| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị hối hả gieo sạ vụ hè thu để né mưa lũ cuối vụ

Thứ Ba 06/06/2023 , 17:57 (GMT+7)

Ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, Quảng Trị đã khẩn trương triển khai gieo sạ vụ hè thu sớm nhất có thể nhằm né mưa, bão lũ cuối vụ.

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, dù thời tiết nắng nóng, nhiệt độ lên cao nhưng nông dân Quảng Trị vẫn tích cực gieo sạ lúa hè thu.

Ông Nguyễn Thuần, xã viên Hợp tác xã (HTX) Kim Long, xã Hải Quế (huyện Hải Lăng) cho biết, vụ hè thu năm nay ông gieo sạ khoảng 15 sào lúa (500 m2/sào), trong đó có 5 sào lúa hữu cơ.

Nông dân Quảng Trị tích cực làm đất gieo sạ lúa hè thu. Ảnh: VD.

Nông dân Quảng Trị tích cực làm đất gieo sạ lúa hè thu. Ảnh: VD.

Bài liên quan

Để đảm bảo tiến độ gieo sạ, sau khi kết thúc thu hoạch vụ đông xuân, ông Thuần đã chủ động lấy nước, làm đất, bón lót, ngâm ủ giống.

“Gia đình tôi hiện đã gieo sạ gần xong toàn bộ diện tích. Vài ngày tới, việc gieo sạ sẽ hoàn thành, đảm bảo đúng khung lịch thời vụ”, ông Thuần cho hay.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX Kim Long, vụ hè thu năm nay, HTX gieo sạ 162ha lúa. Ngoài 12ha lúa sản xuất hữu cơ với giống lúa ST25 tương đối dài ngày, diện tích còn lại HTX đã lựa chọn những giống lúa ngắn ngày và cực ngắn như Khang dân, HN6… đảm bảo thu hoạch trước ngày 30/8 để hạn chế thất thoát do mưa lũ cuối vụ.

Nhằm khắc phục ảnh hưởng của nắng nóng, đảm bảo tiến độ gieo sạ theo đúng khung lịch thời vụ của huyện, HTX đã tập trung chỉ đạo các xã viên khẩn trương sản xuất vụ hè thu theo hướng thu hoạch lúa đông xuân đến đâu, tập trung làm đất, gieo sạ vụ hè thu đến đó.

Những ngày qua, các trạm bơm điện trên địa bàn đã chạy hết công suất để cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất; máy làm đất được phân phối các vùng hợp lý đảm bảo hoàn thành việc làm đất, gieo sạ theo từng vùng, từng cánh đồng, tránh dàn trải gây lãng phí nguồn nước.

“Với nỗ lực trong công tác điều tiết nước, đến nay, diện tích gieo sạ lúa hè thu đã cơ bản hoàn thành”, ông Phước cho biết.

Nắng nóng kéo dài nhưng hiện tại nguồn nước được điều tiết đủ đảm bảo gieo sạ lúa hè thu. Ảnh: VD.

Nắng nóng kéo dài nhưng hiện tại nguồn nước được điều tiết đủ đảm bảo gieo sạ lúa hè thu. Ảnh: VD.

Hải Lăng nằm ở vùng thấp trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng do mưa lũ cuối vụ. Để đảm bảo sản xuất vụ hè thu, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, ngay từ đầu tháng 5/2023, Phòng NN-PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương huy động nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ đông xuân để triển khai sản xuất vụ hè thu theo phương châm “thu hoạch tới đâu, tổ chức vệ sinh đồng ruộng, làm đất, gieo cấy tới đó”.

“Huyện chỉ đạo các địa phương chủ động nguồn giống, vật tư, phương tiện cần thiết để sản xuất vụ hè thu kịp thời; phối hợp với Xí nghiệp thủy nông Nam Thạch Hãn và các đơn vị vận hành hồ chứa nước để có kế hoạch đóng, mở nước hợp lý.

Các máy bơm lẻ được huy động thêm ở những khu vực chưa đủ nguồn nước tưới. Các giống lúa được cơ cấu chủ yếu là ngắn và cực ngắn ngày. Với sự chủ động của các địa phương và nông dân, đến thời điểm này, gần 6,9 nghìn ha lúa hè thu đã hoàn thành việc gieo sạ”, ông Văn Ngọc Tiến Đức, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hải Lăng cho hay.

Không khí gieo cấy lúa hè thu tại các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong những ngày qua cũng diễn ra vô cùng khẩn trương dưới thời tiết nắng nóng.

Ông Nguyễn Văn Thức, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Gio Linh cho biết, vụ hè thu này toàn huyện dự kiến gieo sạ 3,3 nghìn ha lúa.

Để đảm bảo sản xuất vụ hè thu đạt kết quả tốt, huyện Gio Linh đã chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đầy đủ phương tiện, công cụ, vật tư nông nghiệp và giống tốt.

Gặt xong, nông dân Gio Linh đã tranh thủ tối đa lượng nước còn lại trên ruộng để làm đất và gieo sạ khẩn trương theo lịch thời vụ và cơ cấu giống của huyện.

Những xã vùng cao được yêu cầu thời gian kết thúc gieo cấy chậm nhất đến ngày 5/6, đảm bảo thu hoạch trước ngày 30/8 nhằm hạn chế tổn thất do bão, lũ cuối vụ.

Đến thời điểm này, nông dân Quảng Trị cơ bản hoàn thành gieo sạ lúa hè thu. Diện tích vùng cao hoàn thành trước ngày 5/6. Ảnh: VD.

Đến thời điểm này, nông dân Quảng Trị cơ bản hoàn thành gieo sạ lúa hè thu. Diện tích vùng cao hoàn thành trước ngày 5/6. Ảnh: VD.

Ông Thức cho biết thêm, quan điểm của Gio Linh là sản xuất phải đảm bảo ăn chắc. Những vùng đảm bảo nước tưới, tập trung thâm canh giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày, có năng suất, chất lượng tốt.

Cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tiếp tục tục mở rộng, một số diện tích lúa sẽ được chuyển đổi sang cây trồng cạn...

Theo ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng, khô hạn và lũ lụt cuối vụ, đảm bảo sản xuất vụ hè thu thắng lợi, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã ban hành khung lịch thời vụ hè thu cụ thể đối với từng địa phương.

Theo đó, những vùng ruộng chủ động nước tưới, nhất là các xã vùng trũng huyện Hải Lăng, Triệu Phong bố trí thời vụ gieo cấy sớm từ 15/5, kết thúc gieo sạ chậm nhất đến 30/5.

Diện tích gieo sau ngày 25/5 phải gieo sạ các giống có thời gian sinh trưởng ngắn dưới 90 ngày như HN6, An Sinh 1399, BĐR57, TBT để đảm bảo thu hoạch trước ngày 30/8.

Những vùng ruộng cao, ít bị ngập lũ, không chủ động nước tưới lịch gieo sạ có thể bố trí muộn hơn nhưng phải đảm bảo thu hoạch chậm nhất đến ngày 5/9 để tránh ngập lụt khi mưa lũ cuối vụ xảy ra.

Các giống lúa được cơ cấu có thời gian sinh trưởng khi gieo thẳng dưới 95 ngày như ĐD2, HN6, Khang dân 18, HC95, Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, Dự Hương 8, VNR20, Hà Phát 3...

“Vụ hè thu năm nay, Quảng Trị gieo cấy gần 24 nghìn ha lúa. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo sạ được trên 20 nghìn ha và đảm bảo kết thúc trước 5/6. Để đảm bảo năng suất lúa hè thu, ngoài việc cơ cấu giống lúa ngắn và cực ngắn ngày, chúng tôi khuyến cáo nông dân sử dụng giống đạt tiêu chuẩn về phẩm cấp theo quy định, tuyệt đối không sử dụng các giống lúa đã thoái hóa, thóc thịt làm giống”, ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho hay.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất