Cấp bách trong bảo tồn sinh vật biển
Do thuận lợi về địa thế, biển Quảng Ninh có nguồn lợi thủy sản rất phong phú và đa dạng, nhưng những năm gần đây đang bị suy giảm đáng kể, nhất là nguồn lợi thủy sản ven bờ. Nguyên nhân chính là do tàu thuyền làm nghề khai thác thủy sản tăng nhanh về số lượng, kích cỡ và công suất.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh: Số lượng tàu có công suất dưới 90CV tại địa phương là 7.724 chiếc (chiếm trên 90%), dẫn đến cường lực khai thác vượt quá sức tải của nguồn lợi thủy sản ven bờ. Để tăng năng suất và giá trị, không ít ngư dân đã sử dụng các phương pháp cấm khai thác.
Một phương pháp được sử dụng phổ biến bởi những ngư dân có “trình độ cao” là sử dụng kích điện, phương pháp này thường được sử dụng vào thời tiết chuyển mùa, lượng nước biển giảm sâu. Anh Đỗ Tiến Huy, ngư dân có mặt tại Cảng cá Bạch Đằng, Phường Bạch Đằng, TP Hạ Long (Quảng Ninh), cho biết: Nhiều sinh vật biển thường ẩn nấp dưới lớn bùn, chỉ cần kích điện xuống đó là có ngay vài chục kg hải sản các loại để bán. Tuy nhiên với cách làm này, nguồn điện sử dụng phải có công suất lớn, cùng một diện tích ảnh hưởng, tất cả các loài sinh vật đều chết hàng loạt.
Nhiều phương pháp khác cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng, chủng loại như khai thác bằng giã cào... Bà Nguyễn Thị Sơn sống tại vùng ven biển Vịnh Hạ Long hơn 50 năm đã chỉ cho chúng tôi thấy mức độ nghiêm trọng trong quá trình duy trì sự sống của nhiều loài sinh vật biển: “Trước đây đi dạo quanh bờ biển, tôi dễ dàng bắt gặp những con ốc mượn vỏ chạy kín một dải cát. Đã rất lâu rồi, tôi không còn bắt gặp cảnh tượng này nữa.”, bà Sơn nói.
Nhận thấy sự cấp thiết của bảo tồn sinh vật biển, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường phối hợp, rà soát các vùng ven biển để phát hiện, thu giữ phương tiện, dụng cụ khai thác thủy hải sản cấm.
Được biết, ngay sau đó, TP Hạ Long đã ra quyết định, yêu cầu các ngư dân không thực hiện khai thác thủy hải sản dưới mọi hình thức (trừ nghề câu, lặn giải trí phục vụ du khách) tại các điểm tổ chức các hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long, các hang động, bãi tắm, luồng giao thông đường thủy, tuyến du lịch, các khu vực được quy hoạch bảo tồn hệ sinh thái biển.
Cần có lực lượng kiểm ngư chuyên trách
Thời gian qua, trong khi kiểm tra, bám sát các vùng biển, lực lượng chức năng đã phát hiện tình trạng ngư dân liều lĩnh sử dụng kích điện ngay trong phạm vi vùng Vịnh Hạ Long hoặc sử dụng nhiều ngư cụ cấm đánh bắt thủy sản các vùng ven bờ, song khi lực lượng chức năng phát hiện thì sẵn sàng cắt đứt ngư cụ bỏ lại dưới biển... Việc làm này hòng qua mặt cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý, răn đe các trường hợp vi phạm.
Đáng nói, Quảng Ninh đã nhìn nhận thẳng thắn trong việc cấp thiết thành lập lực lượng kiểm ngư. Tuy nhiên địa phương này chưa có lực lượng kiểm ngư để thể hiện rõ vai trò của ngành đối với lĩnh vực bảo tồn sinh vật biển, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, phát huy đúng chức năng nhiệm vụ.
Ông Hà Vân Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, cho hay: Lực lượng thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thủy sản tại Quảng Ninh có khoảng 20 người nhưng quản lý tới 2.600 hải lý, cùng với trang thiết bị cũ và thiếu nên không thường xuyên tuần tra, kiểm soát, dẫn đến tình trạng ngư dân sử dụng các biện pháp tận diệt để khai thác thủy sản ở các vùng ven bờ vẫn diễn ra công khai. Sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ đã buộc nhiều tàu thuyền phải tìm đến các ngư trường khai thác xa bờ, đặc biệt là vùng giáp ranh nước bạn gây khó khăn cho ngành quản lý.
Hơn nữa, việc quy định rõ về trách nhiệm đối với lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản còn thiếu đồng bộ, nhiều vấn đề chưa thể giải quyết được. Trong khi đó, việc ngăn chặn các phương tiện hủy diệt thủy sản, hay kể cả việc cứu nạn cứu hộ, phòng chống bão lũ không thể dựa hết vào lực lượng quân đội, công an… Từ đó, đòi hỏi phải có một lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh để giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh.
Được biết, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đang hoàn thiện Đề án thành lập kiểm ngư cấp tỉnh trên quan điểm không tăng đầu mối, không tăng biên chế mà sẽ thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức của Chi cục Thủy sản, đảm bảo tinh gọn.
Sau khi có quyết định thành lập, lực lượng này cùng với các cơ quan chức năng như Biên phòng, Cảnh sát biển… quản lý giám sát khu vực kiểm tra, kiểm soát việc khai thác hải sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Quảng Ninh cũng như vùng biển theo quy định của Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ.
Đặc biệt, việc thành lập Kiểm ngư cấp tỉnh sẽ tạo điều kiện để lực lượng này có đầy đủ hơn về nhân lực, trang thiết bị; hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; góp phần giữ vững chủ quyền vùng biển của tỉnh nói riêng và vùng biển quốc gia nói chung
Đến nay, việc thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương đã hoàn thành dự thảo Đề án thí điểm, dự thảo đã được Bộ NN-PTNT tham gia ý kiến, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT đưa nội dung này vào dự thảo Đề án và Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển ngành thuỷ sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Quảng Ninh hiện đang là một trong 28 tỉnh, thành phố có biển đứng trước những thách thức không nhỏ trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Vì thế, việc thành lập lực lượng kiểm ngư cấp tỉnh cũng là một yêu cầu cấp thiết và cần sớm được triển khai.