| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh hướng tới nông thôn tiên tiến

Thứ Ba 17/07/2018 , 08:01 (GMT+7)

Quảng Ninh sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã có những bước tiến vượt bậc. 

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đã trao đổi với NNVN xung quanh vấn đề này.

Ông Đặng Huy Hậu

Ông có thể khái quát về nông nghiệp Quảng Ninh trước và sau khi thực hiện Nghị quyết 26?

Quảng Ninh có 125/125 xã, 13/14 đơn vị cấp huyện (trừ TP Hạ Long). Trước khi có NQ 26, tốc độ tăng trưởng về giá trị gia tăng ngành nông nghiệp 2,2%. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn 62,3%; lâm nghiệp 5,9% và thủy sản 31,8%; SX manh mún, chưa có nhiều quy hoạch định hướng phát triển cho ngành nông nghiệp, giá trị SX trên một đơn vị diện tích thấp.

Thu nhập người dân nông thôn đạt 4,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 (theo tiêu chí cũ) 5,18%; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo thấp.

Nông thôn Quảng Ninh đa dạng, có cả xã đồng bằng, miền núi, ven đô và hải đảo, trong đó xã miền núi là chủ yếu (96 xã), có 53 xã khó khăn (trong đó có 22 xã đặc biệt khó khăn). 43% lao động nông thôn sống rải rác ở vùng núi, hải đảo, biên giới. Bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, hiện trạng các xã so với Bộ Tiêu chí Quốc gia về NTM đạt thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư nhiều.

Sau 10 năm thực hiện NQ 26, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 3,6%/năm; Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng giá trị SX thủy sản tăng từ 31,8% năm 2008 lên 52,8% năm 2017; giá trị sản phẩm trên đơn vị canh tác tăng từ 61,74 triệu đồng/ha năm 2012 lên 121,9 triệu đồng/ha năm 2017.

Tỉnh đã xác định các sản phẩm chủ lực và các vùng SX hàng hóa nông nghiệp tập trung đều tăng, đã có 16/17 vùng tăng về quy mô, năng suất và sản lượng. Chuyển dịch nuôi trồng thủy sản từ quảng canh, quảng canh cải tiến sang thâm canh, diện tích nuôi thâm canh tăng 1.931 ha. Đội tàu khai thác xa bờ công suất từ 90 CV trở lên tăng 398 chiếc so với năm 2008 (tăng 3,5 lần). Công tác trồng và bảo vệ rừng được chú trọng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,43%, tăng 13,63% so với năm 2008.

Về thu nhập của người dân nông thôn tăng nhanh từ 4,5 triệu đồng/năm (năm 2008) lên 35 triệu đồng/năm (năm 2017), gấp 7,8 lần.

Về nông thôn, đến hết năm 2011, 100% số xã đã được phê duyệt quy hoạch và có đề án xây dựng NTM. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng NTM. Chương trình này được triển khai quyết liệt, chủ động, sáng tạo với cách làm riêng; đến nay đã có 50 xã đạt chuẩn NTM, 2 địa phương đạt chuẩn huyện NTM và 2 địa phương đang trình thẩm định phê duyệt đạt chuẩn.

10 năm qua, ông có thể đánh giá những mặt được và chưa được trong việc triển khai thực tiễn tại Quảng Ninh?

Theo tôi, đây là nghị quyết gắn với đời sống trực tiếp người nông dân, xã hội ở vùng nông thôn và nền SXNN, do đó được sự hưởng ứng vào cuộc, quan tâm của người nông dân, của cộng đồng xã hội và thực sự đi vào cuộc sống.

Hơn nữa, đây là điều kiện để các cấp lãnh đạo, xã hội nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc về đời sống xã hội nông thôn; là dịp tốt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tự cấp, SX manh mún, nhỏ lẻ sang SX hàng hóa theo cơ chế thị trường, khai thác thế mạnh nông nghiệp.

Trong quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết đã có chính sách mới, thỏa đáng cho phát triển nông thôn từ hạ tầng kỹ thuật, tổ chức SX đến nâng cao thu nhập cho người lao động nông nghiệp. Vì thế, 10 năm qua các số liệu đều tăng đáng kể, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày. Đặc biệt là khắc phục tư tưởng ỷ lại của người dân, phát huy sự sáng tạo, tự giác tham gia lao động SX, nhất là ở các vùng khó khăn….

Ngoài ra, cơ cấu lao động nông thôn đang chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ. SXNN có bước phát triển khá; giá trị đầu tư vào ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã tăng gấp 20 lần so với năm 2010.

Về hạn chế, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển biến chưa mang tính bứt phá theo thế mạnh, là lâm nghiệp và thuỷ sản. Kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Dịch bệnh vẫn xảy ra ảnh hưởng đến trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

10-09-37_dsc_24554
Thủy sản là thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh

DN ở nông thôn còn ít, quy mô nhỏ. Kinh tế hợp tác phát triển chậm, nhiều HTX hoạt động chưa hiệu quả.

Chất lượng lao động nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với yêu cầu, đòi hỏi của quá trình CNH-HĐH, nhất là ở vùng sâu, vùng miền núi, biên giới và biển đảo.

Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận cư dân tăng chậm; chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng ngày càng lớn.

Quản lý nhà nước còn nhiều vấn đề quan tâm, như quản lý thuốc BVTV; kiểm soát nông sản hàng hóa trên địa bàn; công tác môi trường tại vùng nông thôn còn yếu, nguy cơ cao về bệnh tật…

Theo ông, Quảng Ninh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm gì khi triển khai NQ26?

Chúng tôi đã xác định, tạo sự đồng thuận cao trong bộ máy lãnh đạo của tỉnh và cả hệ thống, xác định quyết tâm cao trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, ban hành các chính sách và phân cấp để thuận tiện thực hiện Nghị quyết.

Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền nông thôn thực sự trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả nhất là ở cơ sở; nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ cấp xã.

Lựa chọn đúng vấn đề trọng tâm, trọng điểm của nông nghiệp và xây dựng NTM cho phù hợp với đặc thù từng xã, huyện; xác định đúng khâu đột phá; ưu tiên tập trung nguồn lực cho SX, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh; tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để tạo ra sự chuyển biến căn bản về kinh tế hợp tác, phát triển DN nông thôn.

Phân cấp triệt để cho địa phương về xây dựng cơ chế và phân bổ nguồn lực để chủ động trong việc ban hành cơ chế, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ và huy động các nguồn lực. Tăng cường lồng ghép các chương trình MTQG để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của các chương trình cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phát huy dân chủ cơ sở, tiềm năng, thế mạnh từng địa phương để tạo thế và lực xây dựng NTM…

Là tỉnh công nghiệp nhưng lại có lợi thế về phát triển thủy sản và sản phẩm mũi nhọn, Quảng Ninh làm gì trong thời gian tới, thưa ông?

Quảng Ninh là tỉnh có đường bờ biển dài 250 km, diện tích mặt biển trên 6.000 km2, đây là lợi thế nổi trội mà ít địa phương có được.

Xác định kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực, có thương hiệu sản phẩm và các sản phẩm OCOP thủy sản, đặc biệt là sản phẩm thủy sản nằm trong nhóm các sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Quan tâm, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho DN đã, đang và sẽ đầu tư trong lĩnh vực thủy sản như: Tập đoàn Việt Úc đầu tư khu SX giống tôm và nuôi thương phẩm công nghệ siêu thâm canh, sau khi hoàn thành đầu tư dự án có khả năng cung cấp giống chất lượng cho nhu cầu SX của tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh khu vực phía Bắc; kêu gọi đầu tư vào Trung tâm SX giống nhuyễn thể tại Vân Đồn…

Bên cạnh đó, chương trình nuôi trồng sẽ được mở ra trong thời gian tới qua việc hợp tác với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, thu hút DN và KH- CN vào nuôi biển tại Quảng Ninh nhằm khai thác tiềm năng về biển cũng như cơ cấu thủy sản trong ngành nông nghiệp.

Hoàn thiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng nuôi thủy sản tập trung, các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; triển khai chính sách hỗ trợ SX, khuyến khích DN đầu tư vào thủy sản.

Tiếp tục triển khai Đề án OCOP, triển khai có hiệu quả Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa bàn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Hệ thống các chính sách hỗ trợ phát triển SX hàng hóa được tỉnh ban hành đồng bộ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đã khuyến khích DN, HTX, nông dân đầu tư phát triển SX, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.

Tập trung phát triển thông qua các vùng SX hàng hóa tập trung gắn với thương hiệu và Chương trình mỗi xã, phường 1 sản phẩm OCOP; Chương trình OCOP của tỉnh được Trung ương đánh giá cao và lựa chọn làm điểm để nhân rộng ra toàn quốc”, ông Đặng Huy Hậu.

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.