Tầu hoán cải, tàu mua đi, bán lại khó kiểm soát
Quảng Ngãi là một trong những địa phương có số lượng tàu cá khai thác thủy sản lớn của cả nước với đội tàu gần 5.300 chiếc. Trong số này, có 3.350 tàu dài từ 15 mét trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2021, thống kê trên địa bàn đã có 2.690 chiếc đã thực hiện lắp đặt để khai thác thủy sản (chiến 81%).
Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, những tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình gồm nhiều tàu lưới kéo nằm bờ (khoảng 400 chiếc). Một số khác thì chủ tàu trong tỉnh đã bán cho ngư dân tỉnh khác nhưng chưa rút hồ sơ khỏi Chi cục.
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, những tàu lưới kéo nằm bờ đa số làm ăn thua lỗ, giấy tờ bị ngân hàng giữ, tàu vẫn nằm đó nên bây giờ cắt hoặc xóa đăng ký thì không đúng theo quy định của Luật Thủy sản và 1 số tàu khác đang tìm cách để bán để trả nợ ngân hàng.
“Vừa rồi tỉnh cũng đã rà soát số tàu này. Nhưng đặc thù của tỉnh Quảng Ngãi là nhiều tàu nằm ở ngoài tỉnh, chủ tàu cũng không có ở địa phương. Thậm chí, nhiều trường hợp bỏ tàu đi địa phương khác làm ăn. Ngay cả xã cũng không biết tàu đó nằm ở đâu, liên hệ với chủ tàu cũng không được nên lập danh sách các tàu đó rất khó. Năm vừa qua, chúng tôi cũng đã tổ chức rà soát rồi nhưng chưa cụ thể. Đợt này sẽ đề nghị địa phương xác định cụ thể các tàu này đang nằm bờ ở đâu”, ông Mười nói.
Cũng theo ông Mười, đối với những tàu theo quy định phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa lắp thì Chi cục Thủy sản cũng đang tham mưu cho Sở NN-PTNT lập danh sách và gửi hết cho lực lượng Biên phòng, các Cảng cá và địa phương (các huyện, thành phố) để tuyệt đối không cho hoạt động và xử lý; đồng thời, các địa phương cũng tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu để thực hiện đúng theo quy định.
Một vướng mắc khác mà tỉnh Quảng Ngãi đang mắc phải là những tàu có công suất nhỏ (dưới 90 CV) nhưng lại có chiều dài trên 15 mét. Theo quy định cũ, số tàu này chỉ hoạt động ở vùng lộng, nghĩa là không ra vùng khơi, xâm phạm biên giới biển và đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, theo quy định mới, tàu dài trên 15 mét là tàu hoạt động ở vùng khơi nên bây giờ để cải hoán lại cho phù hợp là rất khó, chưa biết xử lý thế nào.
Do đó, nếu các chủ tàu có nguyện vọng cải hoán thì tỉnh này sẽ xem xét hạn ngạch để điều chuyển. Đối với những tàu có công suất trên 90 CV nhưng có chiều dài dưới 15 mét thì theo chủ trương của Bộ NN-PTNT, các chủ tàu trong tỉnh hầu như đã cải hoán hết.
Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, trước đây, theo quy định của Bộ NN-PTNT không có cải hoán tàu lưới kéo. Nhưng tỉnh Quảng Ngãi đã đưa vào cơ chế đặc thù của địa phương để cấp văn bản chấp thuận cho cải hoán tàu cá làm nghề này. Do đó vẫn còn vướng quy định khiến 1 số tàu chưa đăng kiểm được. Trong khi đó, nghề lưới kéo lại hoạt động liên tục nên máy nhanh xuống cấp.
“Nếu không cho chủ tàu thay máy thì tàu không hoạt động được. Mặt khác, kêu gọi ngư dân chuyển qua nghề khác thì đây là nghề truyền thống ở một số địa phương như trong tỉnh như xã Nghĩa Phú, Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi), xã Phổ Thạnh (TX Đức Phổ) nên giờ chuyển nghề khác rất khó.
Trước thực tế này, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trình hồ sơ lên UBND tỉnh cho chủ trương điều chỉnh lại văn bản quy phạm pháp luật cho phép các tàu lưới kéo được cải hoán, thay máy”, vị Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi nói thêm.
Nhanh chóng khắc phục những hạn chế
Nếu như trước đây, Quảng Ngãi là địa phương có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt là vùng biển Thái Bình Dương bị bắt giữ thì năm vừa qua, nhờ công tác tuyên truyền hiệu quả, tỉnh này đã không có bất kỳ tàu cá nào vi phạm.
Mỗi năm, các ngành chức năng trong tỉnh đã tổ chức 10 lớp chống khai thác IUU với mỗi lớp khoảng 50 – 70 người, có lớp hơn 100 người tham gia. Nhờ vậy, ngư dân trong tỉnh đã dần hiểu được những hậu quả của việc khai thác thủy sản bất hợp pháp để chủ động phòng tránh.
Mặc dù vậy, vì một số nguyên nhân khách quan và chủ quan thì vẫn có 1 số ít chủ tàu trên địa bàn vi phạm việc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình. Năm 2020, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đã xử lý 1 trường hợp mất kết nối với số tiền 25 triệu đồng và 1 trường hợp khác do sợ mất thiết bị nên chủ tàu đã tự ý gỡ thiết bị đem về nhà với số tiền 5 triệu đồng.
Về vấn đề kiểm soát tàu ra vào cảng thì hiện nay, các Văn phòng đại diện tập trung ở 2 cảng Sa Kỳ và Tịnh Hòa thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở giáo dục, khi có tàu vi phạm thì xử lý theo quy định. Hàng tháng, Chi cục Thủy sản cũng có thông báo danh sách các tàu mất kết nối, tàu vượt ranh giới để lực lượng Biên phòng cùng với các cảng cá phối hợp với Chi cục để khi tàu vào sẽ mời chủ tàu lên làm việc, xử lý.
Được biết, trong năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản của Quảng Ngãi đạt hơn 260.800 tấn. Trong đó có những sản phẩm xuất ra thị trường Châu Âu như cá chuồn, cá ngừ sọc dưa và cá ngừ đại dương. So với các địa phương khác như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa lượng thủy sản xuất đi thị trường Châu Âu không nhiều.
Trong đó, các tàu khai thác cá ngừ đại dương ở Quảng Ngãi trước đây thường vào cảng cá Tam Quan (Bình Định) để nhập hàng. Tuy nhiên, vừa qua, Cảng cá Tam Quan không còn là cảng cá chỉ định nên đã quay về cảng cá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) để được chứng nhận nguồn gốc khai thác. Tính riêng trong năm 2020, tỉnh này đã cấp giấy chứng nhận cho 127 trường hợp với sản lượng gần 1.700 tấn để xuất đi vào thị trường Châu Âu.
Ngoài cảng Sa Huỳnh thì tỉnh Quảng Ngãi có có 3 cảng cá khác chỉ định khác được phép xác nhận nguồn gốc thủy sản là Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ và Mỹ Á. Tuy nhiên, Quảng Ngãi có đội tàu rất lớn nên hầu như những cảng cá ở tỉnh này chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, cập cảng của tàu thuyển để phục vụ cho việc kiểm soát. Con số đáp ứng chỉ đạt khoảng 1.750 trên tổng số hơn 5.000 tàu.
Theo kế hoạch chống khai thác trái phép IUU, khắc phục những hạn chế này thì năm vừa qua tỉnh Quảng Ngãi cũng đã bố trí 1 số kinh phí để mua các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho cảng cá và Văn phòng kiểm soát nghề cá. Năm 2020, tỉnh này bố trí thêm kinh phí khoảng 3,5 tỷ. Đặc biệt, tại cảng cá Sa Huỳnh hiện nay đã bị bồi lấp rất nặng, vùng mặt nước còn lại rất thấp, hàng trăm tàu cá bị mắc kẹt dài ngày khiến ngư dân trễ các chuyến ra khơi.
Theo quy hoạch, Cảng cá Sa Huỳnh sẽ đáp ứng nhu cầu neo đậu cho hơn 500 tàu cá công suất từ 400CV trở lên. Tuy nhiên, do bị bồi lấp nên chỉ có thể đáp ứng cho dưới 300 tàu cá loại nhỏ đánh bắt gần bờ neo đậu, các tàu cá lớn phải đến neo đậu ở các cảng khác rất khó khăn.
Trước tình hình này, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ra quyết định về việc đầu tư khẩn cấp dự án nạo vét, thông luồng ra vào cảng cá Sa Huỳnh với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh. Với những chủ trương này, tỉnh Quảng Ngãi sẽ dần khắc phục được những tồn tại, hạn chế về hậu cần nghề cá. Từ đó thực hiện hiệu quả công tác phòng chống khai thác thủy sản trái phép theo IUU, từng bước gỡ thẻ vàng của EC.