| Hotline: 0983.970.780

Thừa Thiên – Huế khôi phục các trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện

Thứ Bảy 09/07/2022 , 09:36 (GMT+7)

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tuyến cơ sở, tỉnh Thừa Thiên–Huế sẽ khôi phụ 8 trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã.

Phun khử khuẩn các xe chở động vật đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: CĐ.

Phun khử khuẩn các xe chở động vật đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: CĐ.

Ngày 8/7 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức hội nghị sơ kết công tác chăn nuôi và thú y 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch thực hiện 6 tháng cuối năm 2022.

Dịch bệnh động vật được kiểm soát

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh gia súc, gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế kịp thời tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh. Do đó, công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, dịch bệnh đã được khống chế.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, các loại dịch bệnh động vật diễn biến phức tạp. Đã có 13 tỉnh có dịch Cúm gia cầm, 47 tỉnh có dịch dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), 4 tỉnh có dịch lở mồm long móng (LMLM), 13 tỉnh có dịch viêm da nổi cục (VDNC), 13 tỉnh có bệnh dại chó. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào địa bàn tỉnh là rất lớn.

Tuy nhiên, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, bệnh DTLCP, cúm gia cầm, tai xanh lợn không xảy ra. Riêng bệnh LMLM xảy ra nhỏ lẻ, rải rác ở 3 xã thuộc huyện A Lưới với tổng số trâu bò mắc bệnh là 50 con; bệnh VDNC xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi ở thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền với tổng số bò mắc bệnh là 9 con. Các ổ dịch bệnh đều được phát hiện kịp thời, khống chế, xử lý, không lây lan thành dịch.

Đối với dịch bệnh thủy sản, diện tích ao nuôi tôm bị bệnh đốm trắng trên địa bàn tỉnh là 9,92 ha, trong đó huyện Quảng Điền 6,37ha; huyện Phú Lộc: 1,7ha. Chi cục đang phối hợp với Phòng NN- PTNT, chính quyền địa phương xử lý ao nuôi nhiễm bệnh.

Tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng dịch bệnh chủ động và hiệu quả. Ảnh: CĐ.

Tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng dịch bệnh chủ động và hiệu quả. Ảnh: CĐ.

Để có được kết quả quả trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống, phối hợp chính quyền địa phương, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã triển khai công tác chỉ đạo thực hiện tiêm phòng đồng bộ. Giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, thông tin, báo cáo nhanh khi có dịch bệnh xảy ra. Phối hợp các cấp, các ngành triển khai thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận thôn, hộ chăn nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý dịch bệnh, không để lây lan thành dịch;

Đặc biệt, xác định tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, Chi cục đã tổ chức các đợt kiểm tra tiêm phòng đến tận xã, thôn, hộ chăn nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng.

Thống kê cho thấy, đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được: 21.147 liều THT trâu bò (68%, tăng 11%), 41.060 liều tam liên lợn (89%, giảm 1%), 417.800 liều cúm gia cầm (77%, tăng 5%), 303.100 liều dịch tả vịt (72%, tăng 17%), 11.241 liều LMLM lợn trang trại; LMLM trâu bò đợt 1/2022: 17.240 liều (28%); 20.328 liều VX VDNC (57%).... Đây là tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi khá cao so với các địa phương khác trong khu vực.

Thành lập 8 trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưng thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại tuyến cơ sở, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ thành lập 8 trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đang hoàn thiện các quy trình thủ tục pháp lý để trình UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Hệ thống thú y cơ sở có vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh. Ảnh: CĐ.

Hệ thống thú y cơ sở có vai trò quan trọng trong phòng chống dịch bệnh. Ảnh: CĐ.

Theo đó các trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện sẽ trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chuyên ngành thú y theo quy định của pháp luật và phân công, ủy quyền của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

Trước đó, trên cơ sở Quyết định số 3041/QĐ-UBND ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu Sở NN- PTNT ban hành Đề án số 720/ĐA-SNNPTNT ngày 31/3/2022 về kiện toàn, sắp xếp lại các phòng chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp thuộc Chi cục.

Đến ngày 20/6/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành công văn số 6312/UBND-NV về việc thành lập 8 Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã; theo đó UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở NN-PTNT tham mưu triển khai thực hiện.

Tháng 10/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế ra quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện: Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông và thị xã Hương Thủy, Hương Trà trên cơ sở hợp nhất Trạm Chăn nuôi và Thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến Nông-Lâm-Ngư.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, mô hình các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đã bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn cho công tác chỉ đạo, triển khai phòng chống dịch bệnh.

Do vậy, việc khôi phục các trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố và tăng cường năng lực, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động hội nhập quốc tế.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất