Về với xã Kỳ Thượng, một trong những xã miền núi xa xôi nhất của TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi được giới thiệu tới trại dúi của anh Bàn Văn Hồng (dân tộc Dao, trú tại thôn Khe Lương, xã Kỳ Thượng). Trước đây, kinh tế gia đình chỉ gắn với cánh rừng keo và mảnh ruộng sau nhà, dù lao động chăm chỉ nhưng cuộc sống vẫn còn vô vàn khó khăn
Tình cờ xem được bài báo về mô hình nuôi dúi thành công, năm 2018, hai vợ chồng anh Hồng quyết tâm chi toàn bộ số tiền tích góp và vay mượn thêm để mua dúi giống và xây dựng chuồng trại.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, anh Hồng bày tỏ: “Tôi tìm mua dúi của bà con đi rừng đào về, lúc đó mua có 40 đôi, bây giờ thì dúi đã tự sinh sản hoàn toàn. Giá dúi giống là 800.000 đồng/đôi khoảng 3-4 lạng, còn dúi thịt giá hơn 600.000 đồng/kg. Lúc đầu nuôi chưa có kinh nghiệm nên dúi bị bệnh chết, còn bây giờ thì hoàn toàn khỏe mạnh. Dúi dễ nuôi hơn các loại khác, mỗi ngày đi chặt tre mang về cho ăn, ngô thì tự trồng nên chi phí không tốn bao nhiêu”.
Cũng theo anh Hồng, dúi là loại động vật dễ nuôi, thức ăn là tre, ngô, mía, cỏ voi… Để chăm sóc dúi, cần lưu ý hạn chế tối đa ánh sáng và tiếng ồn bởi lẽ đây là loại vật ưa bóng tối.
Mỗi năm dúi mẹ sinh sản từ 2-4 lứa, mỗi lứa được 2-6 con. Dúi thịt sau 6-8 tháng sẽ có trọng lượng từ 1-1,5kg và có thể xuất bán ra thị trường. Từ 40 cặp dúi giống, đến nay, số lượng dúi của anh Hồng đã lên tới trên 300 con.
Đối với khu vực chuồng trại, anh Hồng sử dụng những viên gạch lót sàn để dựng thành từng ngăn riêng biệt với kích thước cạnh là 60cm. Việc chia thành từng ngăn sẽ giúp hạn chế lây lan bệnh và dễ dàng theo dõi quá trình sinh trưởng.
Chị Triệu Thị Hai (vợ anh Bàn Văn Hồng) cho biết: “Muốn chăm sóc dúi thì phải xem phân và xem thức ăn để kiểm tra xem dúi có ăn không, răng có bị gãy hay bị đau bụng không. Răng bị gãy thì dùng kìm cắt bằng, dúi đau bụng thì sử dụng thuốc. Dúi đẻ thì chăm sóc kỹ hơn, cho ăn cơm để dúi mẹ có sữa cho con bú”.
Hàng ngày, bên cạnh việc chăm sóc, theo dõi quá trình sinh sản của đàn dúi, hai vợ chồng anh Bàn Văn Hồng vẫn có thêm thời gian để phát nương, trồng keo. Chàng trai người Dao nhẩm tính, số tiền lãi hàng năm có thể trên 100 triệu đồng.
Hiện nay, nhu cầu của thị trường về dúi thương phẩm luôn rất cao, thậm chí trong nhiều thời điểm, anh Hồng không đủ nguồn hàng để cung cấp. Chính vì vậy, trong thời gian tới, hai vợ chồng anh Hồng dự định mở rộng thêm chuồng trại, tách biệt khu vực nuôi dúi sinh sản với khu vực nuôi dúi giống, dúi thương phẩm. Tại xã Kỳ Thượng, mô hình nuôi dúi của anh Hồng được xem là một trong những mô hình hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao.
Chị Bàn Thị Liên, Bí thư Đoàn thanh niên xã Kỳ Thượng chia sẻ: “Anh Bàn Văn Hồng là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế xã hội của thanh niên tại địa phương, anh có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dúi, đến thời điểm hiện tại trang trại dúi phát triển rất tốt. Đây cũng là mô hình được đoàn xã xác định là mô hình trọng tâm để nhân rộng ra trong thời gian tới”.
Với hiệu quả kinh tế đã đạt được từ mô hình, trang trại nuôi dúi của anh Hồng đã trở thành điểm đến của rất nhiều người dân địa phương đến học hỏi. Từ con dúi, những người dân nơi đây đã có thêm niềm tin về một cuộc sống ngày càng ấm no, đủ đầy, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo tại xã vùng cao.