| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh: Tái đàn lợn cần chất lượng hơn số lượng

Thứ Sáu 12/06/2020 , 10:35 (GMT+7)

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Hộ nuôi lợn tại xã Bình Khê (TX Đông Triều) thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Ảnh: Anh Thắng.

Hộ nuôi lợn tại xã Bình Khê (TX Đông Triều) thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Ảnh: Anh Thắng.

Tái đàn - coi trọng chất lượng hơn số lượng

Nhờ sự nỗ lực phối hợp giữa lực lượng thú y và các địa phương trong việc chủ động phòng ngừa và ngăn chặn DTLCP, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã công bố hết dịch bệnh.

Tuy nhiên, để tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất, ngành nông nghiệp đang tập trung thực hiện các biện pháp hướng dẫn và hỗ trợ người chăn nuôi triển khai công tác tái đàn lợn theo hướng có kiểm soát và bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Đơn cử như tại TX Đông Triều (Quảng Ninh), công tác tái đàn lợn cũng đang được cách ngành chức năng quan tâm trong thời gian vừa qua.

Mặc dù số lượng tái đàn mới chỉ vào khoảng 10% trên tổng số 1.300 hộ chăn nuôi theo quy mô lớn, nhưng bước đầu các hộ chăn nuôi đã ý thức hơn trong việc gia cố trang trại, kiểm soát con giống, đảm bảo an toàn và phòng chống dịch bệnh.

Theo anh Phạm Văn Hoà, xã Bình Khê, TX Đông Triều cho biết: Gia đình tôi đang lên kế hoạch tái đàn lợn theo định hướng của ngành nông nghiệp địa phương, không tái đàn một cách ồ ạt, số lượng lớn, thay vào đó việc tái đàn được thực hiện chậm nhưng chắc, đảm bảo các yếu tố an toàn sinh học.

Hiện nay các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đều có đề án hỗ trợ cho người dân trong công tác tái đàn lợn, đặc biệt đối với khả năng cung ứng con giống đạt yêu cầu tái đàn theo quy định.

Theo đó, đề nghị các công ty giống lợn tại địa phương hỗ trợ giảm giá, giúp đỡ người dân trong bối cảnh "dịch chồng thêm dịch".

Tuy nhiên, Phòng Kinh tế những địa phương này cũng khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, tránh tâm lý nóng vội tái đàn mà mua giống lợn trôi nổi, chưa qua kiểm soát.

Sau khi DTLCP được khống chế và kiểm soát, nhiều trang trại và hộ chăn nuôi đã bước đầu tái đàn lợn để ổn định sản xuất.

Theo bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh Quảnh Ninh cho biết: Người dân trong thời điểm này nếu muốn tái đàn, cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch, đảm bảo yếu tố an toàn sinh học trước khi tái đàn, thiết lập hệ thống tiêu độc, khử trùng nghiêm ngặt.

Theo đánh giá chung của Chi cục Chăn nuôi- Thú y, sau đợt DTLCP vừa qua người dân đã tự nâng cao ý thức hơn trong công tác triển khai phòng chống dịch bệnh, lên kế hoạch tái đàn có nghiên cứu, thường xuyên trao đổi, lắng nghe khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn.

Tại thời điểm này, những cơ sở chăn nuôi nhập giống bên ngoài cần phải kiểm soát từ nguồn gốc của người bán giống, tạo con giống bảo đảm an toàn chất lượng phục vụ sản xuất. Đồng thời, thực hiện kê khai đầy đủ theo quy định.

Cùng với kiểm soát các hộ chăn nuôi bảo đảm tốt các điều kiện thực hiện tái đàn lợn, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chuyển sang các vật nuôi khác, duy trì sản xuất.

"Hiện các ngành chức năng đang gấp rút ứng dụng công cao trong sản xuất, nhân giống, công nghệ sinh sản tiên tiến như thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi...Chọn lọc, cải tạo nâng cao chất lượng, số lượng đàn giống. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các cơ sở giống, phát triển chăn nuôi trang trại", bà Thủy cho biết thêm.

Theo kế hoạch, toàn tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến cuối năm 2020 tổng đàn lợn đạt trên 352.000 con, trong đó có gần 314.000 con lợn thịt.

Toàn tỉnh hiện có 2 cơ sở sản xuất con giống lớn là Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, Công ty TNHH Buntaphan (Quảng Ninh); có 194 trang trại chăn nuôi, trong đó hơn 90 trang trại chăn nuôi lợn và hơn 10 trang trại liên doanh với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, có áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín bảo đảm vệ sinh môi trường nên không để xảy ra dịch bệnh.

Đây là “tín hiệu vui” cho việc tái đàn lợn một cách hiệu quả, hướng tới ổn định sản xuất, chăn nuôi lợn tại các địa phương trong thời gian tới. Qua đó, tăng lượng cung thịt lợn ra thị trường, kéo giảm giá thịt lợn xuống mức hợp lý.

Hướng tới chăn nuôi bền vững và thị trường thịt lợn ổn định

Để kịp thời định hướng, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã chủ động ban hành nhiều văn bản triển khai tới cấp cơ sở.

Trong đó, bao gồm các nội dung nhiệm vụ theo sát tình hình diễn biến thực tế, như hướng dẫn tạm thời khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn và tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; hướng dẫn kê khai hoạt động chăn nuôi; việc thẩm định và công bố hết dịch tả lợn châu Phi.

Về nguồn cung giống lợn, hiện trên địa bàn tỉnh hiện có 22.884 con lợn nái, trong đó có 3.045 con GP, GGP và 12.309 con PS. Nái GP và GGP chủ yếu được nuôi tại 4 công ty là Công ty Thiên Thuận Tường, Công ty Tuấn Long và Công ty TNHH một thành viên Nông lâm nghiệp Móng Cái; Công ty TNHH Minh Châu (giống nội có 895 con, giống ngoại có 2.150 con).

Năm 2020, với năng lực sản xuất giống tại chỗ của tỉnh có thể cung cấp nái bố mẹ đạt tiêu chuẩn khoảng 12.300 con. Như vậy đến hết quý IV/2020, có thể đạt được tổng đàn nái trên địa bàn tỉnh là 35.000 con.

Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác tái đàn tại trang trại các địa phương trong tỉnh. Ảnh: Anh Thắng.

Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác tái đàn tại trang trại các địa phương trong tỉnh. Ảnh: Anh Thắng.

Như vậy, quá trình tái đàn đựơc tỉnh Quảng Ninh lựa chọn hướng đi bền vững. Theo đó, để thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển ổn định đàn lợn, ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo việc tăng đàn tại chỗ ở các cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trên cơ sở bảo đảm nguồn con giống chất lượng trại sẵn có và nguồn giống tự sản xuất.

Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại an toàn sinh học, VietGAP, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; không khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ.

Tập trung phát triển đàn lợn nái giống nội, giống ngoại cần đảm bảo chất lượng trước khi cấp giống rộng rãi trên địa bàn nhằm chủ động nguồn cung con giống tại chỗ. Phát triển đàn lợn thịt và đẩy mạnh sản xuất các loại vật nuôi khác, phát huy lợi thế, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh để giữ mức tăng trưởng ngành ổn định 3-5% và cân đối thị trường thực phẩm.

Các địa phương cần dự kiến nhu cầu về giống lợn của địa phương để tăng khả năng cung ứng, cũng như kịp thời hỗ trợ giống tại chỗ theo từng quý, năm.

Lên kế hoạch đăng ký phù hợp giống lợn với các công ty sản xuất giống lợn trong và ngoài tỉnh, tuân thủ nghiêm túc quy định về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc và xét nghiệm âm tính đối với bệnh DTLCP theo hướng dẫn số 4249/HD-BNN-TY ngày 18/6/2019 của Bộ NN- PTNT về kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng có bệnh DTLCP.

Trên thực tế, việc ổn định chăn nuôi lợn vẫn được nhiều trang trại thực hiện có hiệu quả trong bối cảnh bệnh DTLCP dần được kiểm soát và khống chế trên địa bàn tỉnh.

Ngay từ cuối năm 2019, các trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh vẫn tiếp tục duy trì đàn lợn nái và tái đàn lợn thương phẩm với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu thịt trong dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm đó, tổng đàn lợn của tỉnh đạt 241.000 con, tăng 11.300 con so với trước thời điểm DTLCP lan rộng.

Mặc dù DTLCP cơ bản được khống chế trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng do đây là bệnh nguy hiểm đối với lợn, vi rút DTLCP có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường và các sản phẩm lợn, hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị nên nguy cơ tái phát dịch là rất lớn.

Khó khăn nữa là dù giá lợn hơi cao nhưng thị trường đầu ra không ổn định, nguồn lợn giống khan hiếm, giá lợn giống quá cao trong thời gian dài nên người chăn nuôi chưa yên tâm, mạnh dạn đầu tư để tái đàn.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất