đạo ôn lá.

Đến xã Hưng Nghĩa, cách xã Hưng Lợi không xa, ông Trần Văn Hữu cho biết, trên đồng ruộng hiện nay có một số diện tích lúa xuân đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, chủ yếu tập trung nhiều ở các giống lúa TBR225, Thiên ưu 8, ADI 30…

"Bệnh này hầu như vụ lúa xuân năm nào cũng bị. Biện pháp tốt nhất là phát hiện sớm, phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu mà chúng tôi quen dùng như Beam 75WP, Filia 525SE… Phải phòng trừ ngay để bệnh không lây lan ra diện rộng và phòng khả năng bệnh lan truyền sang đạo ôn cổ bông sau này", ông Trần Văn Hữu cho biết thêm.

Tại huyện Yên Thành, vựa lúa lớn nhất tỉnh Nghệ An cũng đang lo lắng nguy cơ bệnh đạo ôn bùng phát mạnh trong thời gian tới. Ông Lê Văn Hồng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, đến thời điểm này, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh trên diện tích hơn 100ha lúa xuân ở các xã Văn Thành, Công Thành, Khánh Thành, Hợp Thành…, tỉ lệ nhiễm bệnh nơi cao nhất 10 – 15%. UBND huyện đã tổ chức họp triển khai các biện pháp phòng chống sâu bệnh nói chung và bệnh đạo ôn trên lúa xuân. Đồng thời, đã phân công cán bộ Phòng NN-PTNT cùng với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xuống các xã, cùng với cán bộ địa phương thăm đồng, kiểm tra phát hiện sớm các loại sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn để phòng trừ ngay khi bệnh mới xuất hiện.

Nông dân huyện Hưng Nguyên phun phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa xuân.

Nông dân huyện Hưng Nguyên phun phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa xuân. Ảnh: Phú Hương.

Tại huyện Diễn Châu, ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã có bệnh đạo ôn xuất hiện trên lúa xuân ở các xã Minh Châu (20ha), Diễn Nguyên (10ha), Diễn Phú (5ha)… "Đối với bệnh đạo ôn không thể chủ quan. UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo xuống tất cả các xã về việc chủ động phòng chống bệnh đạo ôn trên lúa xuân. Đồng thời phân công cán bộ kỹ thuật của Phòng NN-PTNT và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về từng xã cùng với cán bộ xã kiểm tra, phát hiện sớm, phòng trừ ngay, không để bệnh có cơ hội lây lan ra diện rộng", ông Hiếu cho biết.

Hiện tại, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An cũng đã phân công cán bộ phụ trách từng vùng, cùng phối hợp với cán bộ các phòng NN-PTNT, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành, thị bám sát đồng ruộng, điều tra, phát hiện sớm sự phát sinh của bệnh để chỉ đạo phòng trừ ngay.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn Nghệ An và Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh, thời gian tới, diễn biến thời tiết tiếp tục phức tạp, nắng, mưa, âm u đan xe…, rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, phát triển gây hại và lây lan ra diện rộng. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý trên diện tích đất cát pha, thịt nhẹ, vùng bán sơn địa, vùng có tiểu khí hậu đặc biệt do xung quanh đồng lúa có núi bao bọc… và trên các giống lúa hàng năm trong vụ xuân thường bị bệnh đạo ôn nặng như IR 1820, BC15, Thiên ưu 8, TBR 225, Xi 23, Nhị ưu 986, Nếp IR 352, AC5… và trên các ruộng đất hẩu, bón phân không cân đối, bón nhiều đạm thúc.

Lưu ý phòng trừ bệnh đạo ôn

Để ngăn ngừa và phòng chống bệnh đạo ôn có hiệu quả, bà con nông dân cần lưu ý một số đặc điểm cơ bản của bệnh đạo ôn:

0c885523b3da488411cb

Đạo ôn là bệnh rất nguy hiểm và từng gây thiệt hại rất nặng nề trên lúa xuân tại các tỉnh phía Bắc, nhất là vùng Bắc Trung bộ. Ảnh: Thanh Nga.

- Bệnh gây hại nhiều bộ phận trên cây lúa như: Lá (đạo ôn lá), cổ bông (đạo ôn cổ bông), cổ gié, đốt của cây lúa.

- Bệnh phát triển thuận lợi trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời từ 20 – 28 độ C, ẩm độ không khí trên dưới 90% (trời có mưa, mưa phùn và sương mù nhiều…).

- Thời gian ủ bệnh khoảng 5 – 6 ngày, tuỳ theo điều kiện nhiệt độ, cụ thể như sau: Từ 9 – 10 độ C, thời gian ủ bệnh từ 13 – 18 ngày; từ 17 – 18 độ C, thời gian ủ bệnh từ 7 – 9 ngày; từ 20 – 25 độ C, thời gian ủ bệnh từ 5 – 6 ngày; từ 26 – 28 độ C, thời gian ủ bệnh từ 4 – 5 ngày.

Đây là những đặc điểm quan trọng, bà con nông dân cần biết để tiến hành phun thuốc tiêu diệt bệnh khi vết bệnh đang ở giai đoạn cấp tính. Sau thời kỳ ủ bệnh, vết bệnh cấp tính sẽ biểu hiện ra ngoài bằng các đốm nhỏ màu nâu, sũng nước, lúc này bệnh chưa phát sinh bào tử. Nếu phát hiện muộn, vết bệnh chuyển sang mãn tính (có hình thoi) thì việc phòng trừ sẽ khó khăn. Lúc này phải phun kép, phun nhắc lại sau lần phun thứ nhất từ 5 – 7 ngày mới có hiệu quả, vì lúc này mỗi vết bệnh có thể phóng thích ra ngoài môi trường từ 2.000 – 6.000 bào tử.

- Một số thuốc hoá học có được sử dụng khi phun phòng chống bệnh đạo ôn có hiệu quả như: Filia 525 SE, Beam 75 WP, Newtec 300 SC, Katân 20 SC, Bankan 600 WP…, nồng độ pha theo khuyến cáo có ghi ở ngoài bao bì, phun ướt đều trên lá, không phun vào lúc trời mưa hoặc ngay sau khi trời mới mưa, lá lúa còn ướt đậm nước.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.