| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn để phòng, chống hiệu quả cúm gia cầm

Thứ Tư 13/07/2022 , 16:55 (GMT+7)

Hiện nay, cả nước có 6 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kon Tum chưa qua 21 ngày.

Tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục được ghi nhận trên đàn gia cầm nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên phạm vi rộng và có nguy cơ lây nhiễm sang người. Ảnh: PH.

Tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục được ghi nhận trên đàn gia cầm nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên phạm vi rộng và có nguy cơ lây nhiễm sang người. Ảnh: PH.

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong thời gian từ ngày 10/3 - 16/4/2022 vừa qua, có hàng trăm vụ bùng phát cúm gia cầm mới trên gia cầm và chim hoang dã được ghi nhận tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ tập trung chủ yếu ở châu Âu. Ngoài ra còn ghi nhận rải rác trên các khu vực châu Á, Bắc Mỹ và châu Phi. Mầm bệnh của đợt dịch này chủ yếu do các chủng virus độc lực cao như H5N1, H5N6 và H5N8 gây ra.

Mặc dù trên thế giới và tại Việt Nam một vài năm gần đây không ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên người, tuy nhiên căn cứ vào tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới và tại Việt Nam thì nguy cơ cúm gia cầm lây nhiễm sang người tại Việt Nam là đáng kể.

Lí do là tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục được ghi nhận trên đàn gia cầm nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên phạm vi rộng và có nguy cơ lây nhiễm sang người. Hiện nay, cả nước có 6 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kon Tum chưa qua 21 ngày…

Theo ông Lê Hải Đồng, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Kinh doanh Thuốc thú y Amavet (Công ty Amavet), cúm gia cầm là một bệnh có biến chủng rất mạnh tại Việt Nam trong những năm vừa qua. Cúm gia cầm được phát hiện từ năm 2003, đến nay đã phát triển ra rất nhiều chủng và nhánh khác nhau.

Tuy nhiên, đại diện Công ty Amavet cho rằng, hiện nay, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể khống chế, kiểm soát bệnh cúm gia cầm. Cụ thể, quy mô chăn nuôi của Việt Nam ngày càng hiện đại. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi đã xây dựng được những vùng an toàn dịch bệnh. Các loại vacxin được đưa về Việt Nam cũng dần dần tiếp cận tương đồng, cập nhật được những chủng kháng nguyên gây bệnh.

Ngoài ra, hệ thống chăn nuôi, trình độ chăn nuôi của người dân càng ngày càng được nâng cao, có những đội ngũ kỹ sư lành nghề từ các trường Đại học. Đó là lực lượng lao động có kiến thức, trí tuệ và kinh nghiệm dần dần sẽ nâng cao trình độ chăn nuôi cho bà con. Từ đó là cơ sở để phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.

Chính sách của Nhà nước cũng quan tâm, hỗ trợ người dân về vacxin phòng bệnh cúm gia cầm. Thông qua Chi cục Thú y các địa phương mua vacxin phòng bệnh phát cho người dân. Hàng năm, Cục Thú y đều triển khai lấy mẫu, kiểm tra lưu hành chủng virus cúm tại địa phương, từ đó đưa ra khuyến cáo cho người dân và doanh nghiệp dùng vacxin phù hợp để phòng bệnh.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để khống chế, kiểm soát bệnh cúm gia cầm. Ảnh: PH.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để khống chế, kiểm soát bệnh cúm gia cầm. Ảnh: PH.

Bên cạnh đó, ông Lê Hải Đồng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức của người chăn nuôi trong công cuộc phòng chống cúm gia cầm. Đó là địa bàn chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán rộng tới vùng sâu, vùng xa với nhiều giống gà khác nhau, cơ sở ấp nở tư nhân nhiều nên việc vận chuyển và bảo quản vacxin còn khó khăn.

Bên cạnh đó, việc giết mổ không tập trung, thiếu chuyên nghiệp dẫn đến nếu có dịch bệnh xảy ra rất khó kiểm soát. Người chăn nuôi trình độ còn chưa cao, đội ngũ kỹ sư, bác sỹ còn hạn chế nên chưa tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật hay chưa khuyến cáo người chăn nuôi lựa chọn vacxin tốt, đúng chủng với bệnh cúm gia cầm. Giá cả thực phẩm bấp bênh gây ra hiện tượng giá đắt thì bà con tiêm phòng đầy đủ, giá thực phẩm rẻ bà con cắt lịch vacxin.

“Một điểm khó khăn cuối cùng đó là tình hình vacxin nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam rất tràn lan, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chuỗi lạnh trong quá trình vận chuyển gây ảnh hưởng tới chất lượng”, đại diện Công ty Amavet phân tích.

Theo đó, ông Lê Hải Đồng cho rằng, để có thể xử lý dứt điểm bệnh cúm gia cầm, cần quy hoạch vùng chăn nuôi, tạo hàng rào tốt về an toàn sinh học, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung lớn, hiện đại, đồng thời kiểm soát tốt khâu giết mổ cũng như các chợ cóc, chợ tạm.

“Cần phải tăng cường khâu kiểm dịch nội tỉnh, ngoại tỉnh, thậm chí kiểm dịch vùng biên. Song song, thường xuyên cập nhật những biến chủng virus mới và sử dụng các loại vacxin có khả năng bảo hộ cao, có thành phần kháng nguyên tương đồng với kháng nguyên virus gây bệnh”, ông Lê Hải Đồng chia sẻ.

Trước tình hình, diễn biến phức tạp của bệnh cúm gia cầm thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ NN-PTNT chủ động phối hợp với Bộ Y tế, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm; tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập, không để bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm; tổ chức xây dựng phương án, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hạn chế nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan sang người và không để bùng phát dịch trong cộng đồng.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.