| Hotline: 0983.970.780

Quất cảnh bán tết ở Hà Nội ế ẩm

Thứ Năm 04/02/2021 , 13:58 (GMT+7)

Chỉ còn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu thế nhưng thị trường quất cảnh ở Hà Nội vẫn rất đìu hiu và ế ẩm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vắng khách, chủ hàng dành thời gian rảnh để 'lướt' điện thoại, lên Facebook. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vắng khách, chủ hàng dành thời gian rảnh để "lướt" điện thoại, lên Facebook. Ảnh: Phạm Hiếu.

Quất cảnh đìu hiu, ế ẩm

Như các năm trước, càng về những ngày sát tết thì thị trường cây cảnh ở thủ đô Hà Nội càng nhộn nhịp. Tại những khu vườn hay khu chợ bán cây cảnh, khung cảnh tấp nập kẻ mua người bán huyên náo của một vùng. Hàng dài đoàn xe ba gác được người dân thuê đến để chở những cây đào, cây quất, cây mai về nhà chơi tết.

Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước. Theo ghi nhận, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường cây cảnh chơi tết tại thủ đô Hà Nội đã kém sôi động hơn rất nhiều, thậm chí có nơi còn vô cùng đìu hiu.

Sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những chủ cửa hàng không có khách nên đã ngủ ngay tại chỗ hoặc "lướt" điện thoại, lên facebook giết thời gian.

Hai vợ chồng ông Trần Văn T. có một cửa hàng bán hàng ăn nhỏ trên con phố Kim Giang (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Cứ mỗi dịp gần tết là hai vợ chồng ông lại đặt quất cảnh từ vườn quất ở huyện Văn Giang, Hưng Yên về để bán.

Ông Trần Văn T. than thở dịch bệnh Covid-19 đã khiến việc bán hàng trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Trần Văn T. than thở dịch bệnh Covid-19 đã khiến việc bán hàng trở nên khó khăn hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông T. bộc bạch: “Những cây quất cảnh này gia đình tôi phải đặt cọc trước với chủ hàng cách đây khoảng 5 - 6 tháng. Đến tháng cuối năm, khi chủ vườn chuyển cây lên Hà Nội thì tôi sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại. Năm nay nhà tôi đặt khoảng 300 cây để về bán kiếm ít tiền tiêu tết. Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tốc độ bán rất chậm, ế ẩm vô cùng".

Với mỗi cây quất cảnh, như mọi năm ông T. sẽ bán với mức giá không hề cao, chỉ khoảng từ 700.000 – 1.000.000 đồng một cây. Thế nhưng năm nay với tình trạng thị trường quất cảnh đìu hiu như vậy, ông T. đã phải giảm giá mỗi cây đi rất nhiều.

“Ấy vậy mà có ăn thua gì đâu, vẫn chả ai thèm mua. Khách người ta ra sức ép giá rồi nói vì dịch bệnh nên để sát tết đi sắm cây cảnh cho rẻ. Một tuần nữa là tết thế nhưng cho đến hiện tại nhà tôi mới chỉ bán được 25 cây thôi”, người đàn ông ngậm ngùi.

"Ít ra còn được mang cây lên bán"

Ông Nguyễn Văn Thành sở hữu một vườn cây trồng quất bonsai ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, người chủ vườn cho biết mỗi năm cứ đến dịp gần tết sẽ mang quất bonsai lên Hà Nội để bán.

Ông Nguyễn Văn Thành cảm thấy may mắn vì ít ra còn được mang quất cảnh lên Hà Nội để bán. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Văn Thành cảm thấy may mắn vì ít ra còn được mang quất cảnh lên Hà Nội để bán. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Thành cho hay: “Mọi năm tôi sẽ bán quất từ ngày 19 tháng Chạp âm lịch đến tận 30 tết. Mỗi dịp tết sẽ bán được khoảng 500 - 600 cây. Vì là dáng bonsai, dễ di chuyển và trang trí trong nhà nên tôi thấy cũng dễ bán hơn những cây dáng to khác".

Người chủ vườn bán quất bonsai với mức giá vô cùng phải chăng, chỉ từ 100.000 - 150.000 đồng một cây, thế nhưng đã qua 3 ngày, ông Thành mới chỉ bán được vỏn vẹn 20 cây. Thời tiết năm nay cũng không ủng hộ những người chủ vườn như ông Thành. Trời nắng và nóng nhiều nên cây quất sẽ ít hoa, quả nhỏ và chủ vườn sẽ vất vả, mất nhiều công sức hơn để chăm chút.

“Tuy là khó bán hơn mọi năm nhưng ít ra tôi cũng vẫn có thể vận chuyển cây lên Hà Nội để bán. Mấy ông bạn chủ vườn ở Hải Dương của tôi còn đang bị phong tỏa vì dịch Covid-19, bao nhiêu cây cảnh đều đang nằm im ngoài vườn mà không làm cách nào được, đành phải chịu. Tôi chỉ mong sao vẫn có thể vận chuyển cây lên để bán được chứ không gặp phải trục trặc gì do dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Thành bày tỏ.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.