| Hotline: 0983.970.780

Quy trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi

Thứ Hai 14/08/2023 , 16:40 (GMT+7)

UBND TP Hải Phòng vừa ban hành quy chế phối hợp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi, đê điều trên địa bàn thay thế cho quy chế cũ năm 2018.

Công trình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy lợi ở xã Bắc Sơn, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Công trình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy lợi ở xã Bắc Sơn, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Quy rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành

TP Hải Phòng hiện có gần 7.000 km kênh mương và hơn 700 điểm xả nước thải vào công trình thủy lợi. Trong đó, có 234 điểm xả từ các khu dân cư, làng nghề, trang trại chăn nuôi tập trung và 467 điểm xả phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Hiện nay, tình trạng vi phạm hành chính thủy lợi hoặc xâm hại đến công trình thủy lợi như: xả nước thải trái phép, đổ vật liệu, lấn chiếm diện tích hành lang trình thủy lợi để xây dựng lều quán, các công trình của các dự án… có xu hướng tăng ở các khu vực ven đô.

Hải Phòng là một trong số ít các địa phương sớm có “Quy chế phối hợp xử lý vi phạm hành chính về thủy lợi và đê điều”. Nhờ đó, thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý được hàng loạt hành vi phạm hành chính thủy lợi và các hành vi xây dựng, lấn chiếm trong phạm vi công trình thủy lợi.

Quy chế mới quy định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành trong xử lý và phối hợp xử lý vi phạm đê điều, thủy lợi, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Được áp dụng cho tất cả cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan trọng lĩnh vực quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Quy chế quy định trách nhiệm, trình tự phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các cấp, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm liên quan trong công tác xử lý vi phạm hành chính về thủy lợi, đê điều trên địa bàn TP Hải Phòng.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân được giao khai thác công trình thủy lợi, khi phát hiện vi phạm phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc, gửi kiến nghị bằng văn bản đến UBND cấp xã để xử lý và chủ động cung cấp thông tin về công trình thủy lợi bị xâm hại, tham gia cùng UBND cấp xã kiểm tra, lập biểu bản vi phạm hành chính đại diện cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Mặt khác, đôn đốc, giám sát đối tượng bị xử phạt chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời phối hợp với UBND cấp xã đôn đốc, giám sát việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp đối tượng bị xử phạt chậm trễ hoặc không chấp hành quyết định xử phạt phải có văn bản kiến nghị đến người quyết định xử phạt để đôn đốc hoặc cưỡng chế thi hành.

Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất

Với Chủ tịch UBND cấp xã, quy chế quy định rõ, được xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì biên bản và các tài liệu khác phải chuyển cho Chủ tịch UBND cấp huyện để xử phạt hoặc báo cáo Chủ tịch UBND thành phố xử phạt đảm bảo trong thời hạn 24h, kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính.

Tình trạng xả thải vào công trình thủy lợi luôn nhức nhối ở Hải Phòng nhưng việc xử lý còn gian nan. Ảnh: Đinh Mười.

Tình trạng xả thải vào công trình thủy lợi luôn nhức nhối ở Hải Phòng nhưng việc xử lý còn gian nan. Ảnh: Đinh Mười.

Với UBND cấp huyện, khi phát hiện vi phạm hoặc tiếp nhận kiến nghị của các tổ chức, cá nhân phải chủ trì kiểm tra xác minh, hoàn thiện hồ sơ vi phạm hành chính đảm bảo thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

Chủ tịch UBND cấp huyện xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản vi phạm hành chính thì biên bản và các tài liệu khác phải chuyển cho Chủ tịch UBND thành phố xử lý.

TP Hải Phòng giao Sở NN-PTNT trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về thủy lợi cũng như xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra và đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận kiểm tra. Mặt khác, có trách nhiệm đôn đốc UBND cấp huyện chỉ đạo xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi.

Về xử lý vi phạm hành chính theo lĩnh vực chuyên ngành có liên quan đến công trình thủy lợi, đê điều được giao cụ thể cho Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở Công an và Thanh tra.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Làng Nủ trước ngày khánh thành

40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.