| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh dừng chăn nuôi những khu vực không được phép

Thứ Sáu 23/08/2024 , 14:17 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Ninh sẽ áp dụng một số giải pháp trong ngành chăn nuôi, cụ thể, giảm chăn nuôi nông hộ, phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, chăn nuôi tập trung.

Quảng Ninh hướng đến xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Quảng Ninh hướng đến xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Qua đó, khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cảnh quan đô thị; phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh. 

Theo kết quả điều tra, thực trạng chăn nuôi ở khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thuộc diện không được phép chăn nuôi hiện có 1.282 cơ sở.

Thực tế cho thấy, các khu vực phường, thị trấn, khu dân cư tập trung còn rất ít hộ gia đình chăn nuôi và chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ (1-2 con lợn, 10-30 con gà) tận dụng thức ăn, sử dụng lao động thời vụ rảnh rỗi hoặc người đã quá tuổi lao động, chăn nuôi không phải là sinh kế chính, chuồng trại tận dụng, xuống cấp không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y.

Các khu vực này đất sản xuất nông nghiệp không còn nhiều, tỷ lệ phi nông nghiệp cao, trên 80%; có một số cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường sống dân cư, ảnh hưởng rất rõ trong sinh hoạt hằng ngày của người dân do tác động tiêu cực của chất thải, nước thải và mùi hôi chuồng trại.

Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ áp dụng một số giải pháp trong ngành chăn nuôi. Cụ thể, giảm chăn nuôi nông hộ, phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, chăn nuôi tập trung.

"Việc điều chỉnh quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực nội thành đến khu vực hội tụ đủ các điều kiện cho sản xuất chăn nuôi là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và các quy định của Luật Chăn nuôi", bà Thủy nhấn mạnh.

Từ đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ hình thành vùng, khu chăn nuôi tập trung, cơ sở sản xuất chăn nuôi quy mô lớn, an toàn sinh học nhằm thúc đẩy tăng trưởng, từng bước xây dựng ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Hiện, Quảng Ninh đã có vùng chăn nuôi gà Tiên Yên với quy mô hàng triệu con. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện, Quảng Ninh đã có vùng chăn nuôi gà Tiên Yên với quy mô hàng triệu con. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện, Sở NN-PTNT đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Nghị quyết được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý cho các địa phương và các cơ quan chức năng áp dụng triển khai thực hiện các quy định của Luật Chăn nuôi; thực hiện thành công Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh và Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc dừng chăn nuôi tại các khu vực không được phép sẽ góp phần giúp thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi tập trung công nghiệp, áp dụng các quy trình chăn nuôi hiện đại như VietGAP, HACCP, ISO..., góp phần nâng cao giá trị hàng hóa.

Theo bà Chu Thị Thu Thủy, để Nghị quyết đi vào thực tiễn, tỉnh sẽ bố trí quỹ đất cũng như có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi buộc phải di dời, để xây dựng các trang trại quy mô tập trung, áp dụng khoa học công nghệ.

Cụ thể, hỗ trợ vay vốn để người chăn nuôi đầu tư xây dựng chuồng trại tập trung, hỗ trợ tiền học nghề, chuyển đổi nghề khác không phải chăn nuôi. Từ đó, giảm bớt khó khăn cho các hộ buộc phải di dời, dừng chăn nuôi trong khu vực nội thị, nội thành theo quy định của nhà nước.

Ông Trần Hòa, Giám đốc Công ty CP Thiên Thuận Tường, chia sẻ: "Khi tỉnh Quảng Ninh có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, chúng tôi sẽ có kế hoạch hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ví dụ các nông hộ vào khu chăn nuôi tập trung, chúng tôi hỗ trợ đầu tư về con giống, thức ăn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho các hộ chăn nuôi".

Xem thêm
Hiểu rõ bản chất để truyền tải an toàn thực phẩm đúng cách

Xã hội càng phát triển, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch càng được chú trọng, để tránh tâm lý hoang mang, ái ngại không đáng có đòi hỏi phải truyền thông đúng cách.

Những đồi dứa hi vọng

Hà Tĩnh Sau cây cam chanh, cây dứa Cayen được huyện Vũ Quang định hướng phát triển thành cây chủ lực thay thế cho những rừng keo hiệu quả kinh tế thấp.

Bộ giống gốc ghép cây ăn quả trong nước còn đơn điệu

Ngoài ưu thế nổi trội, sự phát triển cây ăn quả còn hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng về quỹ đất, sự đa dạng của khí hậu và nguồn tài nguyên phong phú.