Trong khuôn khổ Dự án Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOPIA), Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã xây dựng quy trình trồng cải thảo CR Summer King VietGAP nhằm đánh giá và công nhận các giống rau triển vọng của Hàn Quốc tại miền Bắc Việt Nam.
- Yêu cầu về đất trồng: Phải nằm trong quy hoạch sản xuất của địa phương, không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây hại như nước thải thành phố, bệnh viện, khu công nghiệp, bụi công nghiệp và các nguy cơ gây ô nhiễm khác. Đất phải thuộc thành phần cơ giới nhẹ, chủ động tưới tiêu, hàm lượng kim loại nặng không vượt ngưỡng cho phép.
- Thời vụ: Vụ sớm gieo hạt tháng 8, trồng cây con tháng 9; chính vụ gieo tháng 9, trồng tháng 10; vụ muộn gieo tháng 12, trồng tháng 1 - 2. Các địa phương có điều kiện sinh thái như Sapa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Đà lạt (Lâm Đồng) trồng được quanh năm
- Gieo cây giống trên khay: Giá thể gồm đất ải, xơ dừa, phân hữu cơ hoai mục trộn theo tỷ lệ 4: 3: 3. Sau trộn đều mỗi tấn hỗn hợp này với 3kg lân supe + 6kg vôi bột. Đổ đầy giá thể này vào các lỗ khay, nén nhẹ, mỗi lỗ gieo 1 - 2 hạt rồi phủ đất kín giống. Cuối cùng dùng trấu hoặc rơm rạ ngắn phủ kín mặt khay, xếp từng khay lên giàn cách mặt đất 30 - 50cm. Tưới nước ngay sau gieo hạt và đảm bảo độ ẩm đất thường xuyên. Khi cây giống 3 - 4 lá thật bứng trồng ra sản xuất. Chú ý, cần để các khay cây giống nơi sáng, mát. Dừng tưới nước, bón phân trước trồng cây giống 4 - 5 ngày.
- Gieo trên luống: Làm nhỏ đất, lên luống rộng 0,8 - 1,0m, rải phân hữu cơ trên mặt luống và đảo đều với đất, vét rãnh phủ lên mặt luống (lượng giống 1,5gr/m2). Gieo xong dùng tay cào nhẹ mặt luống để đất phủ kín hạt. Dùng rơm rạ, trấu phủ kín mặt luống và tưới ẩm bằng ô doa. Sau đó, tưới nước 3 - 5 ngày liên tục, mỗi ngày tưới 1 - 2 lần, từ sau hạt giống nảy mầm tưới 2 ngày/lần. Tỉa bỏ cây bệnh, cây gầy yếu và cây xấu.
- Trồng sản xuất: Cây giống đạt 3 - 4 lá thật nhổ trồng ra ruộng sản xuất, tránh làm đứt rễ cây. Ruộng trồng cải thảo cần làm nhỏ đất, lên luống rộng 1,1m, cao 25cm, rãnh luống rộng 30cm. Trồng so le nanh sấu. Mật độ vụ sớm trồng 35.000 - 40.000 cây/ha (40 x 65cm/cây); chính vụ trồng 28.000 - 30.000 cây/ha (50 x 65cm/cây).
- Phân bón: Sử dụng các loại phân trong danh mục cho phép chăm bón cho rau, củ an toàn. Ưu tiên bón phân hữu cơ hoai mục và phân hữu cơ vi sinh. Không bón trực tiếp các loại phân có nguy cơ gây ô nhiễm như phân bắc, phân chuồng, nước giải và rác thải sinh hoạt chưa qua xử lý hoai mục. Lượng bón tùy thuộc đất canh tác và thời vụ trồng, tham khảo bảng dưới đây:
Loại phân | Tổng lượng phân (kg/ha) | Bón lót (%) | Bón thúc (%) | ||
Lần 1 | Lần 2 | Lần 3 | |||
Phân hữu cơ | 25.000 - 30.000 | 100 | |||
Đam Ure | 220 - 20 | 20 | 30 | 30 | 20 |
Lân Super | 500 - 625 | 100 | |||
Kaliclorat | 120 - 150 | 20 | 30 | 30 | 20 |
Vôi bột | 500 - 600 | 100 |
Bón phân vào rạch hoặc hốc trước trồng 1 - 2 ngày rồi đảo đều, phủ đất kín. Bón thúc 3 lần (vào thời điểm sau trồng 15 ngày; khi cây trải lá bàng và bắt đầu vào cuốn). Ngoài ra, có thể bón thêm phân qua lá. Sử dụng phân hữu cơ vi sinh cần theo khuyến cáo từ nhà sản xuất. Bón vôi bột trước khi làm đất.
- Chăm sóc: Chỉ tưới rau bằng nước sông, hồ lớn hoặc nước ngầm, nước giếng khoan đã qua xử lý. Tuyệt đối không tưới ra bằng nước thải công nghiệp, bệnh viện, trại chăn nuôi, nước ao tù và nước thải sinh hoạt dân cư
Sau trồng rau tưới đủ ẩm 1 lần/ngày; cây hồi xanh tưới 2 - 3 ngày/lần. Trong các đợt bón thúc, làm cỏ cần kết hợp tỉa bỏ lá già, lá bệnh và cây bệnh. Xới xáo và vét rãnh vun luống tạo cho ruộng rau luôn thông thoáng.
Phòng trừ sâu bệnh: Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) như: Chọn cây giống khoẻ, sạch sâu bệnh; vệ sinh đồng ruộng trước trồng và sau thu hoạch; phơi ải đất hoặc ngâm ruộng với nước vôi 5 - 7 ngày; xử lý đất bằng chế phẩm Ketomium hoặc Oshin; trồng luân canh rau với lúa nước; không trồng rau trên đất vụ kế trước trồng cây họ thập tự...
Chỉ sử dụng thuốc BVTV trong danh mục được phép dùng trên rau, quả an toàn. Trong đó, ưu tiên thuốc có nguồn gốc sinh học và chế phẩm điều hòa sinh trưởng nhanh phân giải, thời gian cách ly ngắn. Ngắt ổ trứng, diệt sâu non khi mật độ sâu hại thấp; dùng bẫy pheromone bắt trưởng thành sâu tơ trong suốt vụ. Phun trừ triệt để sâu bệnh hại ở thời kỳ cây giống và giai đoạn cây rau nhỏ
Khi phải sử dụng thuốc BVTV: Với sâu xám, rệp các loại, phòng trừ bằng những thuốc có hoạt chất Lufenuron (Mathch 050C...). Bệnh sương mai, dùng thuốc có hoạt chất Cymoxanil + Mancozeb (Jak M9 72WP...) hoặc Propineb (Antracol 70WP...).
Bệnh thối gốc, sử dụng có hoạt chất Metalaxyl (Mataxyl 500WG, Anfamil 25WP...), Valydamycil (Validacin 5L, Valivithaco 3C...). Bọ nhảy xử lý bởi các thuốc Sokupi 0,36SL, Oshin 20WP, Pverathon 5SL hỗn hợp với dầu khoáng.
Rệp muội (trên 20% số cây bị hại) trừ bằng thuốc có hoạt chất Lufenuro (Match 050EC), Chlorantraniliprole (DupontTM Pverathon* 5SC...). Sâu tơ, sâu xanh, bướm trắng, sâu khoang, phun thuốc có hoạt chất Indoxacarb (Dupont Ammate 150SC), Lufenuron (Match 050C...).
Chú ý, trước thu hoạch rau 15 - 20 ngày chỉ phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc thảo mộc có hoạt chất Matrine hoặc sinh học Bt.
Thu hoạch: Phải đảm bảo thời gian cách ly phân bón và thuốc BVTV ghi trên bao gói. Thời gian từ gieo hạt đến thu hoạch 95 - 100 ngày. Thu rau vào sáng sớm hoặc chiều mát, cắt gốc để lại 2 - 3 lớp lá xanh bao ngoài. Gom dọn các tàn dư thực vật dùng làm phân bón. Thu gom riêng để xử lý công nghiệp những tàn dư khó phân huỷ (màng phủ nông nghiệp, dây nilon...).