| Hotline: 0983.970.780

Nhiều dịch bệnh tái phát, sẽ xử phạt hộ không chịu tiêm phòng

Thứ Hai 18/07/2022 , 19:15 (GMT+7)

CAO BẰNG Thời gian qua, nhiều loại dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục... đã tái phát tại Cao Bằng, trong khi tỉ lệ tiêm phòng nhiều nơi đạt rất thấp.

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới nên chăn nuôi ở các địa phương phần lớn là chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ nên bệnh dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát.

Từ ngày 1/6, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã tái phát trở lại tại một số huyện (Hạ Lang, Trùng Khánh, Bảo Lạc, Bảo Lâm). Đến nay, dịch bệnh làm mắc và tiêu hủy hơn 400 con lợn các loại, tổng trọng lượng hơn 17 tấn. Toàn tỉnh còn 16 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

HTX Nông nghiệp Bảo Hưng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Ảnh: Công Hải.

HTX Nông nghiệp Bảo Hưng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Ảnh: Công Hải.

Anh Lê Bảo Hưng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bảo Hưng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng chia sẻ: Dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nên trước khi tái đàn, HTX đã tổng vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột khử khuẩn.

Hiện nay, HTX duy trì nuôi 10 con lợn nái, 40 - 50 lợn thịt/lứa. Đã từng bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi nên HTX luôn chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh. Việc tự chủ động được con giống từ đàn lợn nái cũng là yếu tố chính để hạn chế việc bị lây lan dịch bệnh.

Bà Lương Thị Phin, xóm Đồng Chúp, xã Hưng Đạo (TP Cao Bằng) tâm sự: "Năm 2021, gia đình tôi tái đàn lợn xong lại bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi nên khu chuồng trại của tôi và các con liền kề đều chưa dám tái đàn.

Ngoài lo ngại dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá lợn tăng chậm nên rủi ro vẫn khá cao, chúng tôi chỉ đành nuôi ít gia cầm để không trống chuồng. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân trong xóm vẫn để trống chuồng, chưa dám tái đàn lợn", bà Phin cho biết.

Nhiều hộ dân ở xóm Đồng Chúp, xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng vẫn chưa dám tái đàn lợn do sợ dịch bệnh tả lợn Châu Phi tái phát. Ảnh: Công Hải.

Nhiều hộ dân ở xóm Đồng Chúp, xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng vẫn chưa dám tái đàn lợn do sợ dịch bệnh tả lợn Châu Phi tái phát. Ảnh: Công Hải.

Trên đàn trâu bò, bệnh bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại Cao Bằng từ cuối năm 2020. Năm 2021, dịch bùng phát mạnh tại các địa phương làm hơn 10.000 con trâu, bò bị mắc bệnh; 765 con bị chết. Số trâu, bò mắc bệnh cao nhất là các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hòa An, Hà Quảng…

Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, ngành nông nghiệp tỉnh đã yêu cầu các địa phương, hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, diệt trừ côn trùng là đối tượng trung gian lây truyền mầm bệnh.

Đồng thời, tổ chức tiêm phòng hơn 80.000 liều vacxin theo kế hoạch đăng ký của các địa phương; cấp 10.595 lít hóa chất phun khử trùng tiêu độc; 15.000 lọ hóa chất phun ve, mòng, ruồi, muỗi. Đến cuối năm 2021, dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã được khống chế thành công.

Tuy nhiên, bệnh viêm da nổi cục đã tái phát ngày 3/6/2022 tại huyện Bảo Lâm làm 7 con gia súc mắc bệnh. Nguyên nhân tái phát tại ổ dịch cũ khi đàn gia súc đã hết thời gian miễn dịch đối với bệnh sau tiêm phòng của năm 2021. Đến nay, không có thêm ổ dịch viêm da nổi cục tái phát.

Theo Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng, ngoài dịch bệnh tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục, bước vào mùa hè, nhiều dịch bệnh cũng có nguy cơ tái phát, như bệnh tụ huyết trùng làm 63 con gia súc, lợn mắc bệnh, 23 con bị chết.

Dịch bệnh viêm da nổi cục đã được kiểm soát tốt so với năm 2021, song vẫn để xẩy ra tái phát tại một số địa phương ở Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Dịch bệnh viêm da nổi cục đã được kiểm soát tốt so với năm 2021, song vẫn để xẩy ra tái phát tại một số địa phương ở Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết: Năm nào cũng vậy, mùa hè là thời điểm nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh trở lại, nhất là dịch bệnh tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục nên không thể chủ quan.

Ngay từ đầu mùa hè, Chi cục đã cấp vacxin cho các địa phương nhưng tỷ lệ tiêm đạt thấp, chủ yếu từ 27 - 40%. Lý do chính là hệ thống thú y tại các địa phương còn thiếu, một số làm công tác kiêm nhiệm, không có chuyên môn. Công tác tiêm phòng vacxin nhiều nơi còn phó mặc cho lực lượng thú y tự triển khai, không có sự tham gia, phối hợp của cán bộ xã, xóm.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Cao Bằng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi. UBND cấp xã, thị trấn lập biên bản các hộ chăn nuôi không thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho số lượng gia súc trong diện phải tiêm; cho hộ dân ký cam kết tự chịu trách nhiệm, đồng thời chịu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định…

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.