| Hotline: 0983.970.780

Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải

Thứ Ba 29/06/2021 , 15:42 (GMT+7)

Bình Định Hiệu quả hoạt động của Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải là minh chứng cho nguyên tắc đồng quản lý trong Luật Thuỷ sản năm 2017.

Mô hình thí điểm cộng đồng quản lý bảo vệ rạn san hô gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, tạo sinh kế và thu nhập cho cộng đồng xã Nhơn Hải.

Mô hình thí điểm cộng đồng quản lý bảo vệ rạn san hô gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, tạo sinh kế và thu nhập cho cộng đồng xã Nhơn Hải.

Nhơn Hải là một xã bán đảo nằm ở phía Đông của bán đảo Phương Mai, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 12 km đường thủy và 20km đường bộ. toàn xã có 1.403 hộ dân, với 5.879 nhân khẩu. Nghề nghiệp chính là khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ, du lịch trong đó có: 552 hộ làm nghề thủy sản, trong đó có 477 hộ làm nghề khai thác thủy sản, 75 hộ nuôi trồng thủy sản.

Về dịch vụ, du lịch có 32 hộ kinh doanh dịch vụ, du lịch  với 19 ca nô cao tốc và 23 thuyền chở khách du lịch và 4 nhà nghỉ, homestay. Từ năm 2015 đến nay, cơ cấu kinh tế của xã đang chuyển dịch rất nhanh từ ngư nghiệp sang thương mại, dịch vụ, du lịch trong đó chủ yếu là dịch vụ, du lịch; tỷ trọng kinh tế: Nông-lâm- thủy sản chiếm 60% và thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 40%.

Xã Nhơn Hải có chiều dài bờ biển 15 km với hệ sinh thái rạn san hô, rùa biển, nguồn lợi thủy sản ven bờ phong phú và đa dạng, đặc biệt là tôm hùm giống phân bố tự nhiên từ Hang Yến Rừng Cao (Mũi Khe Sanh- giáp ranh với phường Hải Cảng) đến Eo Vượt (bãi Đá Đen - giáp ranh với xã Nhơn Lý).

Vùng biển ven bờ của xã Nhơn Hải là khu vực mang tính đặc trưng về đa dạng sinh học của hệ sinh thái rạn san hô vùng ven biển tỉnh Bình Định. Với địa hình có nhiều đảo nhỏ, các bãi đá, bãi rạn san hô và thảm thực vật ngầm, có các bãi đẻ của rùa biển,...là nơi có môi trường rất thuận lợi cho các loài sinh vật biển phát triển, trong đó có các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm giống, cá mú, cá hồng, cá cơm, cá nục, mực, các loài ốc biển,…tạo điều kiện để người dân phát triển các nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Tổng diện tích rạn san hô xã Nhơn Hải khoảng 39,38 ha, phân bố tại 6 khu vực gồm Mũi Đìa (3,95 ha), Hòn Khô Nhỏ (13,49 ha), Tây Hòn Khô Lớn (3,16 ha), Bắc Hòn Khô lớn (0,77 ha), Bờ Đập (16,72 ha) và Tây Nam Mũi Yến (1,29 ha).

Độ phủ san hô cứng trung bình tại khu vực Nhơn Hải là 40,5%, cao nhất tại phía Tây Hòn Khô Lớn, Hòn Khô Nhỏ và phía Tây Bờ Đập. Thành phần chủ yếu là san hô phiến và cành, san hô cành dạng bàn.  Các khu vực rạn san hô Hòn Khô Nhỏ, Bờ Đập là những khu vực có tầm quan trọng trong việc duy trì và phát triển đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản.

Thành lập Quỹ hỗ trợ cộng đồng bảo vệ san hô xã Nhơn Hải nhằm thu hút sự quan tâm đóng góp của cộng đồng địa phương.

Thành lập Quỹ hỗ trợ cộng đồng bảo vệ san hô xã Nhơn Hải nhằm thu hút sự quan tâm đóng góp của cộng đồng địa phương.

Trong năm 2019, số lượng khách đến tham quan rạn san hô tại  khu vực biển Nhơn Hải bình quân 400 lượt khách/ngày, cao điểm vào các dịp lễ, nghỉ hè, lượng khách có thể lên đến 700-800 lượt khách/ngày. Thời gian hoạt động du lịch giải trí tại Nhơn Hải khoảng 6 tháng nếu thời tiết thuận lợi (từ tháng 4 đến tháng 9), cao điểm nhất vào mùa hè (tháng 5 đến tháng 8).

Một số bè du lịch không tuân thủ quy định về bảo vệ rạn san hô, vẫn đến thả neo trong vùng rạn san hô, cho khách ăn uống trên bè xả rác xuống biển. Các moto nước, bè chuối vẫn còn đi vào khu vực khoanh vùng bảo vệ san hô.

Khối lượng rác thải  mỗi ngày trên địa bàn xã hơn 10 tấn rác nhưng do kinh phí hạn chế nên mới chỉ thu gom rác được trong khu dân cư. Tình trạng vứt rác bừa bãi ở nơi công cộng, bãi biển, đổ rác xuống biển vẫn còn xảy ra khá nhiều và chưa có giải pháp để ngăn chặn.

Việc bố trí các bè nổi (nhà hàng) ngay sát vùng rạn cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn và ăn uống đang góp phần gây nên tính trạng ô nhiễm cục bộ do chất thải gây suy thoái các rạn san hô ở những khu vực này. Tình trạng du khách dẫm đạp, bẻ gãy san hô, neo đậu tàu tại rạn ... vẫn còn.

Vì vậy việc quản lý và bảo vệ các rạn san hô ven biển xã Nhơn Hải cần phải tiến hành thường xuyên và liên tục.

Từ tháng 9/2015-12/2017, với sự hỗ trợ của Chương trình GEF/SGP Quỹ Môi trường Toàn cầu,  Hiệp Hội Thủy sản tỉnh Bình Định đã phối hợp với chính quyền và cộng đồng xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn thực hiện dự án “Quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vùng biển ven bờ gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định”.

Dự án đã xây dựng thành công mô hình thí điểm cộng đồng quản lý bảo vệ rạn san hô gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, tạo sinh kế và thu nhập cho cộng đồng xã Nhơn Hải.

Mô hình thí điểm cộng đồng tham gia quản lý, giám sát, bảo vệ rạn san hô đã được hình thành và vận hành tốt với 2,1 ha biển có rạn san hô được cộng đồng thống nhất khoanh vùng bảo vệ kết hợp hướng dẫn khách tham quan lặn ngắm san hô.

Kết quả quan trắc rạn san hô sau 1 năm thực hiện mô hình tại cho thấy  mật độ phủ của san hô tại điểm quan trắc đã tăng rõ rệt  (2017: 50%, 2016: 36%), tạo nơi  trú ẩn và sinh sản cho các loài thủy sản, bổ sung cho nguồn lợi thủy sản ven bờ, góp phần làm tăng giá trị lợi ích của hệ sinh thái biển bao gồm việc bảo vệ nơi sinh cư để gia tăng nguồn lợi thủy sản và bảo vệ cảnh quan sinh thái để phát triển du lịch.

Dự án hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ du lịch- thủy sản xã Nhơn Hải hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh dịch vụ công ích về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, tạo cơ hội cho ngư dân chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang dịch vụ du lịch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng ngư dân.

HTX đã thực hiện tốt dịch vụ thu gom rác thải, các dịch vụ thi công khoanh vùng bảo vệ rạn san hô, bắt và tiêu hủy sao biển gai, xây dựng tour du lịch sinh thái biển cộng đồng, thân thiện, văn minh, tạo điều kiện cho 30 lao động của thành viên HTX có việc làm ổn định, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người mỗi tháng.

Những hoạt động tích cực của HTX đã giúp Nhơn Hải hoàn thành tiêu chí môi trường và kinh tế tập thể để đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2017. Về chính sách:  hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng và ban hành Quy chế quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn xã Nhơn Hải tạo khung pháp lý phù hợp thực tiễn để quản lý và phát triển du lịch theo hướng văn minh, bảo vệ tài nguyên sinh thái, bản sắc văn hóa làng chài.

Thành lập Quỹ hỗ trợ cộng đồng bảo vệ san hô xã Nhơn Hải nhằm thu hút sự quan tâm đóng góp của cộng đồng địa phương, các tổ chức cá nhân liên quan để  tạo nguồn kinh phí duy trì các hoạt động  bảo vệ rạn san hô do cộng đồng thực hiện tại xã Nhơn Hải.

Sau khi dự án kết thúc và bàn giao mô hình cộng đồng bảo vệ rạn san hô tại khu vực phía Tây Hòn Khô Nhỏ cho địa phương, mặc dù HTX dịch vụ du lịch- thủy sản xã Nhơn Hải vẫn duy trì tốt các hoạt động bảo vệ rạn san hô tại khu vực được giao tạm thời, nhưng cũng xuất hiện một số tồn tại như hiệu quả kinh doanh thấp, vai trò chỉ đạo, giám sát chưa cao..... nên kết quả bảo vệ rạn san hô chưa tốt

Do đó, từ tháng 6 năm 2020, việc quản lý bảo vệ vùng rạn san hô phía Tây Hòn Khô Nhỏ, xã Nhơn Hải được giao cho Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải (gọi tắt là Tổ chức cộng đồng xã Nhơn Hải) thực hiện theo nguyên tắc đồng quản lý được quy định tại Điều 10, Luật Thủy sản năm 2017, trong đó Tổ chức cộng đồng đại diện cho cộng đồng người dân xã Nhơn Hải, vận động người dân tham gia cùng với chính quyền trong quản lý các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí và các hoạt động có liên quan tại khu vực này.

Đây là mô hình quản lý phù hợp và hiệu quả đối với hệ sinh thái và nguồn lợi thuỷ sản vùng ven biển của xã Nhơn Hải. Một trong những điểm sáng của mô hình này là khi các dự án kết thúc, mô hình vẫn được duy trì, phát triển và phù hợp với những quy định trong Luật thuỷ sản năm 2017 của Việt Nam.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.