| Hotline: 0983.970.780

Quy tụ hộ giết mổ nhỏ lẻ về một mối, cách làm hay của Bình Định

Thứ Năm 15/06/2023 , 06:32 (GMT+7)

Từ quyết tâm xóa lò mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, quy tụ về nhà máy giết mổ tập trung, Bình Định đến nay có 3 nhà máy đi vào hoạt động.

Ông Phan Văn Khiêm (đứng), Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước nói về những lợi ích của việc chuyển lò mổ nhỏ lẻ vào nhà máy giết mổ tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phan Văn Khiêm (đứng), Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước nói về những lợi ích của việc chuyển lò mổ nhỏ lẻ vào nhà máy giết mổ tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư

Cuối tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đề án di dời khoảng 150 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư nằm trên địa bàn 5 xã phía Bắc huyện Tuy Phước và thị xã An Nhơn vào cơ sở giết mổ động vật tập trung tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn).

Theo đó, mức hỗ trợ tháo dỡ, đập bỏ lò giết mổ thủ công là 5 triệu đồng/hộ. Phí dịch vụ giết mổ được hỗ trợ với mức 120.000đ/heo thịt; 170.000đ/con heo nái và đực giống; 320.000đ/con trâu, bò; 250.000đ/con bê, nghé; 10.000đ/con gà; 20.000đ/con vịt.

Phí giết mổ được hỗ trợ 7.000đ/con lợn; 14.000đ/con trâu, bò và 200 đồng/con gia cầm. Cả 2 loại phí nói trên được Nhà nước hỗ trợ 100% trong năm đầu thực hiện và 50% trong năm thứ 2.

Để khuyến khích nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, mỗi dự án sẽ được Nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách huyện, thị xã hỗ trợ 50%.

Các hộ giết mổ động vật nhỏ lẻ ở huyện Tuy Phước tham quan Nhà máy giết mổ động vật tập trung Nhơn An (thị xã An Nhơn) nghe phổ biến về chính sách hỗ trợ giết mổ tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Các hộ giết mổ động vật nhỏ lẻ ở huyện Tuy Phước tham quan Nhà máy giết mổ động vật tập trung Nhơn An (thị xã An Nhơn) nghe phổ biến về chính sách hỗ trợ giết mổ tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài ra, còn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị bên trong tường rào dự án với mức 2 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ đầu tư đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước ngoài tường rào dự án với mức 3 tỷ đồng/dự án.

Nhờ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quy Nhơn sau khi hoàn thành, đi vào hoạt động nhà máy giết mổ tập trung tại khu vực 3 phường Nhơn Bình (thành phố Quy Nhơn), doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư nhà máy tại xã Nhơn An (thị xã An Nhơn).

Tới đây, doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư nhà máy giết mổ động vật tập trung tại phường Hoài Tân (thị xã Hoài Nhơn), dự án này đã được chính quyền địa phương bàn giao mặt bằng. Thủ phủ chăn nuôi heo Hoài Ân cũng đã có lời mời Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quy Nhơn về huyện này xây dựng nhà máy giết mổ tập trung.

Gia súc được mổ tại nhà máy giết mổ động vật tập trung được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y. Ảnh: V.Đ.T.

Gia súc được mổ tại nhà máy giết mổ động vật tập trung được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y. Ảnh: V.Đ.T.

Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khắc phục những vướng mắc

Giữa tháng 6/2023 này, Nhà máy giết mổ động vật tập trung Nhơn An (thị xã An Nhơn) đi vào hoạt động, phục vụ cho khoảng 150 hộ làm nghề giết mổ nhỏ lẻ ở thị xã An Nhơn và 5 xã phía Bắc huyện Tuy Phước theo phương án di dời đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt.

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, hiện trên địa bàn huyện này còn 44 hộ hành nghề giết mổ gia súc ở các xã: Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Quang và Phước Hưng đang hoạt động nhưng hầu hết không có giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y.

“Khi mới chuyển vào hoạt động tại khu giết mổ tập trung, chủ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ buộc phải thay đổi thói quen nên sẽ có những phản ứng nhất định. Nhưng đây là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nên dù khó khăn, huyện Tuy Phước cũng sẽ nỗ lực thuyết phục để người dân hiểu đây là hướng phát triển tất yếu”, ông Phan Văn Khiêm, chia sẻ.

Còn theo ông Phan Long Dũng, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, trên địa bàn thị xã hiện có 110 hộ làm nghề giết mổ nhỏ lẻ nằm trong diện phải di dời. Hiện, ngành chức năng thị xã An Nhơn đã họp chốt danh sách và triển khai thực hiện”, ông Dũng cho hay.

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ một lò mổ ở xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) mua xe tải nhỏ để vận chuyển heo về nhà máy giết mổ tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ một lò mổ ở xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) mua xe tải nhỏ để vận chuyển heo về nhà máy giết mổ tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ một lò mổ ở xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), bày tỏ: “Từ nhà tôi xuống tới nhà máy giết mổ khoảng 21km. Mổ xong phải đưa thịt về các chợ Nhơn Lộc, Nhơn Phúc và Nhơn Thọ cung cấp cho bạn hàng, quãng đường khá xa. Nhưng tôi hiểu đây là xu hướng phát triển chung nên không thể không làm."

Được cán bộ xã tư vấn, ông Minh mua 1 chiếc xe tải nhỏ để vận chuyển heo đến nhà máy giết mổ tập trung rồi chở thịt về địa phương tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Vinh Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc chia sẻ, cái khó của Nhơn Lộc là cách xa nơi giết mổ tập trung, nên việc vận động di dời các lò giết mổ nhỏ lẻ rất khó khăn. Nhưng sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động, đến nay có gần 70% các hộ hành nghề giết mổ ở Nhơn Lộc đã đăng ký hoạt động tại nhà máy.

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.