| Hotline: 0983.970.780

Quý 4/2020 sẽ đủ sản lượng thịt lợn đáp ứng nhu cầu trong nước

Thứ Sáu 17/07/2020 , 13:50 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu Phi từ năm 2019, theo Cục Chăn nuôi, đầu quý 4/2020 sản lượng thịt lợn sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 của ngành chăn nuôi diễn ra ngày 17/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, sản xuất chăn nuôi 6 tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, so với những lĩnh vực nông nghiệp khác chăn nuôi vẫn đang có nhiều thuận lợn hơn khi dịch bệnh tả Châu Phi đã được kiểm soát tốt hơn.

Bên cạnh đó, không gian thị trường sản phẩm chăn nuôi đang rất rộng mở, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu. Hiện có nhiều doanh nghiệp, HTX chăn nuôi quy mô lớn đã tăng quy mô và đầu tư công nghệ vào chăn nuôi theo chuỗi liên kết mang lại hiệu quả cao.

Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục Chăn nuôi đặt mục tiêu với mặt hàng thịt lợn năm 2020 tăng 15 - 17%; Gia cầm tăng 13 - 15% và sản lượng thịt, tăng 12 - 13% về sản lượng trứng; Đàn bò tăng 5 - 6% về sản lượng thịt và 9 - 10% về sản lượng sữa.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi dự kiến 6 tháng cuối năm đạt 10,55 triệu tấn, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2019, nâng tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi cả năm 2020 đạt 20,5 triệu tấn, tăng 8,2% so với 2019. Trong đó, thức ăn cho lợn chiếm 53% gia cầm 43%. Ước tính, năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 6 - 8% so với năm 2019,

Đặc biệt, với chăn nuôi lợn, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương xác định 6 tháng cuối năm phải tập trung mọi nguồn lực từ con giống, nguồn vốn, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để tái đàn bằng mọi giá, mục tiêu quý 4/2020 phải đủ sản lượng thịt lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

6 tháng cuối năm 2020 ngành chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn chăn nuôi lợn để sớm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước. Ảnh: Nguyên Huân.

6 tháng cuối năm 2020 ngành chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn chăn nuôi lợn để sớm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước. Ảnh: Nguyên Huân.

Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Thú y và các địa phương đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Đề nghị các địa phương bố trí quỹ đất, nguồn lực tiếp tục khôi phục, phát triển nhanh đàn lợn. Thường xuyên truyền thông về dịch bệnh, tái đàn, thị trường và nguồn cung, nhất là với mặt hàng thịt lợn.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, số liệu tổng hợp báo cáo từ các địa phương gửi về cho thấy, đến nay có 9 tỉnh tăng đàn lợn đạt trên 100% so với trước dịch, 9 tỉnh, thành tái đàn được trên 90%, 23 tỉnh tái đàn trên 70% và 22 tỉnh tái đàn dưới 70%. Riêng đàn lợn thịt của 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn tính đến hết tháng 6/2020 đạt trên 4,16 triệu con, tăng so với trước lúc xảy ra dịch tả lợn Châu Phi là trên 66%, tăng so với 1/1/2020 là xấp xỉ 31%.

Hiện tổng đàn lợn nái cả nước đạt trên 2,9 triệu con, tăng xấp xỉ 7% so với đầu năm 2019, đạt 99,8% so với kế hoạch của quý 2/2020, trong đó có 115.000 con lợn cụ kỵ, ông bà. Với đực giống, cả nước hiện có trên 64.000 con, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm 2020 dịch bệnh Covid-19 trên người sẽ còn rất phức tạp, dịch tả lợn Châu Phi vẫn luôn tiềm ẩn, hạn hán, thiên tai, lũ lụt năm nay rất có thể sẽ diễn biến khó lường, từ đó có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi .

Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu khối chăn nuôi phải luôn chủ động, không được phép lơ là chủ quan với dịch bệnh, thiên tại để tiếp tục duy trì và giữ vững mực tiêu tăng trưởng của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung năm 2020.

Với chăn nuôi lợn, cần tiếp tục áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ nhập khẩu con giống, nhập khẩu lợn sống, nhập khẩu thịt kết hợp đẩy mạnh tái đàn chăn nuôi gắn với an toàn sinh học để từng bước chủ động được nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước vào cuối quý 3, đầu quý 4/2020.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thực tế chứng minh, an toàn sinh học là giải pháp quan trọng hàng đầu mang lại hiệu quả rõ rệt với chăn nuôi lợn trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn chưa có vaccine và thuốc đặc trị. Đảm bảo được an toàn sinh học kể cả chăn nuôi lợn chuồng hở vẫn mang lại thành công và an toàn cho người chăn nuôi.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của ngành chăn nuôi trong năm 2020 được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt lưu ý là cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh khâu chế biến để kích cầu tiêu dùng, kích cầu xuất khẩu, bởi hiện tỷ trọng chế biến của ngành chăn nuôi nước ta còn rất thấp. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng đầu tư vào khoa học công nghệ trong chăn nuôi bởi đây là cốt lõi, gốc dễ của mọi ngành nghề.

“Trong nửa cuổi năm 2020, ngành chăn nuôi cần chuẩn bị kỹ lưỡng, trang trọng, xứng tầm cho lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành, phải có buổi triển lãm và hội nghị khoa học chia sẻ giới thiệu những công nghệ, sản phẩm mới, thành tự mới của ngành chăn nuôi trong 70 năm qua”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.